Lợi dụng cuộc vận động "người Việt dùng hàng Việt", nhiều đối tượng ở trong nước đã đặt hàng từ Trung Quốc giả làm hàng trong nước sản xuất để nhập lậu, đưa vào tiêu thụ trong nước.
Đó là lời nhận định của ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tại Hội thảo "Chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ thương hiệu trong hội nhập AFTA và TPP" diễn ra vào ngày 20.11.
|
Ông Nguyễn Công San - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội |
Ông Nguyễn Công San cho biết, hiện nay, tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) còn nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nghiêm trọng, gây thiệt hại cho nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của thương nhân làm ăn chân chính và người tiêu dùng, gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông San nêu rõ, thị trường hàng lậu, hàng giả đã xuất hiện hiện tượng "nội địa hóa" bằng phương thức nhập lậu linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam thông qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì nhãn, mác mới thành các sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản.
Hiện nay, hàng giả, xâm phạm SHTT không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau cả chính ngạch và tiểu ngạch. Đặc biệt là các loại hàng hóa đã được thị trường chấp nhận, có thương hiệu được đặt hàng y chang từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam như: quần áo, giày dép Nike, Adidas, đồ thời trang LV, Gucci, nước hoa, mỹ phẩm Lancome, điện thoại di động Samsung, Apple, hàng gia dụng, công nghiệp, thực phẩm, điện tử công nghệ cao... Các hàng hóa này vẫn hàng ngày nhập lậu vào thị trường Việt Nam bằng nhiều con đường với phương thức, quy mô khác nhau.
Ông San chỉ ra việc kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn vào bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn đang tăng lên khó kiểm soát. Một số vụ hàng giả phát hiện cho thấy đã có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả, nhất là giả mạo xuất xứ đưa vào Việt Nam và được tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối. Cá biệt hiện nay đã phát hiện được cả những vụ việc do đối tượng là các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp sản xuất hàng giả tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, lợi dụng cuộc vận động "người Việt dùng hàng Việt", nhiều đối tượng ở trong nước đã đặt hàng từ Trung Quốc giả làm hàng trong nước sản xuất để nhập lậu, đưa vào tiêu thụ trong nước như: bánh kẹo đặt làm từ Trung Quốc nhưng ghi sản xuất tại Hoài Đức, Hà Nội; bóng đèn sản xuất tại Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác là bóng đèn Rạng Đông của Việt Nam...
Nguyên nhân tiềm năng
Nhận định về nguyên nhân dẫn đến nhiều đối tượng nhập lậu, xâm phạm quyền SHTT, ông San cho biết, hiện nay, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vẫn tập trung nhiều vào các đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ, chưa thật sự có nhiều vụ việc đánh đúng, đánh trúng vào các đường dây lớn. Việc kiểm tra, xử lý mới chỉ dừng lại ở các cơ sở kinh doanh, thiếu thông tin để tiến hành mở rộng hoặc tổ chức kiểm tra xử lý tận gốc là các cơ sở sản xuất.
Số lượng cán bộ, công chức của các đội quản lý thị trường còn ít, lại phải dàn mỏng trên khu vực địa lý rộng, trang thiết bị phục vụ cho công tác còn thiếu nên không đảm bảo được tính hiệu quả của việc đấu tranh đối với đối tượng vi phạm.
Ngoài ra, một bộ phận người tiêu dùng lựa chọn những mặt hàng theo yêu cầu trên cơ sở kinh tế của mình. Người có khả năng kinh tế thì chọn mặt hàng đắt tiền, có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, còn người khả năng kinh tế eo hẹp buộc phải mua hàng rẻ tiền, có chất lượng thấp. Lợi dụng tình trạng này, một số cá nhân, tổ chức tự sản xuất hoặc câu kết với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất hàng giả cho đối tượng là những người có khả năng kinh tế thấp, ông San cho biết thêm.
Thêm vào đó, ông San cũng cho rằng, hàng hóa sản xuất trong nước tuy đã cố gắng nhiều trong cải tiến chất lượng, mẫu mã, song sức cạnh tranh yếu, chưa theo kịp khu vực và thế giới. Một bộ phận người sản xuất kinh doanh lợi dụng quản lý mẫu mã, bao bì còn sơ hở của doanh nghiệp sản xuất khác để sản xuất hàng hóa giả nhãn hiệu hàng hóa nhằm duy trì sự tồn tại của họ.
Cùng với đó, ông San đặc biệt lưu ý, các văn bản pháp luật mặc dù được ban hành và tổ chức thực hiện nhưng chưa tính trước được những yếu tố mới có thể xảy ra. Nhiều quy định còn chồng chéo nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau tạo ra những kẽ hở về pháp luật.
Tuyết Nhung