Chuyến phà đầu tiên nối đôi bờ Đồng Tháp - An Giang chính thức hoạt động trở lại sau hơn 4 năm bị ngưng, mang niềm vui cho người dân từng gắn bó với bến phà đã có trăm năm tuổi này.

Phà Vàm Cống hồi sinh và những niềm vui

Tô Văn | 03/09/2023, 11:55

Chuyến phà đầu tiên nối đôi bờ Đồng Tháp - An Giang chính thức hoạt động trở lại sau hơn 4 năm bị ngưng, mang niềm vui cho người dân từng gắn bó với bến phà đã có trăm năm tuổi này.

Tìm lại thời vang bóng

"Ủa, phà hoạt động rồi hả chị? Vậy giờ mình đi Lấp Vò khỏi qua cầu Vàm Cống phải không chị?", một người chở rau củ quả hỏi vọng vào quán cà phê. Chị chủ quán đon đả bước ra, chỉ cho người đó đường dẫn vào bến phà Vàm Cống.

Gặp chúng tôi, chị chủ quán Nguyễn Thị Lan giải thích: “Sáng 1.9 phà hoạt động lại rồi, nhưng đa số người dân hổng phải ai cũng biết".

Chị Lan là một trong số ít chủ quán hiếm hoi còn trụ lại từ ngày phà Vàm Cống dừng hoạt động cho đến nay. Gọi là quán chứ thực sự chỉ vài bộ bàn ghế nhựa được bày biện phía trước. Khách hàng của chị đa số là bà con xung quanh, thỉnh thoảng tới gọi vài ly cà phê, điếu thuốc.

“Sáng nay phà hoạt động lại, tôi bán được 40 ly cà phê cho khách đi đường. Thấy cảnh người và xe xếp hàng chờ xuống phà, rồi nghe tiếng còi phà, tôi lại nhớ cảnh bến phà xưa nhộn nhịp, đông vui”, chị Lan tâm sự.

10-pha.jpg
Một chiếc phà Vàm Cống đưa khách qua sông Hậu - Ảnh: Tô Văn

Bà Bé Năm (60 tuổi, ngụ phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên) cho biết hồi xưa bến phà này đông vui lắm, bà mở quán cơm và làm bánh cam bỏ mối cho người bán hàng rong. Số tiền kiếm được hằng ngày đủ giúp bà lo cho gia đình. Ngày phà dừng hẳn, gia đình bà lao đao. “Sáng nay, bến phà hoạt động trở lại, tuy buôn bán không bằng trước nhưng tôi thấy cũng vui, phấn khởi”, bà Bé Năm nói.

Điểm khởi đầu mới

Sáng 1.9, chuyến phà đầu tiên nối đôi bờ Đồng Tháp - An Giang chính thức hoạt động trở lại, mang đến niềm vui cho những người từng gắn bó với bến phà trăm năm tuổi này.

Không giấu được niềm vui, ông Nguyễn Văn Vui (56 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò) bảo rằng khi hay tin phà chạy lại, người dân cả hai bờ vui mừng khôn xiết và đợi đến sáng để lập tức đi phà.

“Tôi thấy phà hoạt động trở lại giúp giao thông thuận lợi, thông thương. Chứ đi đường vòng từ cầu Vàm Cống thì quá xa. Phà hoạt động trở lại giúp ích rất nhiều từ việc về thăm gia đình, buôn bán, công việc… nên vui lắm”, ông Vui cho biết.

1-pha.jpg
Người dân mua vé qua phà Vàm Cống - Ảnh: Tô Văn
11-pha1.jpg
Rất đông người tại nhà chờ phà (bên bờ Long Xuyên) để qua huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp - Ảnh: Tô Văn
14-pha4.jpg
Người dân xuống phà Vàm Cống - Ảnh: Tô Văn

Một số tiểu thương giao hàng hóa, học sinh Đồng Tháp học ở các trường đại học, cao đẳng bên An Giang cũng chọn qua sông trên những chuyến phà bởi gần hơn, thuận tiện.

Anh Trần Phú Thuận, công nhân Tập đoàn Sao Mai nói: “Công ty tôi ở Lấp Vò chỉ cách con sông Hậu, nếu đi làm mà chạy qua cầu Vàm Cống thì rất xa, còn đi phà thì khoảng cách rất gần và đỡ mất thời gian”.

Đã trăm năm qua, bến phà Vàm Cống luôn gắn bó mật thiết và để lại tình cảm sâu đậm đối với những người từng có mặt trên phà qua lại hằng ngày, nối nhịp đôi bờ Đồng Tháp và An Giang.

3-pha.jpg
Chuyến phà đầu tiên hoạt động - Ảnh: Tô Văn
4-pha.jpg
9-pha.jpg
5-pha.jpg
Một nhân  viên hướng dẫn người dân đậu xe an toàn, đóng mở cửa, kéo lưỡi phà lên xuống khi rời và cập bến - Ảnh: Tô Văn

Do vậy, khi quay trở lại bến phà Vàm Cống và phụ trách lái chuyến đầu tiên sau 4 năm ngưng hoạt động, một thủy thủ phà Vàm Cống, nhân viên Công ty cổ phần Phà An Giang không giấu được niềm vui.

“Mấy ngày nay tôi trông chờ những chuyến phà này dữ lắm. Bốn năm rồi mới được ngồi lái phà Vàm Cống, thật sự đây là một niềm hạnh phúc to lớn đối với tôi”, anh tâm sự.

Ông Trương Văn Hiệp - Tổ trưởng Bến phà Vàm Cống, Công ty cổ phần Phà An Giang cho biết, đúng 7 giờ sáng đơn vị bán vé cho hành khách qua phà, có rất nhiều người dân chờ đợi mua vé để được xuống phà.

6-pha.jpg
Lái chuyến phà đầu tiên sau khi phà Vàm Cống hoạt động trở lại - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo ông Hiệp, phà chủ yếu phục vụ người đi bộ, xe máy và ô tô có tải trọng dưới 7 tấn, thời gian hoạt động ngày đầu tiên từ 7 giờ - 22 giờ. Những ngày sau giá vé xe máy là 6.000 đồng/lượt, xe ô tô tải dưới 3 tấn 25.000 đồng/lượt, ô tô tải 5 - 7 tấn 60.000 đồng/lượt. Phà tăng thời gian hoạt động cố định từ 4 giờ - 22 giờ hằng ngày.

Phà Vàm Cống được xây từ thời Pháp thuộc, vận chuyển hành khách nối hai bên bờ TP.Long Xuyên (An Giang) và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Từ chỉ 4 phà quy mô nhỏ, đến lúc ngừng hoạt động phà Vàm Cống có 10 chiếc, gồm: 8 phà 200 tấn, 2 phà 100 tấn với 167 cán bộ, nhân viên. Bình quân mỗi ngày phà vận chuyển 5.500 chiếc ô tô và 12.000 xe máy qua lại sông Hậu.

Trước đó, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu khánh thành ngày 19.5.2019. Công trình có tổng mức đầu tư 5.700 tỉ đồng, nối quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Sau khi cầu thông xe, đúng 9 giờ ngày 30.6.2019, chuyến phà cuối tại bến Vàm Cống (cách cầu khoảng 4km) cũng hoàn thành và bến chính thức bị dừng hoạt động cho đến ngày 31.8.2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phà Vàm Cống hồi sinh và những niềm vui