Hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Núi Chúa và cao nguyên Kon Hà Nừng trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO

Nhật Hạ | 16/09/2021, 12:46

Hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tối 15.9 (theo giờ Việt Nam), trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển đang diễn ra (từ ngày 13 -17.9.2021) tại Nigeria, hai hồ sơ đề cử của Việt Nam gồm Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng đã UNESCO xem xét công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Đây là 2 trong số 22 khu dự trữ của 20 nước và nhóm nước đã được đưa ra xem xét để công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới tại cuộc họp này.

Sự kiện hai khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam là Núi Chúa và Kon Hà Nừng vừa được ghi danh vào mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

nuichua.jpg
Hang Rái, một trong những điểm du lịch hoang sơ của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa - Ảnh: TTXVN

Núi Chúa, thuộc tỉnh Ninh Thuận được cho là hệ sinh thái khô hạn đặc trưng Đông Nam Á, với diện tích tự nhiên 29.856 ha, Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi hội tụ cả 3 không gian rừng, biển và bán sa mạc, gồm nhiều hệ sinh thái phong phú, đa dạng.

Đây là nơi chung sống của hơn 1.500 loài thực vật, trong đó có 10 loài đặc hữu, 54 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Hệ động vật cũng rất phong phú với 756 loài động vật rừng, trên 350 loài san hô, hàng trăm loài động vật biển.

Hệ sinh thái rừng ở khu vực đề cử Núi Chúa có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn - thuộc khu vực SA4), là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái Đất.

konharung.jpg

Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng, thuộc tỉnh Gia Lai, với tổng diện tích hơn 413.511 ha, gồm 2 vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm cận nhiệt đới núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên.

Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Hai Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng đều chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.

Các khu dự trữ sinh quyển được công nhận sẽ là mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, cung cấp các giải pháp giải quyết vấn đề cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội và giải quyết các mối đe doạ toàn cầu đang hiện hữu như: nghèo đói, dịch bệnh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu.

Từ năm 2000 – 2020, Việt Nam có tổng cộng 11 khu Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng Khu dự trữ sinh quyển thế giới đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (19 Khu dự trữ sinh quyển thế giới).

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Núi Chúa và cao nguyên Kon Hà Nừng trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO