Khi về với con người, mi không còn sống đời sống một loài thú nữa. Mi phải làm mọi điều theo ý con người. Con người cho mi ăn. Con người lên kế hoạch cho mi mỗi ngày. Buổi nào khi sống với người, bà con coi mi là con vật thiêng, nuôi vật thiêng. Bỗng một ngày mi đi làm du lịch, trở thành cái máy in tiền cho con người.
Du khách ngồi lên lưng mi. Mi sẽ lội qua lội lại một đoạn sông, hay đưa họ tìm cảm giác lắc lư trên lưng mi quanh một chỏm rừng gần mà họ đã thiết lập. Hàng ngày sinh hoạt của mi sẽ theo cái “tour” mà họ thỏa thuận với du khách. Mi chỉ có lao động, và lao động. Lao động của mi là chở khách, hết lượt này đến lượt khác, người Việt, người Tây, người Tàu. Mi chở từ người bình thường đến thương nhân, doanh gia, quan chức, trí thức, nhà khảo cổ học, bác sĩ, ký giả, thầy giáo, luật sư...
Ai có tiền thì mua được quyền ngồi trên lưng mi. Hàng ngày người quản tượng sẽ “lái” mi đi như lái một vật vô tri. Người ta chất lên lưng mi có lúc hai người, có lúc ba, bốn người. Con người thích cái chất “thú” trong mi, cái “hoang vu” của vật mình ngồi lên. Con người cười, mi thì khóc.
Mi là thú lớn hay khóc nhất, khi ở trong rừng cũng như khi ở khu du lịch.
* * *
Mi làm việc quần quật. Mi không bao giờ được nghỉ ngơi. Mi không có thời gian để nhớ rừng. Mi không có thời gian để nghĩ về loài voi, và những loài thân thuộc khác trong rừng thường xanh nhiệt đới hôm nào. Mi không có thời gian để suy tư. Mi không có thời gian để yêu thương. Khi biết mi mệt, người ta sẽ đưa đến trước vòi mi một khúc chuối. Người ta cho mi ăn cứ như là “đổ xăng”.
Mi là loài chỉ biết tự do, yêu tự do, bỗng trở nên “có chủ”, một kiểu chủ mới, chứ không phải chủ của buổi chan hòa thuần lâm, thuần nông ngày nào. Những ông chủ du lịch đã mua mi từ những người M’Nông, Lào, Ê Đê đã săn mi về và thuần dưỡng. Họ là ông chủ của ông chủ mi. Cả mi và ông chủ gru - quản tượng, nài voi - của mình trở thành người làm công cho loại “ông chủ” chưa từng xuất hiện ở núi rừng miền thượng này.
Loài người thời đại này gọi họ là “nhà đầu tư”, giám đốc một công ty du lịch, hay chủ khu du lịch đó. Họ sẽ gom mua tất cả voi nhà trong vùng lại, hoặc dùng thủ thuật liên kết với người săn được mi về. Họ sẽ dùng từ khai thác du lịch, và du lịch dã ngoại, cho những dịch vụ lấy sức của mi để tạo ra sản phẩm giải trí người. Chỉ người giàu có, người thành thị mới ngồi được trên lưng mi, chứ không phải dân nghèo ở rừng, hay người nhà quê.
Từ loài vật to lớn nhất rừng, tự do nhất rừng, được kiêng nể nhất rừng, làm chủ núi rừng, mi như bị truất phế hết võ công, đến miếng ăn còn phụ thuộc. Mi là loài vật nuôi duy nhất mà con người không phải cất nhà, dựng chuồng. Đêm về, chỗ mi ngủ nghỉ là đứng giữa trời. Doanh số vài trăm triệu đồng thu về mỗi năm trên đầu một con voi, mi không hề biết.
Mi là loài động vật hay ứa nước mắt nhất, nhạy cảm nhất. Nhưng khi làm du lịch, khi thấy giọt nước mắt của mi ta không biết mi khóc vì phải “làm du lịch” hay vì điều gì, chẳng hạn nhớ rừng, thèm lang thang trong rừng hoang, hay vì điều gì cao thiêng hơn vậy.
* * *
Từ dạo trở thành nhân viên không công của ngành du lịch, sống trong không gian du lịch, một tiếng hú của mi cũng không có. Lúc sống trong rừng, lúc ngứa mi còn có cái cây rừng để cạ, gãi, quất cái vòi lên chỗ nào mình cần, hút nước xối xả trên thân đuổi ruồi đuổi muỗi.
Làm du lịch, không ai cho mi được quất cái vòi như thế. Họ muốn du khách được an tâm tuyệt đối về độ an toàn khi ngồi trên lưng mi. Người gru điều khiển nhất cử nhất động ở mi. Mi buộc phải ngoan hiền cùng cực. Người quản tượng, chủ ban đầu của mi đó, thì được ông chủ thật sự kia trả lương, tiền. Mi thì được trả bằng những khúc chuối, khúc mía. Đúng hơn, mi chỉ được cho ăn, cho ăn để mà lao động, tạo ra của cải, làm giàu cho người.
