Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam quý II/2015 đã giảm 8 điểm, còn 104 điểm. Đây được xem là mức giảm lớn nhất so với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng mất niềm tin

Một Thế Giới | 28/07/2015, 05:43

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam quý II/2015 đã giảm 8 điểm, còn 104 điểm. Đây được xem là mức giảm lớn nhất so với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo mới nhất về chỉ số niềm tin tiêu dùng được Nielsen, công ty thông tin và đo lường toàn cầu, công bố ngày 27.7, cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong quý 2/2015 giảm xuống chỉ còn 104 điểm, giảm 8 điểm so với quý 1. Đây được xem là mức giảm lớn nhất so với các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo ông Vaughan Ryan - Tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam, lần đầu tiên trong hơn một thập niên, chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam đạt con số không mấy lạc quan trong quý 2/2015. Không những vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã giảm mạnh.
Mức giảm này hoàn toàn ngược lại xu hướng của các quý trước. Thế nhưng, con số này cũng phản ánh đúng những gì đang diễn ra ở thị trường bán lẻ Việt Nam khi tốc độ phát triển bán lẻ không còn nhanh như những năm trước.
“Hiện nay các nhà bán lẻ đang đấu tranh để duy trì tăng trưởng, với mức tăng chỉ 2-3% cho hầu hết các tháng trong một năm qua " - ông Vaughan Ryan nói.
Theo ông Vaughan Ryan, người tiêu dùng Việt Nam đang cảm thấy ít lạc quan về tương lai gần, thế nhưng họ vẫn đặt niềm tin vào tương lai xa hơn. Hầu hết người tiêu dùng đều mong đợi nền kinh tế sẽ cải thiện trong năm tới.
Mặc dù niềm tin giảm mạnh, tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề tiết kiệm, báo cáo này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ mức cao nhất trên toàn cầu (73%). Các quốc gia tiết kiệm tiếp theo lần lượt là Philippines (72%), Indonesia (69%), Singapore (66%), Thái Lan (66%) và Malaysia (65%).
Nielsen cho rằng ý định thay đổi chi tiêu để tiết kiệm chi phí gia đình tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. 
Cụ thể, 86% người tiêu dùng Việt Nam đã điều chỉnh thói quen chi tiêu của mình trong 12 tháng qua để tiết kiệm chi phí gia đình, bởi hầu hết nghĩ rằng đất nước đang trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Ba trong số năm người tiêu dùng Việt Nam đã cắt giảm chi tiêu cho việc mua quần áo mới, sử dụng khí đốt và điện. Trong khi đó, khoảng một nửa người tiêu dùng đã cắt giảm các mục giải trí gia đình (57%) và trì hoãn việc nâng cấp các thiết bị công nghệ (48%).
Thế nhưng, sau khi trang trải hết các chi phí sinh hoạt, gần một nửa số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi cho các mục lớn như du lịch dịp lễ và nghỉ hè (45%) và mua các sản phẩm công nghệ mới (35%).
Đáng chú ý, trong báo cáo của Ngân hàng ANZ được công ngày 24.6 lại cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ-Roy Morgan đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 6.2015. Nhiều người tiêu dùng đánh giá tích cực về triển vọng tài chính cá nhân cũng như nền kinh tế nói chung.
Theo đó, chỉ số này đã tăng 2,9 điểm và đạt mức 143,1 điểm trong tháng 6.2015 - là mức cao kỷ lục. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam duy trì mức cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn 135,7 điểm, và cao hơn 12 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng ANZ cho rằng mức tăng này là do sự gia tăng niềm tin người tiêu dùng vào nền kinh tế Việt Nam trong 12 tháng tới cũng như 5 năm tới, cùng sự tự tin về tình hình tài chính cá nhân trong 12 tháng tới.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng mất niềm tin