LTS: Trao đổi, tranh luận về nghề văn hay đời sống văn chương hôm nay là một công việc thú vị, thiết thực nhưng cũng không kém phần nan giải. Bởi nghề văn, xét từ góc độ mở, là một nghề khó. Công việc sáng tạo chữ nghĩa vừa đơn độc lại vừa hướng về phía độc giả và cộng đồng văn hóa nói chung. Nhà văn có cần độc giả hay không? Một tác phẩm văn nghệ viết ra cho ai?  Báo điện tử Một Thế giới thiệu diễn đàn này, từ một bài viết của nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng trao đổi với nhà văn Nguyễn Đ

Phải chăng, văn chương đang bị sa lầy?

Một Thế Giới | 29/05/2014, 06:00

LTS: Trao đổi, tranh luận về nghề văn hay đời sống văn chương hôm nay là một công việc thú vị, thiết thực nhưng cũng không kém phần nan giải. Bởi nghề văn, xét từ góc độ mở, là một nghề khó. Công việc sáng tạo chữ nghĩa vừa đơn độc lại vừa hướng về phía độc giả và cộng đồng văn hóa nói chung. Nhà văn có cần độc giả hay không? Một tác phẩm văn nghệ viết ra cho ai?  Báo điện tử Một Thế giới thiệu diễn đàn này, từ một bài viết của nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng trao đổi với nhà văn Nguyễn Đ

Bài Văn chương hôm nay đang bị sa lầy của Nguyễn Đình Chính ở mục Văn học của Một Thế Giới ngày 17.5.2014 là một bài viết cần thiết. Tác giả đã đặt ra một vấn đề có tính trung tâm đối với những người cầm bút Việt Nam. 
Bài viết của ông toát lên tinh thần của một trí thức, một “kẻ sĩ” đích thực đang bất an trước thực trạng của văn chương nước nhà và đầy nhiệt tâm hướng đến sự thay đổi. Và trong chừng mực nhất định, tác giả đưa ra được kiến giải của mình, tuy rằng tính thuyết phục của nó đến đâu thì hãy còn có thể tranh cãi.
Tuy nhiên, theo ý tôi, bài viết của ông Nguyễn Đình Chính có ít nhất ba lỗ hổng về mặt lý luận. Giá như ông có thể lấp đầy được ba lỗ hổng này bằng những luận cứ và chứng minh đầy đủ sức nặng thì bài viết của ông sẽ tốt hơn nhiều.
 Cụ thể, ông đã viết:

Trong bản chất sâu xa của mỗi một nhà văn ở VN đều mang đậm tính thực dụng chính trị cố hữu của người châu Á.

Tôi có hai câu hỏi cho ông:

1) Cái “mỗi một nhà văn” mà ông Nguyễn Đình Chính đang nói đến cần được hiểu như thế nào? 
a/ Chỉ những ai là thành viên các hội nhà văn ở trung ương và các địa phương? 
b/ Tất cả những ai đã có đầu sách được in ở Việt Nam và do vậy có thể kể là “nhà văn” một cách chính danh?
c/ Bất cứ người cầm bút nào viết bằng tiếng Việt, không nhất thiết là đang sống trong nước, và không nhất thiết đã có tác phẩm được in một cách chính thống, nhưng không nhất thiết là không có tác phẩm nào đã hoàn thành?

Tùy theo ông muốn nói “mỗi một nhà văn” theo nghĩa (a), (b) hay (c) mà nhận định của ông về “nhà văn Việt Nam” là đúng, không hoàn toàn đúng, hoặc sai.

Tôi không nghĩ rằng ông đang muốn nói: Tuyệt đối không một nhà văn nào ở Việt Nam, dù hội viên hội nhà văn hay không, đã có sách được in hay không (tức hiểu theo cách c) mà không mang đậm tính thực dụng chính trị cố hữu của người châu Á. Tôi muốn tin rằng ông Chính biết sự thật không phải như vậy. Tuy nhiên, cách ông phát biểu khiến người ta phải hiểu như vậy.

Tôi tin rằng ở điểm này ông đồng ý với tôi: cần phải thận trọng, rất thận trọng với những phát ngôn có tham vọng khái quát hóa lớn như vậy.
Phai chang, van chuong dang bi sa lay?
 Nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng

2) Tôi mong ông nói rõ hơn ý của ông là gì khi ông viết “tính thực dụng chính trị cố hữu của người châu Á (tôi nhấn mạnh, TTCĐ)”. Cái “thực dụng chính trị cố hữu” này không có ở người châu Âu, hoặc nếu có thì không phải là hiện tượng phổ biến, không phải là bản chất của người châu Âu chăng? Nhà văn châu Âu thì nhìn chung không thực dụng chính trị chăng? Cái thực dụng chính trị cố hữu ấy phải chăng là một thuộc tính mang bản chất di truyền, hay là một bản tính mà nhà văn châu Á tập nhiễm được trong môi trường chính trị-xã hội đặc thù châu Á? 

Ở đoạn dưới, ông viết tiếp:

"Vì vậy, người văn nghệ sĩ phải có một tầm nhìn sâu rộng, một trí tuệ minh triết và một thái độ khoan dung, tránh không bị cuốn vào cơn gió lốc tư tưởng Tây phương gần hai thế kỷ nay đang rơi vào tình trạng ảm đạm, do bị sa vào cái bẫy của Chuẩn thức tư duy nhị nguyên phân biệt, nên đã mất dần khả năng tiếp cận được với cái thực tại sống động đang diễn ra".

Tôi có câu hỏi nữa cho ông:

3) Đọc câu trên, người đọc hiển nhiên có thể diễn dịch rằng, theo ông, nhà văn Việt Nam “mất dần khả năng tiếp cận với cái thực tại sống động đang diễn ra” chủ yếu hoặc phần lớn là do “bị cuốn vào cơn gió lốc tư tưởng Tây phương gần hai thế kỷ nay đang rơi vào tình trạng ảm đạm, do bị sa vào cái bẫy của Chuẩn thức tư duy nhị nguyên phân biệt”. 
Nếu cách hiểu này là đúng, thì xin ông cho biết: ông tin chắc đến mức độ nào về chuyện đó? Có thật đúng là tư tưởng phương Tây hiện nay đang ảm đạm? (Chắc hẳn ông đã theo dõi/ tìm hiểu/ nghiên cứu một cách sâu rộng và cẩn trọng về tư tưởng phương Tây hiện đại trước khi có phát biểu này. Nếu đúng vậy, xin ông nói rõ hơn, cung cấp cứ liệu cho tôi và quý độc giả được tường). 
Mặt khác, có chắc rằng chuẩn thức tư duy nhị nguyên là nguồn cơn (duy nhất hoặc chủ yếu) cho sự bế tắc và “nằm trong vũng lầy” của nhà văn Việt? Có phải chỉ cần chuyển sang và dựa vào tư tưởng chủ toàn, bất nhị kiểu phương Đông là nhà văn Việt có thể tự cứu mình thoát khỏi vũng lầy?

Tôi rất mong nhận được từ ông Nguyễn Đình Chính những trao đổi thẳng thắn, trên tinh thần học thuật và tương kính, tất cả không nhằm mục đích gì khác ngoài làm rõ thêm được ít nhất là một vấn đề trong số hằng bao nhiêu vấn đề đang còn mù mờ, rối bùng nhùng của đất nước ta.

Trần Tiễn Cao Đăng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phải chăng, văn chương đang bị sa lầy?