Con người gọi khả năng chiếm hữu thế giới tự nhiên của mình là chinh phục, trí tuệ, tiến hóa, thuần hóa, văn minh. Nhưng càng văn minh theo kiểu lý giải đó là càng làm chia rẽ thiên nhiên, gây đau khổ cho mọi loài và cả chính họ.
Con người có nhiều khả năng, trong đó có khả năng biến loài to lớn gấp bảy tám chục lần mình như mi trở thành nô lệ. Con người gọi khả năng chiếm hữu thế giới tự nhiên của mình là chinh phục, trí tuệ, tiến hóa, thuần hóa, văn minh. Nhưng càng văn minh theo kiểu lý giải đó là càng làm chia rẽ thiên nhiên, gây đau khổ cho mọi loài và cả chính họ.
Hai mươi lăm năm qua, kể từ khi người ta đưa voi vào làm du lịch, chẳng có con voi nhà nào sinh đẻ được trên xứ Tây Nguyên này. Không chú voi con nào ra đời. Thế hệ tiếp nối của voi sẽ hết. Giữa buổi voi rừng đã cạn, rừng nguyên sinh teo tóp đến cùng đường, thì sự tuyệt chủng của loài voi đã bắt đầu hiện ra. Loài mi chỉ ái ân khi có không gian đủ tự nhiên, và sự vắng vẻ. Mi không thể làm tình tạm bợ, ép nhau vào một miếng vách, bức tường, lật nhau ra bất cứ cái giường hay mặt phẳng nào. Mi không thể làm tình trước mặt con người. Để trỗi dậy dục tính, sinh vật nào cũng phải có chơi, có tự do, có sảng khoái, cảm xúc, yêu đời, mê đời. Liệu mi có yêu việc mi đang làm?
Thuở rừng còn mênh mông, con người sợ rừng, sợ hoang dã, sợ mi. Giờ thì mi lao động đến mức mất hết bản năng của loài thú. Mi lao động đến mức, đêm về chỉ muốn lăn ra ngủ vùi như những thằng say, con say. Những ông chủ du lịch của mi rất muốn mi sinh con đẻ cái, vì mỗi Rveh (hoặc Jo) con có giá đến nửa tỉ đồng. Nhưng mi không có không gian để làm tình thì làm sao bầu bì, sinh nở.
Đau đớn nào hơn một sinh vật đầy sức sống thế mà không thể làm tình.
Đời mi khổ vì mi sống lâu, đến ngoài tám mươi tuổi, và thêm cặp ngà ấn tượng, lại còn có chùm lông đuôi mà con người cho là vật may mắn. Chỉ từ khi làm du lịch, mới xuất hiện chuyện chặt đuôi voi ở nơi này nơi kia, bị du khách nhổ trộm lông. Những vụ án voi chết vì đuôi bị chặt, lâm bệnh nặng, suy sụp, giờ cũng không còn lạ nữa.
* * *
Ngồi đây bên hồ Lak, tỉnh Đắk Lắk, ta thương mi, như bao bận ngồi ở làng đảo Buôn Đôn nơi hạ nguồn Sêrêpôk nhìn đồng loại mi. Ta biết, đó là hai vùng trung tâm duy nhất trên đất nước này làm du lịch voi. Vì hai nơi này là xứ mà xưa giờ người M’Nông bản địa coi Rveh là loài thú rừng cao cả, thân thiết, thần thánh hóa Rveh, coi Rveh như con người. Họ tôn sùng và thờ cúng mi.
Hình ảnh của mi in khắc đầy trên nhà cửa, trang phục thổ cẩm, vật mỹ nghệ, nghĩa địa, cả trong sử thi Ot’Nrông, Khan, H’mon. Người M’Nông, Lào ở đó từ xa xưa đến giờ suy nghĩ về mi khác người làm du lịch lắm. Xưa, thuần hóa là để hợp tác, cộng sinh. Nay, thuần hóa là để làm nô lệ.
Họ lừa mi trong cái bẫy thú-người chung sống, hòa thuận trong sự nham hiểm ru ngủ và trục lợi thấu tận xương tủy của họ. Mi biết nhưng mi không nói được để đòi hỏi một không gian rừng-chốn phù hợp với đặc điểm sinh hoạt của loài mình. Mi nhớ không, khi chưa có du lịch, lúc mi trở thành voi nhà, bà con M’Nông, Ê Đê, Lào… vẫn để mi vào rừng sống, và khi cần sự trợ giúp của mi thì vào rừng đón mi về. Mới đó mà thời thanh bình, chan hòa đó đã quá xa rồi. Đường cùng rồi, thì làm nhân viên ngành du lịch không công đi, cho đến lúc tàn hơi mà chết. Ta biết chắc chắn mi sẽ không có cánh rừng nào để về nữa, dù theo quy luật mọi con voi đều thường trở về cánh rừng nơi mình gắn bó để được chết lúc già.
Mặt đất này đã biến đổi tất cả, voi à. Những ngọn đồi, mặt hồ mi đang hàng ngày làm nhân viên du lịch đấy còn chưa biết nó có bị chuyển đổi, phân lô, thành khu nghỉ dưỡng, sân golf, hay lòng hồ thủy điện nữa là những cánh rừng nguyên sinh quê hương mi...
Theo Nguyễn Hàng Tình – Người Đô Thị