Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm.

Ô nhiễm không khí gây ra gánh nặng bệnh tật

Thu Anh | 12/08/2021, 18:49

Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm.

Tại Hội thảo trực tuyến chia sẻ kết quả báo cáo “Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019” (ngày 12.8), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) phối hợp cùng Trường Đại học Y tế Công Cộng (HUPH), Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) công bố những dữ liệu mới nhất về tác động của ô nhiễm bụi PM2,5.

Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng số liệu do địa phương cung cấp, để đánh giá gánh nặng bệnh tật do tác động của ô nhiễm bụi PM2,5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội. Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Chung tay vì không khí sạch do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ.

o-nhiem-khong-khi-gay-ra-ganh-nang-benh-tat-tu-vong-som.jpg
Ô nhiễm không khí sẽ gây ra gánh nặng bệnh tật - Ảnh: Internet

Nghiên cứu chỉ ra, nồng độ bụi PM2,5 trên toàn TP.Hà Nội vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia. Cụ thể, nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,15 µg/m³ đến 39,4µg/m³.

Các quận nội thành Hà Nội (Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng) có nồng độ PM2,5 cao nhất. Đây là những khu vực tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế xã hội. Các huyện ngoại thành có nồng độ bụi PM2,5 thấp hơn.

Theo State of Global Air, 2020, trong năm 2019, thế giới có khoảng 6,67 triệu người chết do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí, trong đó có 4,14 triệu ca tử vong do PM2,5 bên ngoài. Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí là một trong năm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến chế độ dinh dưỡng.

Theo TS. Nguyễn Thị Trang Nhung (Trường đại học Y tế Công cộng), đối với bệnh tim mạch, trung bình mỗi năm tăng khoảng 1.062 ca nhập viện (1,2% tổng số ca nhập viện do bệnh tim mạch). Đối với bệnh hô hấp, trung bình mỗi năm tăng khoảng hơn 2.000 ca nhập viện (2,4% tổng số ca nhập viện do bệnh hô hấp).

o-nhiem-khong-khi-gay-ra-ganh-nang-benh-tat-tu-vong-som.png
Tình trạng ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 tại Hà Nội năm 2019 - Ảnh: Báo cáo tác động ONKK do bụi PM2,5

Bên cạnh thực trạng về gánh nặng bệnh tật, báo cáo nêu rõ những lợi ích sức khỏe nếu nồng độ bụi PM2,5 trên địa bàn Hà Nội năm 2019 được kiểm soát. Cụ thể, nếu nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm 2019 tại Hà Nội được kiểm soát ở mức 25 µg/m3 (QCVN 2013), số ca tử sớm do ô nhiễm đã tránh được là hơn 2.500 ca; kỳ vọng sống đã có thể tăng lên 812 ngày, tức là khoảng 2,22 năm tuổi.

Mặt khác, nếu nồng độ bụi PM2,5 tại Hà Nội năm 2019 được kiểm soát ở mức 10 µg/m3 (mức khuyến cáo của WHO), số ca tử vong sớm do ô nhiễm đã tránh được là hơn 4.200 ca. Như vậy, kỳ vọng sống của người dân Hà Nội có thể tăng lên 3,88 năm...

PGS. TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh (Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyến nghị mở rộng, nâng cấp mạng lưới quan trắc chất lượng không khí toàn quốc. Xây dựng và thực hiện cơ chế chia sẻ dữ liệu mở về chất lượng không khí từ các trạm quan trắc.

Sử dụng bản đồ phân bố nồng độ các chất ô nhiễm không khí trong đánh giá tác động ô nhiễm không khí lên sức khỏe tại các tỉnh/thành và toàn quốc. Xây dựng các bản đồ phân bố các chất ô nhiễm không khí có độ phân giải không gian cao, để nâng cao chất lượng công tác đánh giá và quản lý chất lượng không khí cấp quận/huyện.

Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu cũng cho biết qua tham khảo một số kinh nghiệm quốc tế tại các thủ đô như Bắc Kinh và Seoul cho thấy vào những năm 1980, Bắc Kinh chỉ có 8 trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh.

Đến năm 2019, mạng lưới theo dõi chất lượng không khí của Bắc Kinh đã gồm 35 trạm quan trắc tự động, hơn 1.000 trạm cảm biến PM2,5, kết hợp với ảnh viễn thám. Mạng lưới phủ rộng khắp Bắc Kinh này đã được đánh giá là một trong những yếu tố giúp thành phố cải thiện chất lượng không khí

Thủ đô Seoul cũng tăng số lượng trạm quan trắc từ 4 trạm vào năm 1973 lên 65 trạm tính đến năm 2018, với ít nhất một trạm tại mỗi quận trên tổng số 25 quận.

Bài liên quan
Bộ TN-MT hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã soạn thảo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ô nhiễm không khí gây ra gánh nặng bệnh tật