Chó, mèo là gia súc, thuộc nhóm vật nuôi gần gũi nhất của con người. Thời xưa, nuôi chó giữ nhà, nuôi mèo bắt chuột. Một số chó được huấn luyện giúp chủ săn thú rừng, chăn dắt cừu. Có thời, chó mèo còn là nguồn thực phẩm...

Nuôi chó, không đơn giản chỉ là nuôi

Nguyễn Văn Mỹ | 25/05/2023, 15:11

Chó, mèo là gia súc, thuộc nhóm vật nuôi gần gũi nhất của con người. Thời xưa, nuôi chó giữ nhà, nuôi mèo bắt chuột. Một số chó được huấn luyện giúp chủ săn thú rừng, chăn dắt cừu. Có thời, chó mèo còn là nguồn thực phẩm...

Nhiều người bị chó cắn. Thi thoảng mới bị mèo cào. Dữ nhất là chó cái vừa đẻ. Nó không cho người lạ lại gần nhằm bảo vệ con. Gặp chó dữ, cầm gậy hù lại hoặc ném cục gạch cục đá, bình tĩnh đối mặt, không bỏ chạy. Thường khi chó lấn tới thì ta ngồi thụp xuống, chó khựng lại vì sợ mình tấn công. Đó là với chó thường, chứ chó dữ thì... bó tay chấm com.

z4375397005578_ff4ad7c24f4783233c2a45c9d6fe7524.jpg
Thú cưng là bạn của con người, nhất là trẻ em - Ảnh: Tú Viên

Mèo, giờ chỉ nuôi làm cảnh, làm bạn. Chẳng mấy khi đói nên nó quên béng việc bắt chuột. Chó cũng không còn đói. Cũng ít ai bắt chó dọn chất thải em bé như xưa vì đã có tã lót đa năng. Việc giữ nhà, nhiều khi chỉ là cớ. Chó được nuôi theo trào lưu, làm cảnh, là phương tiện giúp thể hiện cá tính lẫn phong cách chủ. Nhiều người tới nay vẫn khoái ăn thịt chó, tất nhiên không phải chó mình nuôi.

Xưa xứ ta chỉ có chó mèo thuần giống bản địa. Nay, chó mèo hợp chủng quốc, nhất là chó. Có con bé tẹo như chuột nhưng có loài lớn như bò con. Lớn, thường đi với dữ. Xưa, không nghe nói ai chết trực tiếp do bị chó cắn, chỉ chết vì bệnh dại nếu không tiêm chủng. Nay, chó cắn chết người, đủ lứa tuổi; từ người lạ đến người trong nhà; từ cha mẹ đến con cái; thậm chí cắn chết chủ.

Tuần nào cũng có chuyện chó cắn người kinh hoàng. Toàn chó lớn và dữ. Nhà em tôi ở Hàm Mỹ, tỉnh Bình Thuận, nuôi mấy con chó Việt, cưng như em bé. Gặp khách lạ, sủa vang trời hù dọa. Trước dịch mấy năm, con trai nó đem về con pitbull, không thả như chó Việt mà buộc xích. Con chó to bằng con dê, lúc nào cũng gầm gừ như muốn xé thịt ai mon men đến gần.

Mầy lần về thăm quê, tôi phớt lờ xem như không có nó. Vậy mà, có lần, nó bứt xích, nhảy xổ ra, tấn công khi tôi vừa vào cổng. Nó táp vào đùi, xé toạc hai ống quần jean, máu chảy khá nhiều. Tôi dùng túi xách đánh vào đầu, nó càng hung hăng. May nhờ đưa cháu nghe la, chạy ra giải thoát. Nếu gặp trẻ em hoặc người già yếu, không biết hậu quả thế nào.

Tôi nói với em “anh và gia đình sẽ không về lại quê nếu nhà còn chó pitbull”. Lần sau về, thấy không còn. Chó ở Việt Nam như tiểu thuyết trường thiên bất tận, toàn chuyện buồn. Chó nuôi thả rông, cắn người. Chó dữ xích lại, cũng cắn người. Rồi chuyện trộm chó, chủ yếu để bán làm thịt, dẫn đến xung đột chết người, tù tội, cả người trộm lẫn người nuôi. Có cả chuyện bênh chó, đánh người, phải vào tù. Vô vàn hệ lụy.

Yêu và nuôi chó, khoái thịt chó hay không bao giờ ăn thịt chó, là quyền của mọi người. Tự do nhưng không làm phiền, gây hại đến người khác. Việc nuôi chó thả rông, dắt chó ra ngoài không rọ mõm, chó không chích ngừa dại, đánh và giết nhau vì chó… ở ta là chuyện thường ngày. Có báo còn đề nghị cấm ăn thịt chó để bọn trộm không thể hành nghề?

Trước nhưng tai họa thường xuyên từ chó, theo báo Tuổi Trẻ online, sáng 22.5, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết là người phụ trách ngành chăn nuôi, ông cảm thấy rất đau lòng. Việc cấm và quản lý chặt nuôi chó, nuôi mèo là việc rất đáng làm khi tình trạng nuôi chó mèo gây ảnh hưởng tới xã hội. Cục sẽ xin ý kiến bộ chủ quản và các cơ quan đơn vị để đưa vào quản lý đối với chó dữ, động vật có thể gây nguy hiểm nhằm giảm thiểu thiệt hại đáng tiếc cho người dân, cộng đồng.

z4375397864459_176dcdb2ab12fcca65cef98b5184cea5.jpg
Chó là gia súc, vật nuôi gần gũi nhất với người Việt - Ảnh: Tú Viên

Ngày 21.5, tại cuộc họp báo của ngành, ông Thắng cũng cho biết Luật Chăn nuôi và Luật Thú y có những quy định chặt chẽ về nuôi chó, mèo. Cục đang xây dựng thông tư quản lý động vật khác, trong đó có chó mèo. Dự kiến sẽ ban hành luật trong khoảng cuối năm 2023 hoặc đầu 2024.

Là tư lệnh ngành chăn nuôi, chỉ “cảm thấy rất đau lòng” thôi sao? Cấm và quản lý chặt việc nuôi chó mèo “phải làm ngay” chứ không thể “rất đáng làm”? Luật cũ đã “quy định chặt chẽ”, cớ gì phải làm luật mới và cả năm nữa mới xong? Việt Nam chẳng thiếu luật gì, chỉ thiếu người thực thi và người chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

Dư luận bức xúc và báo động đỏ nhưng hình như chưa đủ đô. Quản lý cứ đủng đỉnh kiểu sống chậm. Phải hành động để chấm dứt ngay những hiểm họa từ chó. Các loài như pitbull (chiến binh), bullmastiff (ngao bò), doberman (canh gác), becgie (săn Đức), husky, Alaska, Labrador, ngao Tây Tạng… phải có giấy phép đặc biệt, vì nguy hiểm không thua gì vũ khí.

Hà Nội và TP.HCM đã có những đội bắt chó rong, nhưng như múc nước sông. Chó thả rông, chó không rọ mõm, ngày càng đông mà không vui. Không chỉ tự dưng cắn người, nhiều vụ cắn tới chết hoặc tàn tật, chúng còn phóng uế bừa bãi. Trên vỉa hè, thậm chí trên đường, phân chó như “mìn khủng”.

Chó thả rông bắt không xuể. Có người đề nghị thành lập các đội bắt chó chuyên nghiệp từ đám trộm chó. Họ có nghề lẫn vật dụng; hơn hẳn các nhân viên nhà nước. Sàng lọc lại, có đồng phục và nội quy, kinh phí trích từ tiền phạt. Hễ thấy chó nào thả rông hoặc ra đường không rọ mõm là bắt và xử lý theo quy định. Phạt nặng, bán đấu giá hoặc đưa vào lò mổ nếu không ai nhận.

Cũng có ý kiến cần có nguồn bổ sung cho tín đồ thịt chó bằng cách nuôi chó thịt tập trung như các loại gia súc, gia cầm khác. Vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa giải quyết nạn trộm chó cung cấp cho các lò mổ. Suy cho cùng, các loài vật khác đều phục vụ nhu cầu con người. Vấn đề là cách sử dung hợp lý và tiết kiệm.

Những điều ấy, nghe rất có lý và khả thi, dù rằng tôi không ăn thịt chó, cũng không thích nuôi chó và rất ghét bọn trộm chó, rất sợ khi gặp chó lớn.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội: Nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc nhở phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn, ách tắc đang cản trở sự phát triển. Trung ương Đảng đã có Nghị quyết, Quốc hội phải thể chế hóa, cụ thể hóa để Chính phủ chỉ đạo, điều hành, khơi thông nguồn lực để phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nuôi chó, không đơn giản chỉ là nuôi