Bản tin nổi lên vào cuối tuần qua đã gây ra nhiều cảnh báo: Trung Quốc đã âm thầm phóng một loại vũ khí không gian mới cách đây hai tháng.

Nước Mỹ xôn xao trước báo cáo Trung Quốc thử vũ khí bắn xuyên khí quyển

Anh Tú | 20/10/2021, 12:30

Bản tin nổi lên vào cuối tuần qua đã gây ra nhiều cảnh báo: Trung Quốc đã âm thầm phóng một loại vũ khí không gian mới cách đây hai tháng.

ten-lua.jpg
Trung Quốc sở hữu nhiều tên lửa chiến lược - Ảnh: Internet

Vật thể được phóng đã quay quanh hành tinh và sau đó quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất, lướt đi với vận tốc nhanh hơn nhiều so với tốc độ âm thanh rồi đáp xuống một điểm đến trên lãnh thổ Trung Quốc.

Một vụ phóng âm thầm gây ồn ào

Trong giao tranh, nếu bắn phá mục tiêu từ quỹ đạo theo cách này có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Nhưng nhiều chuyên gia bày tỏ nghi ngờ về báo cáo.

Jonathan McDowell, nhà thiên văn học Harvard chuyên theo dõi các vụ phóng vào không gian toàn cầu cho biết: “Chúng tôi không biết gì từ các nguồn đáng tin cậy”. McDowell cho biết, đơn vị quân đội Mỹ theo dõi về các sự kiện trên quỹ đạo cũng không có thông tin nào về một vụ phóng vũ khí của Trung Quốc vào tháng 8. “Mọi thứ liên quan câu chuyện này đều có những dấu chấm hỏi”, McDowell bình phẩm.

Liệu Trung Quốc có thực sự thử nghiệm và phát triển một loại vũ khí không gian bất ngờ? Và có những gì đã được báo cáo về vụ phóng thử nghiệm của Trung Quốc?

Tờ Financial Times hôm 16.10 đưa tin, vào tháng 8, Trung Quốc đã phóng thử một tên lửa siêu thanh có khả năng gắn hạt nhân bay vòng quanh địa cầu trước khi tăng tốc tới mục tiêu. Tờ báo này đưa ra một trong những chi tiết khan hiếm về cuộc thử nghiệm, cho biết vũ khí này đã trượt mục tiêu khoảng hai chục dặm (hơn 30 km).

Báo cáo dựa trên nhiều nguồn ẩn danh, trong đó có một nguồn cho biết vụ thử vũ khí đã khiến tình báo Mỹ bất ngờ. "Chúng tôi không biết họ đã làm điều này như thế nào", tờ báo dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho biết.

Trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18.10 cho biết đã có vụ thử nghiệm phóng một phương tiện không gian có thể tái sử dụng, nhưng nhấn mạnh không phải là một tên lửa siêu thanh có khả năng gắn hạt nhân. Tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên gọi đây là một cuộc thử nghiệm bình thường, theo kế hoạch từ trước.

Ông Triệu nói: “Có rất nhiều công ty trên khắp thế giới đã tiến hành các thử nghiệm tương tự”. Trước đây, ông Triệu từng bị các chuyên gia phương Tây về Trung Quốc chỉ trích vì đưa ra những tuyên bố thiếu căn cứ và đưa ra các thuyết âm mưu.

Theo Bloomberg News, Trung Quốc ban đầu cho biết vụ phóng thử là vào tháng 8, nhưng sau đó cho biết cuộc phóng diễn ra vào tháng 7. Vào tháng 9 năm ngoái, công ty nhà nước giám sát ngành công nghiệp vũ trụ của Trung Quốc đã công bố cuộc thử nghiệm của một tàu vũ trụ có thể tái sử dụng đã hoàn thành chuyến bay trong quỹ đạo thấp của Trái đất.

Công nghệ vũ khí mới có thật đáng sợ?

Nhưng dù câu chuyện đó có thật thì chuyên gia Mỹ cũng không đánh giá cao. Khía cạnh bắt mắt nhất của câu chuyện - vũ khí của Trung Quốc bay vòng quanh địa cầu trước khi tăng tốc về phía mục tiêu - là những thứ cũ kỹ. Công nghệ này được Liên Xô tiên phong vào những năm 1960. Sau đó, nó được gọi là Hệ thống Bắn phá Quỹ đạo Phân đoạn, hoặc FOBS. Sở dĩ nó được đặt tên như vậy là do nó không bao giờ đạt được quỹ đạo hoàn chỉnh của Trái đất mà chỉ là một phần nhỏ.

David Wright, một nhà vật lý tại Viện Công nghệ Massachusetts, người đã nghiên cứu lâu dài về sự phát triển của không gian, nói rằng một số mô tả về vụ phóng thử đã khiến chúng ta lo lắng.

Ông nói: “Bất kỳ quốc gia nào có thể đưa thứ gì đó vào không gian đều có thể làm được điều này. Và chúng ta không nên ngạc nhiên rằng Trung Quốc có thể làm được điều này với sự chương trình không gian tinh vi của họ”.

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang thách thức sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực khám phá không gian. Chỉ trong năm qua, quốc gia này đã đưa tàu lên lấy các mẫu đất từ ​​mặt trăng, hạ cánh một tàu thám hiểm trên sao Hỏa và đưa hai phi hành đoàn lên trạm vũ trụ mới của họ.

Trung Quốc cũng đang đào hàng trăm hầm chứa mới cho tên lửa hạt nhân tầm xa, xây dựng kho vũ khí chống vệ tinh và thường xuyên bắn nhiều tên lửa vào không gian hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Việc vũ khí được xác định là siêu thanh - nghĩa là nó bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh - cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ đó từ hơn nửa thế kỷ trước. Theo một báo cáo của RAND Corporation vào năm 2017, có hơn hai chục quốc gia, gồm cả Trung Quốc, đang thử nghiệm cách đạt được tốc độ siêu thanh. Triều Tiên cũng tuyên bố rằng họ đã thử nghiệm một loại vũ khí như vậy gần đây.

Chính quyền Biden đã phản ứng như thế nào?

Lầu Năm Góc ghi nhận về những bước tiến quân sự của Trung Quốc nhưng không đề cập về vụ thử. John F. Kirby, người phát ngôn chính của Bộ Quốc phòng, cho biết: “Chúng tôi đã nói rõ những lo ngại của mình về các khả năng quân sự mà Trung Quốc tiếp tục theo đuổi - những khả năng chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và hơn thế nữa”.

Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết có một số hoài nghi về cách Financial Times đã miêu tả cuộc thử nghiệm của Trung Quốc. Quan chức này cho biết không phải là chuyện phóng thử có xảy ra hay không, mà là mức độ đáng tin cậy trong mô tả của tờ báo.

Ned Price, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nhấn mạnh Lầu Năm Góc không đưa ra thông tin chi tiết cụ thể nhưng tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 19.10 lại cho biết: "Chúng tôi quan tâm sâu sắc" về tốc độ mở rộng khả năng hạt nhân của Trung Quốc", gồm cả việc phát triển các hệ thống triển khai mới".

Ngày 19.10, điện Kremlin cho biết vụ thử nghiệm vũ khí siêu thanh của Trung Quốc không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của Bắc Kinh, không đe dọa Nga và rằng trước Trung Quốc, Mỹ cũng có những động thái tương tự.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận xét: “Trung Quốc đang phát triển hệ thống vũ khí trong khuôn khổ những nghĩa vụ quốc tế của họ”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước Mỹ xôn xao trước báo cáo Trung Quốc thử vũ khí bắn xuyên khí quyển