Theo ông Nguyễn Văn Đực, doanh nhân Việt Nam ngày nay có ưu điểm lớn nhất là sự gan lì và năng động. Họ có sức chịu đựng rất cao, cắn răng mà chịu đựng. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của doanh nhân Việt là thiếu tinh thần đoàn kết, chỉ hay "láu cá" và "tham vặt".

Ông Nguyễn Văn Đực: Doanh nhân Việt mạnh vì lì, yếu vì tham vặt!

13/10/2015, 10:24

Theo ông Nguyễn Văn Đực, doanh nhân Việt Nam ngày nay có ưu điểm lớn nhất là sự gan lì và năng động. Họ có sức chịu đựng rất cao, cắn răng mà chịu đựng. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của doanh nhân Việt là thiếu tinh thần đoàn kết, chỉ hay "láu cá" và "tham vặt".

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10), Một Thế Giới đã cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành về những điểm mạnh và điểm yếu, cơ hội và thách thức của doanh nhân Việt Nam hiện nay.
Còn nhớ cách đây 1 năm, cũng nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông đã từng có những chia sẻ rất thẳng thắn về ưu, nhược điểm của doanh nhân Việt. Vậy sau một năm, cách nhìn nhận trước đây của ông có gì thay đổi?
Tôi nghĩ rằng thế hệ doanh nhân Việt hiện nay đã có những thay đổi nhất định, song không quá nhiều so với trước đây, bởi tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, khiến doanh nhân Việt không có nhiều cơ hội để hoàn thiện bản thân, mà thay vào đó họ phải tập trung để có thể tồn tại.
Tuy nhiên cũng cần phải nói, trong khó khăn mới thử được sức chịu đựng bền bỉ của doanh nhân Việt. Trong suốt những năm vừa qua, từ 2008 đến 2012, 2013 là những năm tàn phá khốc liệt đối với doanh nghiệp Việt, bào mòn tài sản, sức lực và sự kiên nhẫn, quyết tâm của doanh nhân.
May mắn là phần đông trụ lại được, không bị vỡ trận hàng loạt, đây là điều đáng mừng. Điều này cũng chứng tỏ doanh nhân của chúng ta có sức chịu đựng rất cao, cắn răng mà chịu đựng.
Ngay cả như doanh nghiệp của chúng tôi nhiều lúc cũng gặp khó khăn, tưởng là sụp đổ nhưng sau đấy cũng vượt qua bằng mọi biện pháp, cách thức, kể cả phải đi vay nợ.
Đặc biệt là trong những doanh nhân có thể tồn tại thì có một số nhất định phát triển, vươn lên, đó là tin vui đối với nền kinh tế nói chung.
Một số doanh nghiệp đã giới thiệu ra thị trường các dự án rất lớn, rất hoành tráng. Chúng ta lại mở cửa một số quy định như cho người nước ngoài mua nhà, hay được gia nhập vào TPP...
Đây sẽ là những tiền đề để chúng ta hy vọng rằng trong năm tới và những tới nữa tình hình kinh tế sẽ ổn định, một số doanh nghiệp trụ lại được sẽ tiếp tục phát triển và chúng ta sẽ có thêm nhiều doanh nhân thành đạt.
Mặc dù nền kinh tế năm vừa qua còn gặp nhiều khó khăn, song đã có khá nhiều doanh nhân trẻ nổi lên, khiến các doanh nhân "lão làng" cũng phải nể phục. Vậy theo đánh giá của ông, thế hệ doanh nhân trẻ 8X, 9X hiện nay có ưu, nhược điểm gì?
Đối với thế hệ mới - thế hệ doanh nhân trẻ, theo tôi họ có ưu thế là trình độ. Rất nhiều doanh nhân trẻ đã thành đạt nhanh chóng, không phải dựa trên tài sản mà dựa trên trí tuệ, bằng cách huy động vốn, tham gia đầu tư chứng khoán, xây dựng lên rất nhiều công ty lớn mạnh.
Tuy nhiên, giới trẻ cũng có nhiều khuyết điểm. Họ thành công nhanh quá nên dễ đi đến kiêu ngạo, đầu tư vượt khả năng thực hoặc đầu tư trên nhiều mặt trận, lĩnh vực mà họ không kiểm soát được.
Chính vì thuyền nhỏ nhưng thích ra khơi nên khi gặp phải sóng mạnh, bão lớn, họ sẽ không trụ được.
Tôi đã thấy khá nhiều doanh nhân trẻ ỷ vào kiến thức của mình rồi xem thường kinh nghiệm, sự thận trọng và đi đến thất bại.
Các bạn trẻ ngày nay cần phải lưu ý điều này để đúc rút kinh nghiệm cho bản thân thì mới có thể thành đạt được.
