Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nếu xóa bỏ độc quyền điện, xăng thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi vì họ có sự lựa chọn. Khi đó, các đơn vị cung cấp sẽ phải cạnh tranh với nhau để giành thị phần từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, nói là một chuyện, còn làm được hay không lại là chuyện khác.

Ông Bùi Trinh: 'Bỏ độc quyền điện, xăng, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi'

Một Thế Giới | 29/07/2015, 05:08

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nếu xóa bỏ độc quyền điện, xăng thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi vì họ có sự lựa chọn. Khi đó, các đơn vị cung cấp sẽ phải cạnh tranh với nhau để giành thị phần từ người tiêu dùng. Tuy nhiên, nói là một chuyện, còn làm được hay không lại là chuyện khác.

Điện, xăng dầu nhiều năm nay luôn nằm trong danh mục độc quyền kinh doanh của Nhà nước và gây ra nhiều ý kiến phản ứng trong dư luận. Mới đây, theo dự thảo của Bộ Công thương, điện và xăng, dầu không nằm trong danh mục các loại hàng hóa, dịch vụ Nhà nước độc quyền. Xoay quanh động thái này, báo Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Trinh.
Theo Dự thảo mới đây của Bộ Công thương, điện và xăng, dầu không nằm trong danh mục các loại hàng hóa, dịch vụ Nhà nước độc quyền. Xin ông cho biết quan điểm về đề xuất này? 
Tôi nghĩ từ dự thảo chính sách đến thực thi chính sách là một bước đường dài, gian nan và khó dự đoán. Mà thị trường là gì? Theo tôi hiểu thì là nơi diễn ra quá trình mua và bán giữa bên cung và bên cầu, theo đó giá cả của sản phẩm được xác định trên quan hệ này và giá trị của sản phẩm. Tôi nhớ khi điện, xăng dầu tăng giá người ta luôn lấy lý do là phải theo giá thị trường.
Tôi có xem trên VTV1 vài hôm trước, người phụ trách Cục Điều tiết Điện lực có nói đại ý rằng: “Xác đinh giá điện theo giá thị trường tức là chi phí đầu vào tăng thì giá điện tăng theo...” Như vậy là thị trường một chiều, thị trường ở mỗi phía cung, còn về phía cầu thì bán giá bao nhiêu người tiêu dùng đều phải chịu cả. Đấy là kiểu thị trường nửa vời. 
Hoặc khi xăng dầu tăng giá, giá điện cũng tăng theo... Xăng dầu và điện tăng hoặc tính giá thế nào thì người dân và doanh nghiệp vẫn phải sử dụng. Nên dù độc quyền hay không độc quyền mà những ngành này vẫn lý luận kiểu như vậy thì cũng chỉ là thay tên đổi họ, còn vẫn là con người ấy mà thôi.
Tôi cũng không biết không độc quyền về điện tức là thế nào? Điện đến với người sử dụng qua các khâu sản xuất, truyền dẫn và phân phối thì không độc quyền về điện là ở khâu nào? Cái này cũng chưa rõ ràng cho lắm.
Bo doc quyen dien, xang, nguoi tieu dung se huong loi
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh 
Vậy theo ông, việc độc quyền điện, xăng dầu sẽ đem đến những hệ lụy gì cho xã hội cũng như cho nền kinh tế?
Việc độc quyền những mặt hàng thiết yếu sẽ dẫn đến những méo mó về thị trường. Khi anh độc quyền thì có dở có đắt thì người ta cũng vẫn phải mua. Xăng dầu, điện còn là đầu vào của tất cả các ngành sản xuất trong nền kinh tế. Khi những ngành này tăng giá sẽ làm giá thành sản xuất tăng theo, từ đó ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. 

Trong khi ngành viễn thông đã bỏ được thế độc quyền từ nhiều năm nay nhưng ngành điện và xăng dầu vẫn mãi ì ạch. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?
Tôi cho rằng vấn đề là có muốn làm hay không. Nếu muốn làm thì không có gì khó khăn cả. 
Xin ông cho biết, nếu đưa vào hoạt động thị trường điện, xăng cạnh tranh sẽ tạo ra những thay đổi gì đối với hai ngành này nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung? 
Nếu có cạnh tranh thì không thể thích tăng giá là tăng. Sản phẩm cũng yêu cầu phải tốt hơn, phải minh bạch hơn trong việc tính giá thành. Nhưng nếu không độc quyền mà các nhà sản xuất bắt tay với nhau để tăng giá thì cũng là một mối nguy. Tôi nghĩ vấn đề cơ bản là phải minh bạch. 
Xóa bỏ độc quyền điện, xăng thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi vì họ có sự lựa chọn. Khi đó, các đơn vị cung cấp sẽ phải cạnh tranh với nhau để giành thị phần từ người tiêu dùng. 
Cụ thể là đơn vị cung cấp nào chất lượng tốt, chăm sóc khách hàng tốt, giả cả hợp lý thì đương nhiên người tiêu dùng sẽ lựa chọn. Do đó, việc này cũng thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng của chính các công ty công cấp điện. 
Xin cảm ơn ông! 
Trí Lâm (Thực hiện)

Bài liên quan
Elon Musk mở rộng vụ kiện OpenAI, thêm Microsoft là bị đơn và các cáo buộc chống độc quyền
Elon Musk đã mở rộng vụ kiện chống lại OpenAI, bổ sung các cáo buộc liên bang về chống độc quyền và khiếu nại khác, đồng thời thêm Microsoft là bị đơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Bùi Trinh: 'Bỏ độc quyền điện, xăng, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi'