Theo các nhà phân tích, năm 2023 có thể chứng kiến ​​các ông trùm công nghệ Trung Quốc trở nên nổi bật và có tiếng nói hơn đôi chút, do Bắc Kinh thay đổi lập trường với Big Tech sau một năm khó khăn của nền kinh tế.

Trung Quốc thay đổi lập trường với Big Tech, các trùm công nghệ sẽ có tiếng nói hơn ở 2023

Sơn Vân | 02/01/2023, 23:17

Theo các nhà phân tích, năm 2023 có thể chứng kiến ​​các ông trùm công nghệ Trung Quốc trở nên nổi bật và có tiếng nói hơn đôi chút, do Bắc Kinh thay đổi lập trường với Big Tech sau một năm khó khăn của nền kinh tế.

Nhiều ông trùm công nghệ Trung Quốc đã im hơi lặng tiếng trong hai năm qua. 

Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance, đã không xuất hiện trước công chúng. 

Wang Xing, Chủ tịch Meituan, không đăng công khai một bài nào trên mạng xã hội vào năm 2022.

Ma Huateng, Chủ tịch Tencent, hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Trong khi Jack Ma, người sáng lập Alibaba Group Holding nhưng từ chức chủ tịch vài năm trước, tiếp tục ẩn mình và tránh ánh đèn sân khấu.

Các ông trùm công nghệ Trung Quốc ẩn mình chờ thời diễn ra song song với việc Trung Quốc nỗ lực “cắt đứt đôi cánh” các đế chế kinh doanh của họ cũng như việc một số công ty thu hẹp quy mô và sa thải nhân viên số lượng lớn.

Angela Zhang, phó giáo sư luật tại Đại học Hồng Kông, cho biết: “2022 là một năm khó khăn với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Ngành này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giống như nhiều ngành khác ở Trung Quốc, bởi môi trường kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách Zero COVID”.

Thế nhưng, điều đó có thể thay đổi khi chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp Zero-COVID. Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương gần đây, Trung Quốc đã yêu cầu các hãng công nghệ lớn (Big Tech) của đất nước đóng vai trò lớn hơn trong việc dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tham gia cạnh tranh quốc tế. Đây là dấu hiệu cho thấy giai đoạn hai năm giám sát chặt chẽ đã kết thúc.

Yang Aiyi, nhà phân tích tại hãng China Securities, cho biết trong một lưu ý gần đây rằng “rủi ro chính sách” với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc đã bắt đầu giảm bớt.

Các yếu tố trước đây kìm hãm các công ty internet đang dần được nới lỏng. Chúng tôi kỳ vọng các nguyên tắc cơ bản và giá trị thị trường của các công ty sẽ trở lại vào năm 2023”, Yang Aiyi nói.

Trong khi các ông chủ công nghệ của Trung Quốc vẫn chưa tìm kiếm ánh đèn sân khấu, một số người đã bắt đầu nhắc nhở nhân viên rằng họ vẫn đang nắm quyền.

Tại cuộc họp nội bộ tại tòa thị chính vào tháng trước, Ma Huateng đã cảnh báo nhân viên Tencent rằng bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng có thể bị cắt giảm nếu hoạt động kém hiệu quả.

Richard Liu, người sáng lập kiêm Chủ tịch công ty thương mại điện tử JD.com, gọi một số giám đốc là “kẻ dối trá” và đe dọa sa thải những người làm việc kém hiệu quả.

Richard Liu đã ra lệnh cắt giảm 20% lương của khoảng 2.000 quản lý cấp cao để “giảm bớt gánh nặng cho công ty” và hứa sẽ tiếp tục trả thù lao nếu JD.com trở lại tăng trưởng nhanh trong hai năm tới.

Trong một bài phát biểu nội bộ, Richard Liu cũng mắng mỏ các giám đốc cấp cao của mình vì giấu ông sự thật về hoạt động của công ty và sử dụng các slide PowerPoint để che đậy sự kém cỏi về kinh doanh. 

Một nhân viên tham dự cuộc họp này tiết lộ Richard Liu đã đề cập về cuộc cải tổ ở nhóm quản lý cấp cao. “Ông Liu cho biết chỉ một nửa phó chủ tịch trong mảng kinh doanh bán lẻ nói sự thật. Mảng này có khoảng 40 phó chủ tịch, vì vậy bạn có thể tưởng tượng áp lực với họ là lớn như thế nào”, nhân viên giấu tên này nói với trang SCMP.

