Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, câu chuyện về loa phường cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc, cụ thể để thấy được những khu vực nào cần duy trì hệ thống truyền tin bằng loa phát thanh hay những khu vực mà loa phường hiện diện không còn phù hợp thì nên chuyển sang các hình thức truyền tải thông tin khác. Đồng thời, cần phải đánh giá vai trò của loa phường một cách công bằng.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Cần đánh giá vai trò của loa phường một cách công bằng

Thu Anh | 09/02/2017, 14:31

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, câu chuyện về loa phường cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc, cụ thể để thấy được những khu vực nào cần duy trì hệ thống truyền tin bằng loa phát thanh hay những khu vực mà loa phường hiện diện không còn phù hợp thì nên chuyển sang các hình thức truyền tải thông tin khác. Đồng thời, cần phải đánh giá vai trò của loa phường một cách công bằng.

Xoay quanh câu chuyện nên “xóa sổ” hay giữ lại loa phường, bên cạnh những ý kiến trái chiều từ phía người dân hay những cán bộlãnh đạo phường phụ trách mảng văn hóa – xã hội, báo điện tử Một Thế Giới cũng có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học).

- Thưa ông, nhiều ngườicho rằng khi các phương tiện truyền thông hiện đại đang phát triển mạnh như truyền hình, báo in, báo điện tử, mạng xã hội… thì loa phường đã dần trở nên lạc hậu nhưng cũng có ý kiến cho rằng loa phường vẫn có vai trò, chỗ đứng riêng của nó.Ông nghĩ sao về những ý kiếnnày và theo ông loa phườngcó còn phù hợp trong thời buổikhoa học công nghệ đang phát triển như hiện nay hay không?

- TS Trịnh Hòa Bình: Trong thời gian dài, loa phường đã đảm nhận vai trò xuất sắc về thông lin, liên lạc, truyền bá chính sách của Đảng, thông tin về việc vận động quần chúng… hay những đóng góp lớn trong những năm tháng chiến tranh, xây dựng xã hội chủ nghĩa cũng như trong giai đoạn đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường…

Ngày nay, loa phường đặt tại khu vực nội đô, những thành phố lớn cũng dần bị lỗi thời, không ăn nhịp, không khớp với nét sinh hoạt, hệ thống ứng xử xã hội trong đô thị kiểu mới – văn minh, hiện đại. Dễ dàng nhận thấy những bất cập mà loa phường mang lại như tham gia vào việc gây ra tiếng ồn; thông tin, nội dung biên tập cùng với thời gian cũng trở nên thiếu cập nhật, hơi “nhà quê” so với những phương tiện khác (mạng xã hội, cổng thông tin điện tử…) đang tương thích với trình độ dân trí và cách tiếp cận thông tin hiện đại. Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tiến tới thì chúng ta cũng không tiện để duy trì hình thức truyền tin truyền thống trong trường hợp loa phường gây ra sự phản cảm.

Theo tôi, ở những khu vực quan trọng của thành phố, loa phường đã có dấu hiệu lỗi thời bởi chúng ta không dễ gì tuyển và giữ được những phát thanh viên xứng tầm, không nói ngọng, truyền bá thông tin một cách cập nhật, truyền cảm… Nên cùng với thời gian, không có mấy người còn sẵn lòng với vị trí phát thanh viên, chuyên mônđọc tin tức trên loa phường… khiến sự bất cập ngày càng bộc lộ.

Hơn nữa, truyền thông tin qua hệ thống loa phường hiện nay cũng “quan liêu” so với những thông tin truyền đạt bằng phương thức truyền miệng bởi phát đi thông tin bằng loa sẽ không nhận được sự phản hồi từ người dân mà điều này, phương thức thông tin truyền miệng đã làm tương đối tốt.

