Vào lúc nguy cơ bùng nổ một cuộc “tắm máu” giữa quân đội Syria với quân nổi dậy, một đầu sách cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump từng có lời lẽ khá lạ lẫm khi nói về Tổng thống Bashar Al-Assad của Syria.

Ông Trump từng đòi xử lý Tổng thống Syria

Trần Trí | 05/09/2018, 17:34

Vào lúc nguy cơ bùng nổ một cuộc “tắm máu” giữa quân đội Syria với quân nổi dậy, một đầu sách cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump từng có lời lẽ khá lạ lẫm khi nói về Tổng thống Bashar Al-Assad của Syria.

Trong cuốn sách “Nỗi Sợ: Trump ở Nhà Trắng” sẽ xuất bản ngày 11.9 tới, nhà báo kỳ cựu Bob Woodward của tờ Washington Post kể sau khi hay tin quân đội Syria dùng vũ khí hóa học (VKHH) giết dân thường hồi đầu tháng 4.2017, ông Trump gọi điện cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, giận dữ ra lệnh xử lý Tổng thống Assad.

Ông Mattis không nghe lệnh của Tổng tư lệnh quân đội Mỹ

Tờ báo Mỹ trích đoạn lời ông Trump chửi thềtrong cuộc điện thoại, đòi xử lý ông Assad và quân binh Syria. Ông Mattis đáp sẽ thực hiện ngay mệnh lệnh, nhưng khi cuộc điện thoại kết thúc, ông nói với các trợ lý: “Chúng ta không làm gì cả. Chúng ta sẽ cẩn trọng hơn”.

Trong tuyên bố về vụ tấn công hóa học, ông Trump nói:“Ngay cả các đứa trẻ xinh đẹp bị tàn sát dã man trong cuộc tấn công hung bạo này. Lẽ ra không một đứa trẻ nào của Chúa phải chịu đựng sự kinh hoàng này”.

Cuối cùng, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, ông Trump ra lệnh phóng 59 quả tên lửa hành trình “Búa” Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria, và không trực tiếp tấn công ông Assad.

Đó là hành động quân sự đơn phương đầu tiên của Mỹ vào chính quyền Syria. Nhưng vài giờ sau đòn không kích của Mỹ, máy bay Syria vẫn cất cánh từ sân bay bị dội tên lửa.

Lúc đó có thông tin Mỹ đã báo trước với Nga về vụ tấn công, và Nga báo cho chính quyền Syria, cho phép quân đội Syria đem cất máy bay ở chỗ khác trước khi vụ không kích xảy ra.

Khi ấy, Đại tá Hassan Hamade, một phi công Syria đào ngũ năm 2012, nói với hãng tin AP: “Vụ đánh bom sẽ không tác động mạnh đến hoạt động quân sự của chế độ Assad”.

Hồi tháng 4, liên quân Mỹ - Anh - Pháp lại tấn công bằng tên lửa vào khu vực quanh thủ đô Damascus, sau khi có tin Syria tấn công hóa học vào quân nổi dậy bao vây Damascus.

Syria cùng các đồng minh Nga - Iran đều phủ nhận cáo buộc của Mỹ, quy trách nhiệm cho quân nổi dậy và thù địch nước ngoài muốn lật đổ chế độ Tổng thống Assad.

Trước đây, các nhà phân tích cho rằng chính phủ Mỹ đã chuyển qua ngầm chấp nhận để ông Assad tiếp tục lãnh đạo Syria, khi quân nổi dậy đã bị đánh bại ở nhiều khu vực.

Hồi tháng 12.2017, các quan chức Mỹ - Âu nói với báo New Yorker: chính phủ Mỹ sẵn sàng cho phép ông Assad tiếp tục làm tổng thống, cho đến cuộc bầu cử mới năm 2021.

“Ổ khủng bố bắt dân làm lá chắn sống”

Ngày 4.9, máy bay Nga và Syria ném bom ồ ạt vào vùng quê Jisr al-Shughour ở phía tây thành phố Idlib (tây bắc Syria), ổ kháng cự cuối cùng của quân nổi dậy, làm chết 13 dân thường nhưng không có tay súng nổi dậy nào bị giết, theo một nguồn tin của quân nổi dậy và của tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở ở Anh).

Cùng ngày 4.9, ông Trump viết Twitter cảnh báo ông Assad cùng các đồng minh chớ đánh quân nổi dậy ở Idlib: “Tổng thống Bashar al-Assad của Syria không nên đánh ẩu vào tỉnh Idlib. Nga - Iran sẽ phạm một sai lầm nhân đạo nghiêm trọng khi tham gia vào thảm kịch nhân đạo tiềm năng này. Hàng trăm ngàn người có thể bị giết. Hãy đừng để điều đó xảy ra!”.

