Các chuyên gia cho biết tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới của Triều Tiên có khả năng mang nhiều đầu đạn.
Dùng ICBM mới để chiếm thế thượng phong khi đàm phán với Mỹ
Triều Tiên dường như đã nghĩ đến đối tượng nào đó khi công bố ICBM mới lớn nhất của mình ở lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao Động. Cụ thể là gửi cho Mỹ lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng Bình Nhưỡng, với công nghệ tên lửa tiên tiến nhanh chóng, phải được coi trọng.
Theo các nhà phân tích quân sự, ICBM mới được chở trên xe 11 trục, 22 bánh trong lễ duyệt binh hôm 10.10, có khả năng bay tới đất liền Mỹ cũng như mang theo nhiều đầu đạn. Song, thiết bị này vẫn chưa được hoàn thiện.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un có thể sẽ cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington sau bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Những người theo dõi Bình Nhưỡng cho rằng ông Kim sử dụng ICBM cỡ lớn mới làm đòn bẩy để chiếm thế thượng phong.
"Thật đáng thất vọng khi thấy Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm của mình", một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết.
Theo truyền thông Hàn Quốc, ICBM mới dài hơn 2 mét so với Hwasong-15 được thử nghiệm vào tháng 11.2017. Nó cũng là tên lửa lớn nhất thế giới trong hạng mục của mình.
Triều Tiên có thể đã phát triển một động cơ tên lửa có lực đẩy cần thiết để mang trọng tải nặng hơn. Đường kính của ICBM mới lớn hơn 30 cm so với Hwasong-15.
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin ICBM mới của Triều Tiên có khả năng mang 2-3 đầu đạn hạt nhân.
Các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng sở hữu tên lửa đa đầu đạn. Các đầu đạn tách khỏi tên lửa bên ngoài bầu khí quyển của Trái đất, bắn trúng nhiều mục tiêu cùng lúc. Mối đe dọa từ Bình Nhưỡng sẽ tăng lên do sự phức tạp của việc đánh chặn nhiều đầu đạn.
Thế nhưng, nhiều người tin rằng Triều Tiên vẫn chưa hoàn thiện công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cho ICBM mới, hoặc công nghệ cho phép tên lửa tái xâm nhập bầu khí quyển thành công.
Kim Dong-yup, giáo sư tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc), người am hiểu về các tiến bộ quân sự của Bình Nhưỡng, cho biết: “Công nghệ giảm thiểu khối lượng đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên chưa đến mức có thể tạo ra tên lửa đa đầu đạn”.
ICBM mới của Triều Tiên vẫn là tên lửa nhiên liệu lỏng thay vì rắn. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến thời gian sẵn sàng phóng các ICBM này.
Triều Tiên cũng trưng bày một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới, có tên Pukguksong-4, tại lễ duyệt binh. Phần thân của SLBM mới có vẻ dày hơn Pukguksong-3, được phóng thử vào tháng 10.2019.
Pukguksong-4 là loại vũ khí đa đầu đạn dựa trên JL-2 do Trung Quốc phát triển, theo một chuyên gia được tờ Dong-A Ilbo (Hàn Quốc) trích dẫn.
Khả năng thực sự của tên lửa mới vẫn còn là bí ẩn, nhưng vũ khí có thể sẽ được thử nghiệm trong tương lai.
Cuối năm ngoái, ông Kim Jong-un cho biết Triều Tiên có lý khi khởi động lại các vụ thử ICBM vì không còn bị ràng buộc bởi các cam kết trong quá khứ. Ông Kim đổ lỗi cho các cuộc tập trận chung do Mỹ và Hàn Quốc tiến hành, cũng như các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Theo các chuyên gia, trong cuộc duyệt binh hôm 10.10, Triều Tiên còn trưng bày một loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn đã được thử nghiệm nhiều lần kể từ năm ngoái, báo hiệu vũ khí sắp được triển khai.
Nước mắt và nụ cười của ông Kim Jong-un
Hôm 10.10, ông Kim Jong-un đã rơi nước mắt khi bày tỏ lòng biết ơn tới quân đội vì đã ứng phó với thảm họa quốc gia và ngăn chặn sự bùng phát của coronavirus, đồng thời xin lỗi người dân vì không thể nâng cao mức sống của họ.
“Người dân đã đặt niềm tin, cao như trời và sâu như biển, vào tôi, nhưng tôi đã không thể luôn đáp ứng được điều đó một cách thỏa đáng. Tôi thực sự xin lỗi vì điều đó", ông Kim Jong-un nghẹn ngào khi phát biểu.
Ông Kim Jong-un nói những khó khăn kinh tế liên tục của Triều Tiên do các lệnh trừng phạt quốc tế, cuộc khủng hoảng coronavirus và một loạt trận bão, lũ lụt gây thiệt hại.
Thế nhưng, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát coronavirus và vượt qua những thách thức khác là một "chiến thắng to lớn đạt được" của người dân.
“Nhân dân luôn biết ơn đảng của chúng ta, nhưng không ai khác chính họ là những người xứng đáng được cúi đầu biết ơn”, ông nói.
Ngay sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên nở nụ cười rạng rỡ khi thấy các tên lửa đạn đạo mới khổng lồ được trưng bày trong cuộc duyệt binh.
Theo Reuters, bà Rachel Minyoung Lee, nhà nghiên cứu độc lập và từng phân tích về Triều Tiên cho Chính phủ Mỹ, nhận định: “Sự khiêm tốn và nghiêm nghị của Kim, cùng những giọt nước mắt và sự nghẹn ngào của ông, tất cả đều rất bất thường, ngay cả với một người công khai thừa nhận những thiếu sót”.
Theo bà Rachel Minyoung Lee, bài phát biểu rõ ràng được chuẩn bị cẩn thận để gây được tiếng vang với người trong nước, có khả năng củng cố hình ảnh của ông Kim như nhà lãnh đạo có năng lực, sức hút và lòng nhân ái.