Nguồn tin khác của SCMP tiết lộ Richard Liu đã chỉ trích công khai JD Digits (hiện là JD Technology) vì hoạt động chậm chạp. Điều này gây áp lực lên Li Yayun, từng là Giám đốc vận hành của JD.com trước khi đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành JD Digits vào năm 2021. Thời điểm đó, JD Digits rơi vào tình hình khó khăn do phải hủy đơn đăng ký đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vì loạt quy định mới của Trung Quốc.

Richard Liu không xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị buộc tội cưỡng hiếp một sinh viên Trung Quốc ở bang Minnesota (Mỹ) vào năm 2018, đồng thời từ bỏ nhiều vị trí cấp cao trong công ty.

Vào tháng 4.2022, Richard Liu từ chức Giám đốc điều hành JD.com trong bối cảnh Mỹ giám sát ngành công nghệ của Trung Quốc, giao lại vai trò này cho Xu Lei, người bạn tâm giao lâu năm và là "cựu chiến binh" của công ty. Tuy nhiên, Richard Liu vẫn duy trì quyền kiểm soát JD.com thông qua quyền biểu quyết cũng như ủy ban chiến lược do ông làm chủ tịch.

Một trong những nguồn tin thân cận cho biết Ủy ban điều hành chiến lược của JD.com gồm 18 giám đốc nhưng Richard Liu vẫn là người ra quyết định cuối cùng.

trung-quoc-thay-doi-lap-truong-voi-big-tech-cac-trum-cong-nghe-se-co-tieng-noi-hon-trong-20231.jpg
Richard Liu cho rằng nhiều nhân sự cấp cao JD.com đã nói dối về tình hình kinh doanh - Ảnh: Xinhua

Trong cuộc họp tại tòa thị chính vào tháng 12, Ma Huateng, Giám đốc điều hành 51 tuổi của công ty game và truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc, đã chỉ trích một số nhà quản lý của Tencent vì tham nhũng và thiếu khẩn trương cải thiện hiệu quả công ty, theo hãng truyền thông Jiemian (Trung Quốc).

Ma Huateng cho biết mảng kinh doanh game video cốt lõi của Tencent sẽ tiếp tục tồn tại trong một môi trường pháp lý nghiêm ngặt và ông hy vọng các cơ quan quản lý sẽ kiểm soát chặt chẽ số lượng game mới được phê duyệt trong dài hạn.

trung-quoc-thay-doi-lap-truong-voi-big-tech-cac-trum-cong-nghe-se-co-tieng-noi-hon-trong-2023.jpg
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ma Huateng chỉ trích một số nhà quản lý của Tencent - Ảnh: Reuters

Trái ngược với thời kỳ hoàng kim của ngành, khi các ông chủ công nghệ thường xuyên có những bài phát biểu trước công chúng và thậm chí tranh luận với nhau, nay họ sẽ giữ thái độ khiêm tốn và bước đi cẩn thận, Angela Zhang cho biết.

Các doanh nhân Trung Quốc rất kiên cường và sẽ nhanh chóng thích nghi với môi trường chính sách mới để doanh nghiệp của họ có thể tồn tại và phát triển ở nước này. Do áp lực pháp lý ngày càng tăng và sự trưởng thành của thị trường trong nước, họ cũng có thể tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội phát triển mới”, Angela Zhang nhận định.

Tổng tài sản các trùm chip giàu nhất Trung Quốc giảm sâu do lệnh trừng phạt từ Mỹ

Theo một cuộc khảo sát tư nhân, tổng tài sản cá nhân của các chủ doanh nghiệp bán dẫn giàu nhất Trung Quốc đã giảm gần 1/3 trong năm 2022 do tác động của lệnh trừng phạt từ Mỹ và nền kinh tế trong nước yếu kém.

Tổng tài sản top 100 đã giảm 28% khi số ông trùm chip có giá trị tài sản cá nhân trên 10 tỉ nhân dân tệ (1,43 tỉ USD) giảm xuống còn 17 trong năm 2022 từ 22 vào năm ngoái, theo dữ liệu được tổng hợp bởi trang web bán dẫn Ijiwei.

Những năm gần đây, lĩnh vực chip Trung Quốc đã nổi lên như một nơi ươm mầm cho các tỷ phú sau khi chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành này và thị trường chứng khoán địa phương trải thảm đỏ để thu hút các công ty chip địa phương niêm yết công khai.

Đứng đầu danh sách giàu có về chip của Trung Quốc là Yu Renrong, người sáng lập công ty Will Semiconductor Co niêm yết tại thành phố Thượng Hải, người cũng đứng số 1 vào năm ngoái. Tuy nhiên, tổng tài sản của Yu Renrong đã giảm 55% xuống còn 36,2 tỉ nhân dân tệ năm nay.