Nhưng người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov bác bình luận của ông Trump, mô tả Idlib là “ổ khủng bố” và “Chúng tôi biết quân đội Syria đang chuẩn bị giải quyết vấn đề này”.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Abbas Araqchi tuyên bố: “Bọn khủng bố ở Idlib hòa vào nhóm dân. Chúng dùng dân làm lá chắn sống”.

Quân nổi dậy đông nhất ở Idlib là Tahrir al-Sham (bị Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào danh sách khủng bố) và liên kết với Mặt trận Nusra (từng thề trung thành với tổ chức khủng bố Al-Qaeda).

Tuần trước, Đặc sứ LHQ tại Syria, ông Staffan de Mistura, nói hai nhóm khủng bố Mặt trận Nusra và Al-Qaeda có 10.000 tay súng ở Idlib.

Hạn chót trước khi Syria quyết diệt khủng bố

Cuộc tấn công của Nga - Syria hôm 4.9 diễn ra trước khi lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ họp thượng đỉnh ngày 7.9 ở Iran, bàn về khả năng quân đội Syria tấn công vào Idlib, điều sẽ gây ra một thảm họa nhân đạo lớn tại thành phố 3 triệu dân này.

Và còn có thể bùng nổ một cuộc đối đầu lớn với Thổ Nhĩ Kỳ vốn ủng hộ quân nổi dậy, đồng thờilo ngại một trận đánh lớn có thể đẩy làn sóng người tị nạn chiến tranh đổ qua biên giới nước mình, và Thổ Nhĩ Kỳ muốn duy trì “một thỏa thuận không leo thang tình hình” từng đạt được với Nga và Iran hồi năm 2017.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã lập các chốt quan sát dọc theo chiến địa Idlib, nhằm ngăn chặn giao chiến. Nhật báo Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin quân đội đã tăng cường vùng biên giới bằng xe tăng M60.

Ngày 3.9, Đặc sứ LHQ tại Syria, ông De Mistura nói ông có nghe thông tin rằng ngày 10.9 tới là thời hạn chót, để hoạt động ngoại giao trước khi Syria bắt đầu chính thức tấn công Idlib.

Và ông nói các cuộc đối thoại Nga - Thổ Nhĩ Kỳ là chìa khóa giải quyết số phận Idlib mà không xảy ra “tắm máu”.

Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nói Thổ Nhĩ Kỳ đã bàn cùng Nga hành động chung, để xử lý các tổ chức khủng bố ở Idlib, đồng thời tránh một cuộc tấn công tổng lực.

Ngoại trưởng Javad Zarif của Iran đang thăm Syrianói với đài truyền hình nhà nước Iran: “ Nỗ lực của chúng tôi là quét sạch khủng bố ở Idlib mà không gây ra thương vong lớn”.

Nhờ sự yểm hộ của quân Nga và Iran, chính phủ Syria đã có thể lội ngược dòng, giành lại 2/3 lãnh thổ từng lọt vào vòng kiểm soát của các nhóm quân nổi dậy và bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo giáo (IS) trong cuộc nội chiến Syria từ năm 2011, đã làm chết hơn 350.000 người và 1/3 trong tổng số 30 triệu dân Syria phải sơ tán.

Đối với ông Assad, đánh tan bọn nổi dậy ở Idlib có nghĩa sẽ thu hồi tòan bộ lãnh thổ. Nhưng Mỹ đã cảnh báo Syria chớsử dụng VKHH vào trận đánh này, vì nếu làm thế thì Mỹ sẽ phản ứng mạnh.

Nhưng Syria cáo buộc Mỹ đang dựng chứng cớ giả rằng sẽ có cuộc tấn công bằng VKHH, nhằm có cớ cho Mỹ can thiệp quân sự sâu vào Syria.

Bộ trưởng Hòa giải Ali Haidar nói với hãng tin Sputnik: “Cuộc bao vây Idlib có thể kết thúc bằng vũ lực. Cho đến nay, hành động quân sự thiên về hòa giải.

Theo Reuters, Damascus sử dụng chữ “hòa giải”, với ý đàm phán cho quân nổi dậy đã đầu hàng tại vài khu vực khác.

Bộ trưởng Haidar nói thêm: “Idlib khác với các vùng khác, vì ở đó có quá nhiều tay súng. Tuy nhiên, chúng tôi không thể nói rằng không có cửa cho sự hòa giải”.

Theo LHQ, một nửa trong 3 triệu dân Idlib đã phải rời bỏ nhà cửa của họ ở các vùng khác, và bất kỳ một cuộc tấn công nào cũng đe dọa lại xảy ra thảm họa nhân đạo và các cuộc sơ tán mới.

Hội đồng bảo an LHQ sẽ bàn chuyện Idlib vào ngày 7.9 tới, theo Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek, Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump từng đòi xử lý Tổng thống Syria