Ngày 29.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Ông Phạm Minh Chính: Không nhất thiết địa phương nào cũng có bộ máy giống nhau

Bùi Trí Lâm | 29/10/2019, 20:08

Ngày 29.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, đối với chính quyền ở đô thị (khu vực nội thành, nội thị), Hà Nội sẽ thí điểm mô hình chính quyền 2 cấp, cấp thành phố và các quận, thị xã gồm HĐND và UBND; tại phường thì tổ chức chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND mà chỉ có cơ quan hành chính là UBND) để thực hiện quản lý nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công.

Với chính quyền ở nông thôn (huyện, xã), Hà Nội giữ nguyên mô hình tổ chức các cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.

Đại biểu Đào Tú Hoa (TP.Hà Nội) cho rằng, dưới góc độ là công dân, toàn bộ giấy tờ liên quan đến cá nhân như sổ hộ khẩu, CMND, thẻ căn cước công dân, đăng kýthường trú, tạm trú... đều phải thay đổi. Với cơ quan quản lý nhà nước thì toàn bộ hồ sơ, hệ thống phần mềm quản lý cũng phải thay đổi. “Nếu thay đổi có thể nhìn thấy ngay hệ lụy là lãng phí, tốn kém lớn; cũng như nhìn thấy khó khăn cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương” – bà phát biểu. Do đó, bà đề nghị giữ nguyên tên gọi UBND phường như dự thảo nghị quyết.

Đại biểu Bùi Huyền Mai (TP.Hà Nội) cũng cho rằng không nên thay đổi tên gọi của UBND phường. Theo bà, việc thực hiện thí điểm, Quốc hội mới thống nhất tiến hành trong một khoảng thời gian xác định. Việc để nguyên tên gọi là thuận lợi và không làm ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày khác của người dân và cơ quan chức năng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, thực tiễn HĐND phường ở một số đô thị thời gian qua hoạt động còn hình thức, mà cái gì còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả thì có thể bỏ. Song, ông nhấn mạnh, nếu bỏ HĐND cấp phường thì cơ cấu HĐND quận làm sao phải bao quát, đại diện cho tất cả các phường.

"Khi không còn HĐND cấp phường, thành phố cần thiết lập thêm đường dây nóng để người dân ở các phường có điều kiện phản ánh bức xúc; thiết kế cơ quan chức năng để họ tiếp cận dễ dàng, giải quyết đơn từ, khiếu nại được nhanh chóng", ông Nghĩa nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng ủng hộ thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026. Bà cũng nhắc lại, thực tế trước đây cũng đã thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó có TP. Hà Nội, TP.HCM.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc không tổ chức HĐND ở cấp phường không khác nhiều so với việc đã thí điểm. Theo đó, không lo chuyện không có người đại diện cho dân, vấn đề chỉ là ai đại diện, nếu không tổ chức ở cấp quận, huyện, phường thì HĐND TP sẽ là đại diện cho dân.

“Mục tiêu là giảm biên chế bền vững, muốn vậy đồng thời với việc không tổ chức HĐND cấp phường thì phải tổ chức lại bộ máy, phân định lại nhiệm vụ chức năng cho rõ ràng, không chồng chéo, trùng lắp thì giảm biên chế mới hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho dân”, bà phát biểu.

Bà cũng bày tỏ băn khoăn, nếu chỉ tổ chức 2 cấp HĐND thì nên là HĐND cấp phường và cấp tỉnh, mà không tổ chức ở cấp quận (vì là cấp trung gian). Tuy nhiên, cần cơ cấu lại HĐND cấp phường, vì cấp phường có thể giải quyết được nhiều vấn đề cụ thể (an sinh xã hội, rác, môi trường…).

Đại biểu này đề nghị, TP.HCM cũng nên đề xuất Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội cho phép triển khai thí điểm cùng với TP.Hà Nội nhằm có thêm cơ sở thực tiễn để xem xét nhân rộng. “TP.Hồ Chí Minh cũng là thành phố đặc biệt, đại diện cho phía Nam, có tính đặc thù riêng, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh đã có Đề án chính quyền đô thị khá hoàn chỉnh, đã được trình tới Bộ Chính trị” – bà đưa ra lýdo.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng ủng hộ thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường ở Hà Nội. Theo ông, quản lý ở chính quyền nông thôn theo địa bàn, lãnh thổ, khác với quản lý của đô thị cần theo ngành, lĩnh vực và bảo đảm tính tập trung, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt.

"Tôi tán thành thí điểm ở Hà Nội, và khi không tổ chức HĐND cấp phường thì tên gọi của UBND nên giữ nguyên, không cần thay đổi", ông Chính nói và cho rằng nếu làm sớm được chủ trương thí điểm này sẽ thuận lợi trong chuẩn bị công tác cán bộ.

Theo quan điểm của Trưởng ban Tổ chức Trung ương, không nhất thiết cơ quan, địa phương nào cũng có bộ máy giống nhau, vì điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi nơi là khác nhau. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết tinh giản bộ máy, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm tra.

"Không thể để bộ máy cồng kềnh như hiện nay", ông nói và cho hay chỉ cần giảm 1% chi tiêu thường xuyên là ngân sách có thêm hàng nghìn tỉđồng cho đầu tư phát triển.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, mặc dù vẫn gọi là UBND, nhưng UBND phường nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND và UBND phường nơi có tổ chức HĐND có sự khác biệt rõ về vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Theo đó, tại phường nơi có tổ chức HĐND thì UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; còn tại phường của Hà Nội khi thực hiện thí điểm thì UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, thị xã đặt tại phường, thực hiện các nhiệm vụ hành chính nhà nước và cung cấp các dịch vụ công theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã.

Theo Bộ trưởng, sự khác biệt này còn được thể hiện tại các nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của UBND phường, nơi có tổ chức HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương với UBND nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và các quy định hướng dẫn của Chính phủ sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Phạm Minh Chính: Không nhất thiết địa phương nào cũng có bộ máy giống nhau