Nếu phải chọn ra một ưu điểm lớn nhất của doanh nhân Việt hiện nay, theo ông đó là ưu điểm gì?
Theo tôi, ưu điểm lớn nhất của doanh nhân Việt Nam hiện nay là sự gan lì và năng động.
Gan lì ở chỗ họ chịu được những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian vừa qua. Còn năng động ở chỗ họ đã tạo ra được nhiều cách để tồn tại và phát triển, để vượt qua khó khăn đó.
Vậy còn nhược điểm lớn nhất của doanh nhân Việt, thưa ông?
Tinh thần đoàn kết là một trong những điểm yếu lớn nhất của doanh nhân Việt. Thường các doanh nhân Việt có đoàn kết, nhưng chỉ trong một giai đoạn ngắn và không hiệu quả.
Doanh nhân của chúng ta có điểm yếu là chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, không liên kết với nhau, hoặc kể cả có hợp tác với nhau thì cũng chỉ thủ cái lợi về mình và tìm mọi cách để đạt được cái lợn lớn nhất trong sự liên doanh, liên kết đó.
Kể cả sử dụng "đòn bẩn" là giữ tiền cho nhau nhưng sau đó quỵt nợ, không trả cho nhau, gây khó khăn cho nhau trong hợp tác. Đây là yếu điểm rất lớn mà văn hóa người Việt chưa thể vượt qua.
Nói một cách đơn giản là như người miền Bắc gọi là tính tham vặt, còn người miền Nam gọi là tính láu cá.
Doanh nhân của chúng ta không chịu hợp tác để xây dựng lên cái bánh lớn rồi chia phần, mà cứ quanh quẩn ở chiếc bánh nhỏ để làm sao mình được phần lợi nhiều hơn đối tác.
Mặc dù dân số của chúng ta khá đông nhưng nhiều năm nay, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 tỷ phú được lọt vào danh sách tỷ phú thế giới do Forbes bình chọn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có quá ít doanh nhân "đẳng cấp thế giới". Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho doanh nhân của chúng ta khó giàu và khó lọt vào đẳng cấp quốc tế. Một trong những lý do quan trọng là do lãi suất quá cao, trong khi nhu cầu vay vốn ngân hàng để làm ăn lại quá lớn.
Đã kinh doanh thì phải vay ngân hàng, mà ngân hàng lấy hết tiền, thu hết lợi nhuận thì làm sao mà làm giàu được? Ngay cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng kiệt quệ, kiệt sức.
Doanh nghiệp càng lớn thì phải vay càng nhiều. Tôi biết có nhiều doanh nhân có hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng như qua một vài dự án kinh doanh thì cũng bị bào mòn hết. Thậm chí chỉ sau một thời gian ngắn họ đã trắng tay.
Đó là do nền kinh tế bị lạm phát, lãi suất cao. Anh có 1.000 tỷ rồi anh vay thêm 2.000 -3.000 tỷ với lãi suất cao thì chẳng mấy chốc mà 1.000 tỷ ban đầu của anh bị bào mòn hết. Cho nên đây là bài toán rất khó cho các doanh nhân Việt.
Trong khi các nước khác chỉ cho vay với lãi suất 5-7% thì chúng ta lại cho vay lên đến 12-13%, khiến doanh nghiệp không làm ăn nổi.
Kèm theo đó, chúng ta cũng có quá nhiều khoản thuế và mức thuế cao. Chẳng hạn như thuế thu nhập doanh nghiệp ở một số nước chỉ hơn 10%, nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp của chúng ta lên đến hơn 20%.
Tất cả những khoản này làm giảm đi đồng lãi thực và dẫn đến doanh nghiệp không có tiền để tái đầu tư, tái sản xuất. Doanh nghiệp không phát triển thì chúng ta không thể có nhiều doanh nhân thành đạt.
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên
Bài liên quan
Doanh nhân vừa được ông Trump bổ nhiệm muốn cắt giảm công chức liên bang
Trả lời phỏng vấn Fox News ngày 17.11, doanh nhân Vivek Ramaswamy, một trong hai người được Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn lãnh đạo Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) chuẩn bị được thành lập, cho biết bộ đang lên kế hoạch cắt giảm công chức liên bang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Nguyễn Văn Đực: Doanh nhân Việt mạnh vì lì, yếu vì tham vặt!