Được công nhận như nữ nghệ sĩ đầu tiên trên thế giới tự thực hiện chân dung khỏa thân, Anne Brigman là một cái tên tiên phong xuất chúng trong thể loại ảnh khỏa thân nghệ thuật. Đáng tiếc, phong cách ảnh ‘kỳ ảo’ lôi cuốn, đầy mỹ cảm của bà từng bị quên lãng suốt hàng thập niên.

Nữ quyền gợi cảm của Anne Brigman: nữ nhiếp ảnh gia đầu tiên tự chụp chân dung khỏa thân

nhu y | 08/03/2019, 07:01

Được công nhận như nữ nghệ sĩ đầu tiên trên thế giới tự thực hiện chân dung khỏa thân, Anne Brigman là một cái tên tiên phong xuất chúng trong thể loại ảnh khỏa thân nghệ thuật. Đáng tiếc, phong cách ảnh ‘kỳ ảo’ lôi cuốn, đầy mỹ cảm của bà từng bị quên lãng suốt hàng thập niên.

Trong một tấm ảnh Anne Brigman chụp khoảng đầu thế kỉ 20, nhiếp ảnh gia người Mỹ đứng khỏa thân trước vách núi đá lởm chởm, gương mặt bị che phủ bởi miếng vải trùm chiếc camera khổ lớn Brigman sử dụng. Bức ảnh không chỉ biểu thị cơ thể mỹ miều của một phụ nữ, mà còn lột tả cách nhân vật chính ‘làm chủ’ tổng thể cảnh quang. Bà không tồn tại đơn thuần trong khung ảnh dưới tư cách một ‘nàng thơ’ để được chiêm ngưỡng. Ngược lại, giữa thiên nhiên hoang sơ, Brigman như đang cố đi tìm chỗ đứng cá nhân.

‘Dawn’ - năm 1909

Không ít sử gia mỹ thuật tin rằng Brigman là người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ (và rất có thể trên thế giới) tự chụp ảnh chân dung khỏa thân. Bộ sưu tập tác phẩm ấn tượng và quý giá của bà, sau bao năm tháng bị chôn vùi, nay được chính thức ra mắt qua một triển lãm tổng hợp đặc biệt, vừa tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Nevada (bang Nevada, miền tây nước Mỹ).

“Việc Brigman chụp lại chân dung khỏa thân trước ống kính vào đầu những năm 1900 là quyết định rất cấp tiến”. Ann M.Wolfe, giám tuyển dự án ở bảo tàng Nevada chia sẻ.

“Làm điều đó ngoài trời, nơi nền cảnh hoang sơ bao phủ bởi thiên nhiên tĩnh lặng, càng cho thấy dấu ấn cách mạng bà tạo nên”.

Sự kiện triển lãm, ‘Laid Bare in the Landscape’ tập hợp chuỗi tác phẩm tiêu biểu của Brigman. Những tấm ảnh ra đời vào đầu thế kỉ 20 tiềm ẩn ấn tượng ‘bứt phá’ khỏi nền tảng gia trưởng bấy lâu trong dòng chảy nghệ thuật.

‘Gia tài’ nhiếp ảnh Brigman để lại đem đến góc nhìn đảo chiều thú vị: nếu nghệ thuật truyền thống có thói quen đóng khung hình tượng phái đẹp như ‘người mẫu’ - một chủ thể bị động bất biến, Brigman biểu trưng cho những nữ nghệ sĩ đã và đang không ngừng thách thức quy ước ấy, bằng cách tự họ mô tả vẻ đẹp hình thể của riêng họ.

Trong những tác phẩm đậm chất huyền ảo, nữ nhiếp ảnh gia ‘đặt’ người phụ nữ xa khỏi phạm vi gia đình. Thay vào đó, bà cho phép họ tự do giữa không gian hoang dã rộng lớn của vùng núi phía tây Hoa Kỳ - trước vách đá cheo leo, mũi đất cao hướng mặt ra biển, hay hòa vào rừng thông rậm rạp.

Đan xen hình ảnh con người và thiên nhiên, vẻ đẹp người phụ nữ trong ảnh của Brigman được lồng ghép khéo léo - nên thơ với cây cối, đất trời. Một cảm nhận hòa hợp mộc mạc nhưng thuần khiết, thứ sau đấy đã trở thành thành tố tiêu biểu cho chủ nghĩa mỹ thuật tân thời.