Nhưng ngay trong lòng xã hội đô thị vẫn có những bộ phận muốn nghe và họ cho rằng nó vẫn còn tác dụng, đặc biệt với những người cao tuổi. Vậy đặt vấn đề bỏ hay giữ loa phường trong xã hội hiện nay, hóa ra cũng là một vấn đề nhạy cảm! Bởi nó không chỉ liên quan tới nguồn ngân sách mà Nhà nước cấp để “nuôi” hệ thống loa phường hàng năm mà còn là câu chuyện của những cán bộ sẵn sàng làm việc với loa phường sẽ được phân bổ ra sao. Dẫu có nhiều bất cập nhưng cũng không thể phủ nhận rằng loa phường đã đóng một vai trò quan trọng trong một thời kỳ nhất định của xã hội.

- PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho rằng vấn đề ở đây không phải là bỏ hay không bỏ loa phường mà là sử dụng loa phường như thế nào cho hiệu quả, đặt nó ở đâu cho phù hợp, phát nội dung nào, thời lượng ra sao mới là điều đáng bàn, tìm giải pháp khắc phục những vấn đề còn bất cập. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?

Tôi cho rằng chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn về mọi mặt. Ở những chỗ đặt loa nếu thiếu tính cập nhật, lạc hậu, tiêu tốn tiền bạc, gây ra sự phản cảm, tham gia vào ô nhiễm tiếng ồn… thì nên giảm thiểu hình thức loa phường ở khu vực thành nội. Tuy nhiên, ở những vùng sâu, vùng xa, ngoại thành nếu loa phát thanh vẫn phát huy được vai trò, duy trì sự ảnh hưởng, vị thế được đề cao thì hệ thống loa vẫn nên được duy trì.

Trong trường hợp duy trì hệ thống loa phường, cần tính toán kỹ lưỡng đến việc cho loa phường “ngồi” ở đâu, làm sao để không quấy rầy người dân, không gây ra sự phản cảm. Hệ thống loa không chỉ là một hệ thống cơ sở vật chất mà còn những con người thực thị nhiệm vụ đó cũng cần được tuyển chọn một cách khắt khe, khó tính hơn thay vì ai nấy đều có thể làm được.

Theo tôi, cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc, cụ thể về vấn đề này để thấy được những khu vực nào cần duy trì hệ thống truyền tin này hay những khu vực mà loa phường hiện diện không còn phù hợp thì nên chuyển sang các hình thức truyển tải thông tin khác như bằng bản tin, thông tin truyền miệng từ tổ trưởng dân số… Đồng thời, cần phải đánh giá vai trò của loa phường một cách công bằng.

- Thưa ông, Sở TT&TT Hà Nội đang tiến hành tổ chức lấy ý kiến người dân về loa phường trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố, cổng thông tin điện tử, trang Facebook của Sở TT&TT. Là nhà nghiên cứu xã hội học, ông nghĩ sao về cách thức này?

Về nguyên tắc, những điều tra bằng mẫu lớn sẽ cho độ chính xác cao nhưng tôi cũng không chắc chắn là Sở TT&TT Hà Nội điều tra bằng phương thức nào, lập quy trình chọn mẫu ra sao và ai là người thực hiện điều đó. Vậy nên con số thể hiện lượng người tán thành hoặc không tán thành đang “nhảy” lung tung khiến trang truy cập bị “đánh sập” cũng là điều đáng phải suy nghĩ lại.

- Trongtrường hợp loa phường bị xóa sổ, các lãnh đạo phường đề xuất những phương án như thiết lập cổng thông tin của phường để người dân tiện truy cập hoặc tăng cường công tác tuyên truyền qua các hội nghị, qua cán bộ cơ sở, qua bản tin tại các khu chung cư… Theo ông, những đề xuất và cách làm đó có thiết thực và hợp lý hay không?

Thoạt trông sẽ thấy những giải pháp đề xuất đó không tiêu tốn nhiều nhưng thực tế sẽ tốn khá nhiều về cả nhân lực lẫn vật lực. Nếu sử dụng phương thức truyền thông theo cách đó cần phải có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, đăc biệt phải phụ thuộc vào truyền thống và tiềm lực của từng địa phương.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Thu Anh (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Cần đánh giá vai trò của loa phường một cách công bằng