Yu Renrong theo học chuyên ngành truyền thông vô tuyến không dây tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng Trung Quốc. Năm 2006, công ty của Yu Renrong trở thành nhà phân phối mạch tích hợp lớn nhất tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc). Một năm sau, ở tuổi 41, Yu Renrong thành lập Will Semiconductor Co và mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực thiết kế chip, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Shen Hua (Chủ tịch StarPower Semiconductor Co) và vợ đứng thứ hai trong danh sách với khối tài sản gia đình trị giá 24 tỉ nhân dân tệ. StarPower Semiconductor Co được thành lập vào năm 2005, sản xuất các chất bán dẫn để sử dụng trong các thiết bị điện và phương tiện năng lượng mới.

Xếp thứ 3 trong danh sách là Wang Hui (Chủ tịch ACM Research) với tài sản 19,3 tỉ nhân dân tệ.

Chuyên sản xuất thiết bị làm sạch cho các đĩa bán dẫn, ACM Research là nhà cung cấp chính cho SMIC (xưởng đúc chip hàng đầu Trung Quốc) cũng như YMTC (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc). Cả SMIC và YMTC đều đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tài sản ròng của các ông chủ hãng chip Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với lãnh đạo các công ty quốc tế. Chẳng hạn Jensen Huang, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Nvidia có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ), có tài sản trị giá 15,3 tỉ USD dựa trên quyền sở hữu cổ phần của ông trong công ty, theo Bloomberg Billionaire Index.

Ngoài Shen Hua, một số giám đốc điều hành khác trong top 10 Trung Quốc có liên quan đến các công nghệ trưởng thành như điốt phát quang và chất bán dẫn điện. Các công ty của họ không phải là mục tiêu lệnh trừng phạt thương mại từ Mỹ.

Ngày 7.10, Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt với 28 thực thể Trung Quốc, bao gồm nhà sản xuất bộ xử lý đồ họa Jingjia Microelectronics cùng nhà sản xuất chip siêu máy tính Sugon và Sunway Microelectronics. Các công ty này bị đặt dưới quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài, vốn đẩy chúng ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả bằng cách từ chối quyền tiếp cận các nhà cung cấp không phải Mỹ dùng công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ trong các sản phẩm.

Yu Lili, Phó chủ tịch Jingjia Microelectronics, xếp thứ 20 về khối tài sản với 9,5 tỉ nhân dân tệ. Khi bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ hồi tháng 12.2021, Jingjia Microelectronics cho biết hành động này sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty.

Chen Tianshi, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Cambricon Technologies (nhà phát triển chip AI hàng đầu Trung Quốc), xếp thứ 25 với tài sản cá nhân 7,6 tỉ nhân dân tệ. Hôm 15.12 vừa qua, 13 công ty con của Cambricon Technologies bị Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại (dan sách thực thể).

Chính quyền Biden hôm 15.12 công bố thêm YMTC và 21 công ty lớn khác của Trung Quốc trong ngành chip AI vào danh sách thực thể. Đây là động thái mở rộng cuộc việc bóp nghẹt ngành chip Trung Quốc.

Từ lâu nằm trong tầm ngắm của chính phủ Mỹ, YMTC đã bị thêm vào danh sách thực thể vì lo ngại có thể chuyển hướng công nghệ Mỹ sang những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen trước đó là Huawei, Hikvision.

21 thực thể chip AI của Trung Quốc bị thêm vào danh sách thực thể, gồm cả Cambricon Technologies Corp và CETC, phải đối mặt với hình phạt còn nặng nề hơn, khi chính phủ Mỹ ngăn chặn hiệu quả quyền truy cập của họ vào công nghệ được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng thiết bị nước này.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 15.12 cũng nhắm mục tiêu 9 thực thể Trung Quốc bị cáo buộc tìm cách hỗ trợ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, trong đó có Shanghai Micro Electronics Equipment Group Co Ltd (SMEE) - công ty in thạch bản duy nhất của Trung Quốc.

Tổng cộng có 35 thực thể Trung Quốc bị thêm vào danh sách thực thể của Mỹ, gồm cả công ty con của YMTC có trụ sở tại Nhật Bản.

Bài liên quan
Siêu máy tính Trung Quốc đứng đầu danh sách hiệu suất điện toán AI toàn cầu
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc thay đổi lập trường với Big Tech, các trùm công nghệ sẽ có tiếng nói hơn ở 2023