Nhiều lãnh đạo, cơ quan quản lý vẫn nghĩ ngành này chỉ là “ăn theo” xuất nhập khẩu, nên cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngành logistics cũng chưa rõ ràng”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nói.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Phải bỏ suy nghĩ logistics là ngành ‘ăn theo’

09/07/2020, 06:08

Nhiều lãnh đạo, cơ quan quản lý vẫn nghĩ ngành này chỉ là “ăn theo” xuất nhập khẩu, nên cơ chế chính sách hỗ trợ cho ngành logistics cũng chưa rõ ràng”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nói.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - Ảnh: ĐĐK

Nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Quy mô thị trường dịch vụ logistics ngày càng mở rộng đem đến nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh logistics, đồng thời cũng tạo ra những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh logistics tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng tiềm năng tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam trong tương lai rất lớn, tuy nhiên, hiện miếng bánh thị phần lĩnh vực này đang nằm trong tay của hầu hết doanh nghiệp nước ngoài.

Tiềm năng tăng trưởng của ngành logistics của Việt Nam thời gian tới thế nào, thưa ông? Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, nhiều công ty chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam và Đông Nam Á có lợi gì đối với ngành logistics của Việt Nam?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Logistics là ngành tương đối mới ở Việt Nam. Các doanhh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này cũng thành lập chưa lâu. Mặc dù số lượng đông nhưng năng lực hiện nay tương đối yếu. Có đến 70-80% thị phần đang ở trong tay môt số doanh nghiệp có vốn nước ngoài nắm giữ.

Trong số 4.000 doanh nghiệp logistics hiện có, tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ chiếm phần nhiều. Thống kê từ Hiệp hội Logistics cho biết, số lượng doanh nghiệp có số vốn hoạt động dưới 10 tỉ đồng chiếm hơn 77% và chỉ có 0,59% doanh nghiệp có số vốn hoạt động trên 500 tỉ đồng. Thậm chí có 94,84% trong số này là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính, chuyển phát - là những mảnh ghép “vụn” trong chuỗi logistics ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đang có nhiều tiềm năng phát triển. Nhu cầu này không chỉ là trước mắt mà ở cả lâu dài, điển hình như việc bố trí sắp xếp kho bãi, vận chuyển, xuất nhập khẩu. Những khâu này đang có chi phí tương đối lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Với ngành logistics, hiện nay nhu cầu đang rất lớn, khả năng phát triển tương đối tốt. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và việc đứt gẫy chuỗi cung ứng thì nhiều doanh nghiệp dời sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam cung được coi là địa chỉ cho một số doanh nghiệp tìm đến.

Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giúp đẩy mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Sản lượng hàng hóa qua cảng Việt Nam dự kiến tăng 10 - 13%/năm, nhờ những hoạt động xuất/nhập khẩu, nhờ tác động tích cực mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại và nhờ khu vực FDI. Do vậy, ngành logistics càng có thêm cơ hội phát triển, đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

Phải nghiêm túc đầu tư cho logistics

Ông vừa nhắc đến vai trò tích cực của các hiệp định thương mại tự do, vậy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi hứa hẹn sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, sẽ đem lại lợi ích thế nào cho ngành logistics Việt Nam, thưa ông?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do mới của Việt Nam với EU, vì thế các chuyên gia hy vọng nó mở ra một “đại lộ” mới cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra thế giới.

Nhờ hiệp định này, Việt Nam có thêm thị trường 500 triệu dân có thu nhập cao với nhu cầu hàng hóa đa dạng, phong phú, họ lại hạ thuế cho Việt Nam rất nhiều và rất nhanh. Do đó, ngành logistics của Việt Nam cũng thêm cơ hội phát triển với kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh.

