Tổng thống Donald Trump dự đoán sẽ chiến thắng đối thủ Joe Biden hoành tráng hơn so năm 2016 trước bà Hillary Clinton trong cuộc phỏng vấn ngày bầu cử 3.11 qua điện thoại với chương trình Fox & Friends của Fox News.
Khi được người đồng dẫn chương trình Steve Doocy hỏi, ông Trump trả lời: "Con số của tôi lần trước là 306 (phiếu đại cử tri - PV). Tôi đã kết thúc với 306. Đó là một con số tốt. 223-306 và đó là một khoảng cách lớn. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đứng đầu. Tôi nghĩ chúng tôi năm nay sẽ tốt hơn con số đó".
Trên thực tế, Tổng thống Trump đã nhận được 304 phiếu bầu của Đại cử tri đoàn vào năm 2016 sau khi hai đại cử tri đảng Cộng hòa bỏ phiếu phản đối.
Kết quả chung cuộc năm 2016 là ông Trump có 304 phiếu, vượt xa mức 270 phiếu đại cử tri cần thiết. Các đại cử tri tại bang Texas (36 người) với những lá phiếu cuối cùng giúp ông Trump đắc cử, còn bà Hillary Clinton chỉ có 224 phiếu.
Tuy giành chiến thắng ở số phiếu đại cử tri nhưng ông Trump lại thua bà Clinton về số phiếu phổ thông, với khoảng cách khoảng 3 triệu phiếu. Qua đó, ông Trump trở thành người đắc cử Tổng thống Mỹ thảm hại nhất xét về số phiếu phổ thông kể từ năm 1876. Dù vậy, ông Trump tuyên bố đó là chiến thắng lịch sử đối với nền dân chủ Mỹ.
Một lần nữa, ông Trump nhắc lại điều này trên chương trình Fox & Friends sáng 3.11.2020: "Nó chưa bao giờ xảy ra trước đây trong lịch sử của đất nước chúng ta. Chưa bao giờ có điều gì như thế này".
Reuters cho hay cuộc bỏ phiếu năm 2016 có số lượng đại cử tri "lật kèo" nhiều nhất trong hơn 100 năm. Điều đáng nói là các đại cử tri phe Dân chủ lại "lật kèo" nhiều hơn so với các đại cử tri Cộng hoà. Theo đó, 4 đại cử tri phe Dân chủ của bang Washington đã bỏ phiếu cho cựu thư ký bang là ông Colin Powell của đảng Cộng hoà thay vì phải bầu cho bà Hillary Clinton. 1 trong 4 đại cử tri tin tưởng ông Colin Powell phù hợp cho chức tổng thống hơn Trump.
Năm nay dự kiến sẽ chứng kiến lượng cử tri đi bỏ phiếu kỷ lục vì gần 100 triệu người đã bỏ phiếu sớm. Song nhiều khả năng sẽ không có kết quả bầu cử khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc vào tối thứ 3.11 vì một số bang chiến trường quan trọng lên kế hoạch kiểm phiếu bầu qua thư vài ngày tới.
Ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng vì chuyện này và nhiều lần tuyên bố rằng người Mỹ có thể biết kết quả cuộc bầu cử vào 3.11. Rộ tin nếu dẫn trước ông Biden cách biệt dựa trên kết quả tính đến tối 3.11, Trump sẽ tuyên bố chiến thắng. Thế nhưng, ông chủ Nhà Trắng bác bỏ điều này và khẳng định đây là thông tin sai sự thật.
Chủ đề đó lại xuất hiện trong cuộc phỏng vấn sáng 3.11. Một lần nữa, Trump bác bỏ ý tưởng tuyên bố tái đắc cử sớm, nói rằng ông sẽ đưa ra thông báo chỉ khi có chiến thắng và "không có lý do gì để chơi trò này".
Không có gì lạ ở Mỹ khi các tiểu bang phải mất vài ngày, thậm chí vài tuần để kiểm phiếu bầu. Sự gia tăng kỷ lục về số phiếu bầu qua thư trong năm nay có thể khiến quá trình này diễn ra lâu hơn.
Người quản lý chiến dịch tranh cử của Biden, Jennifer O’Malley Dillon, nói với các phóng viên: “Không có kịch bản nào công bố người chiến thắng trong đêm bầu cử”.
Cuộc bầu cử đã thúc đẩy làn sóng tranh tụng chưa từng thấy về việc có nên điều chỉnh các quy tắc bỏ phiếu do đại dịch COVID-19 hay không. Cả hai bên đều có đội luật sư sẵn sàng tham gia các cuộc chiến hậu bầu cử.
Theo trang USA Today, 6 bang chiến trường được quan tâm nhất năm nay là Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, North Carolina, Florida và Arizona. Theo nghiên cứu truyền thông của Đại học Wesleyan, toàn bộ 15 địa phương được chi tiền quảng cáo bầu cử mạnh tay nhất đều nằm trong nhóm 6 tiểu bang này.
Mỗi tiểu bang ở Mỹ đều có quy trình và nguyên tắc kiểm phiếu khác nhau. Thế nên, thời điểm 9 bang chiến trường kiểm phiếu cũng khác nhau.
Dự kiến Florida, Georgia, Texas, North Carolina và Ohio có kết quả kiểm phiếu vào ngày bầu cử.
Arizona, Wisconsin, Michigan, Pennsylvania có kết quả kiểm phiếu sau ngày bầu cử.