‘The Bubble’ - năm 1906

Tình yêu nữ nghệ sĩ dành cho thiên nhiên được ‘ươm mầm’ từ tháng ngày tuổi thơ bà trải qua ở Hawaii. Brigman sinh ra trong một gia đình truyền giáo giàu có - ‘đứa trẻ vùng nhiệt đới’ là cách bà tự gọi bản thân. 16 tuổi, bà và người thân chuyển đến sống ở bắc California. 9 năm sau, năm 1894, bà kết hôn với Martin Brigman, một thuyền trưởng. Họ du ngoạn Thái Bình dương cùng nhau trước khi định cư hẳn ở khu Vùng Vịnh (vịnh San Francisco). Đây là lúc Brigman bắt đầu sự nghiệp cầm máy. Bà chụp ảnh những chị em trong gia đình lẫn bạn bè xung quanh, với bối cảnh chủ yếu ở vùng núi rừng tọa lạc gần vịnh biển, nơi trước đấy chủ yếu là chốn lui tới dành cho nam giới.

Học giả Kathleen Pyne viết về Brigman, “Brigman và những phụ nữ trước ống kính của bà đều giữ cách nhìn hiện đại, chân thật về cuộc sống. Họ có lối tư duy độc lập, khác với lớp người mẫu nữ trong nhiều studio ảnh đương thời”.

Brigman từng gửi bộ sưu tập tác phẩm cá nhân đến Alfred Stieglitz - một ông bầu chuyên tổ chức show trình diễn nghệ thuật tại New York. Những bức ảnh khiến Stieglitz thán phục đến mức ông mời bà gia nhập vào nhóm Nhiếp ảnh Bứt phá (Photo-Secessionists), hội nhóm xây dựng theo mục tiêu tái định nghĩa giá trị nhiếp ảnh vào đầu thế kỉ 20. Brigman là một trong số ít nghệ sĩ nữ được giới thiệu.

Dưới đôi mắt nhà nghề của Stieglitz, những tác phẩm ảnh khỏa thân chứa đựng sức hút ‘mơ màng’ của Brigman đã ‘rủ’ đi chất rườm rà, ủy mị đậm phong cách nghệ thuật Victoria, thứ quá phổ biến lúc bấy giờ, để ‘khoác’ lên tạo hình mới mẻ, sống động hơn về phái đẹp.

'The Kiss’ - năm 1912

Tuy nhiên, trái với Stieglitz - người giữ nhận định có phần ‘trần tục’ khi nhắc đến nhiếp ảnh khỏa thân, Brigman xem việc cởi bỏ trang phục trước máy ảnh như một trải nghiệm tâm lý thuần túy.

Nếu nhiếp ảnh tiềm ẩn trong nó khả năng diễn đạt sâu sắc dù không viện đến ngôn từ, nhiếp ảnh của nữ nghệ sĩ người Mỹ biểu trưng cho những chật vật, sức ép bà chịu đựng dưới tư cách con người.

Sinh thời, Brigman có lần bày tỏ trên một tờ báo San Francisco, “Ảnh tôi chụp nói về tâm hồn khao khát tự do của tôi, về mong mỏi của tôi hòng giải phóng mình khỏi nỗi sợ hãi”. Sớm ly dị chồng, không con cái, Brigman chối bỏ vai trò làm vợ, làm mẹ. Sau cùng, bà chọn nhiếp ảnh như công cụ duy nhất để tìm lấy tự do.

Thu về không ít ngợi khen, công nhận như một nữ nghệ sĩ tiên phong hiếm hoi đầu thế kỉ 20. Tuy nhiên, những tác phẩm tuyệt đẹp của Brigman từng bị thờ ơ suốt thời gian dài. Sau khi bà qua đời vào năm 1950, giới nghệ thuật đã có thời chối bỏ nữ nhiếp ảnh gia, mãi cho đến sự kiện triển lãm mới tại bảo tàng Nevada.

Qua những bức ảnh khỏa thân, Brigman góp phần mở ra loại hình nghệ thuật vì nữ quyền, vốn phải mất thêm hàng thập niên tiếp theo để phát triển nở rộ. Trên ảnh, người phụ nữ không ngại biểu lộ cảm nhận tự do hơn là chịu đựng. Ẩn hiện nơi khung ảnh còn là vẻ đặc sắc của chủ nghĩa lãng mạn, cùng ‘lời nhắn nhủ’ về mơ ước tách mình khỏi những trói buộc cuộc đời.

Như Brigman từng viết, “Tôi muốn ngao du và muốn được tự do".

Như Ý (theo Artsy)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ quyền gợi cảm của Anne Brigman: nữ nhiếp ảnh gia đầu tiên tự chụp chân dung khỏa thân