Tuy nhiên, với EU và các nước phát triển, việc bao gói cũng như sắp xếp, bố trí hàng hóa cũng là một đòi hỏi gần như bắt buộc. Các trung tâm logistics hoàn chỉnh phải đảm bảo được hơn 6 điều kiện: là nơi tập trung hàng hóa (đóng, rút hàng); làm thủ tục hải quan; đóng gói bao bì; dán tem, kiểm soát chất lượng; kiểm tra chuyên ngành; có ngân hàng thanh toán tại chỗ; các dịch vụ liên quan khác… thì ở Việt Nam khó có trung tâm logistics nào đáp ứng được cùng lúc hơn 6 yêu cầu này.

Ông có nói rằng thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài là chính? Như vậy, việc nhiều cơ hội mở ra liệu có rơi vào tay doanh nghiệp logistics nước ngoài hết?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Trong thời gian trước mắt, doanh nghiệp logistics nước ngoài vẫn là đối tượng được hưởng lợi ích lớn nhất. Lý do là vốn của họ tương đối dày, họ có kho bãi, kho lạnh, nơi bảo quản hiện đại, đúng chuẩn quốc tế. Họ cũng có công nghệ phù hợp với công nghệ các quốc gia phát tiển nên họ được các hãng xuất nhập khẩu của các nước ưu tiên.

Tiếp theo, kinh nghiệm hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài cũng mạnh mẽ hơn, giúp cho họ có lượng bạn hàng lớn trên thế giới. Nếu các doanh nghiệp Việt không liên kết lại được với nhau, không cải tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường hiện đại thì chúng ta còn mất thị trường vào tay doanh nghiệp ngoại.

Do đó, cần thiết phải liên kết với nhau để có nguồn vốn, kho bãi, máy móc hiện đại thì chúng ta mới có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường logistics. Chứ hiện nay, dịch vụ chủ yếu mà các doanh nghiệp kinh doanh logistics Việt Nam cung ứng cho khách hàng là các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng.

Các dịch vụ này thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài như dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho... còn các dịch vụ khác trong chuỗi dịch vụ logistics mặc dù có một số doanh nghiệp cung ứng nhưng số lượng không nhiều và chưa được quan tâm phát triển.

Xu hướng mua sắm trực tuyến mở cơ hội thế nào cho các doanh nghiệp vận tải và logistics, thưa ông?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Mua sắm trực tuyến đi liền với logistics. Khi một đơn vị hay cá nhân đặt hàng thì phải sắp xếp, bố trí thế nào để có hàng sẵn sàng phục vụ cho họ, đảm bảo mặt phẩm cấp, bảo quản. Tiếp theo, việc đóng gói, vận chuyển theo yêu cầu của thương mại điện tử cũng cần phải nhanh chóng, tiện lợi, an toàn cho người đặt hàng.

Logistics đang có cơ hội phát triển rất tốt, đặc biệt đối với những ngành bán lẻ và nhiều ngành khác chứ không chỉ ở xuất nhập khẩu. “Đất” phát triển cho logistics là mảnh đất rất màu mỡ và tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Những năng qua, ngành này tăng trưởng 20-30%, tuy nhiên thời gian tới có thể còn tăng cao hơn nữa.

Theo ông, những thách thức lớn nhất của ngành logistics Việt Nam hiện nay là gì?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Thách thức của logistics là cơ chế chính sách chưa thực sự có ưu tiên, ưu đãi rõ ràng. Nhiều lãnh đạo, cơ quan quản lý vẫn nghĩ ngành này chỉ là “ăn theo” xuất nhập khẩu, nên cơ chế chính sách hỗ trợ cũng chưa rõ ràng.

Để xuất khẩu được nhanh, tốt, giá cả đảm bảo thì chất lượng hàng hóa phải được bảo quản phù hợp, đúng chuẩn. Việc này làm tăng giá trị của hàng hóa và cũng tạo thuận lợi rất lớn cho xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng ta chưa có chính sách thực sự ưu đãi cho ngành này như ngành sản xuất.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính

Điều tiếp theo là vốn mỏng. Các doanh nghiệp của Việt Nam thành lập chưa lâu, kĩ năng chưa nhiều, vốn ít nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, xây dựng kho bãi, mua sắm phương tiện vận tải, bốc xếp hàng hóa… nên chất lượng bảo quản hàng hóa không cao.

Hơn nữa, lực lượng lao động trong ngành này chưa được đào tạo bài bản,chuyên nghiệp. Do đó, cần thiết phải có các trường lớp đào tạo bài bản, chất lượng trong lĩnh vực logistics.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục hành chính phức tạp và nhiều chi phí chính thức lẫn không chính thức cũng là một rào cản không nhỏ đối với sự phát triển của ngành logistics của Việt Nam. Do đó, cần phải khắc phục được những điều này thì ngành này mới có thể tận dụng được cơ hội, bứt phá lên được.

Thống kê cho thấy, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20,9% giá trị hàng hóa, cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển, trong đó chi phí vận tải chiếm tới 60%. Điều này làm tăng giá các mặt hàng, giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Chi phí logistics cao vì tiền thuê kho bãi cao hơn các nước khác. Thời gian lưu kho lâu, sắp xếp không hợp lý khiến tốn thêm chi phí. Chưa kể, việc hàng hóa di chuyển trên đường cũng chịu nhiều chi phí và hạ tầng cơ sở chưa phát triển cũng khiến tốn thêm nhiều chi phí logistic.

Do đó, cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí không chính thức, bôi trơn, kiểm tra, kiểm soát… để tránh chi phí logistics bị đội lên cao, khiến hàng hóa giảm khả năng cạnh tranh.

>> Vì sao ngành học logistics được nhiều người quan tâm?

>> Đưa logistics thành mạch máu phát triển cơ thể nền kinh tế

>> Đào tạo nguồn nhân lực logistics là trọng trách của các trường kinh tế

>> GS Đặng Đình Đào: Chính sách, hạ tầng... yếu kém làm đội giá logistics lên cao

>> Cử nhân logistics ở Mỹ có thu nhập tương đương 1,7 tỉ đồng/năm

Cơ sở hạ tầng là thách thức lớn

Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) nhận định cơ sở hạ tầng là thách thức mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất với 81,82%.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vận tải cũng như hạ tầng về công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa đồng bộ dẫn đến dịch vụ vận tải đa phương thức gặp rất nhiều khó khăn, và chi phí logistics của Việt Nam còn cao hơn nhiều so với các nước.

Việc xây dựng các nguồn khu tập trung kho vận tại 3 miền đi kèm hệ thống kho bãi, cầu cảng, các đường giao thống chỉ mới bắt đầu tiến hành, còn chưa hoàn thiện, mới đáp ứng nhu cầu cho xuất nhập khẩu, hệ thống kho bãi chưa đáp ứng nhu cầu nội địa, đặc biệt nhu cầu E-Logistics.

Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao ở cấp độ nhà quản lý, các chuyên viên logistics giỏi, hiểu biết luật pháp quốc tế, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp.

Trong số các doanh nghiệp trong nước, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo chuyên ngành logistics, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn... Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lương dịch vụ cũng như tăng lợi nhuận của công ty, theo đó có 63,64% doanh nghiệp khảo sát lựa chọn thiết hụt nguồn nhân lực chất lượng là thách thức phát triển với ngành vận tải và logistics.

Vẫn có tới 54,55% doanh nghiệp đánh giá còn nhiều bất cập, chẳng hạn như chính sách về xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa còn khá chặt chẽ, gây nhiều khó khăn, Nghị định hướng dẫn chưa rõ ràng khiến cho các doanh nghiệp mới để làm quen được gặp nhiều lúng túng, điều đó làm chậm đi nhịp phát triển của ngành logistics.

Trí Lâm (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Phải bỏ suy nghĩ logistics là ngành ‘ăn theo’