Tái hiện chuyện đời xúc động, có thật của một nạn nhân ấu dâm, tác phẩm điện ảnh ‘The Tale’ nỗ lực đem lại góc nhìn rất khác trước chủ đề xâm hại tình dục
Được tôn vinh như dự án phim xuất sắc trong kỉ nguyên #MeToo,bộ phim do nữ đạo diễn người Mỹ, Jennifer Fox viết kịch bản và dàn dựng dựa trên chính hồi ức riêng đau lòng của mình, không chỉ đáng nhớ vì điều đó.
“Những gì bạn sắp xem là thật. Thật như cách tôi biết về nó".
Đây là đôi lời chia sẻ đạo diễn, biên kịch Jennifer Fox gửi đến khán giả, ở cảnh mở màn ‘The Tale.’ Trông giống những dòng vào đề kinh điển của thể loại phim hồi ký, tựa lời thách thức rằng có thể người xem chưa từng chứng kiến trãi nghiệm nào tương tự, nhưng những gì Fox ám chỉ là thật. ‘The Tale’ trở nên thú vị và hiếm thấy, đơn giản bởi sự thật chứa đựng trong nó.
Nhân vật nữ trung tâm (Laura Dern thủ vai), sử dụng chính tên họ thật của đạo diễn Fox. Diễn viên nhí Isabelle Nélisse vào vai Fox ở tuổi 13.
Mở đầu phim, Jennifer, một phụ nữ thành đạt 48 tuổi, vừa về nhà sau chuyến công tác thì nhận được tin nhắn hỏi thăm từ người mẹ già.
Qua điện thoại, mẹ bà kể đã tìm thấy một bài văn kỳ lạ Jennifer viết cách đây hơn 30 năm. Bài văn cũ nhanh chóng gợi lên đoạn ký ức đen tối Jennifer muốn chôn vùi từ lâu.
13 tuổi, cô bé Jenny từng bị hai giáo viên tại trường lạm dụng tình dục. Vô tình làm ‘sống lại’ tiềm thức quá khứ, người phụ nữ trưởng thành thấy mình lần nữa là đứa trẻ thơ ngây ngày xưa, lần nữa đối diện hành vi ngược đãi.
Trên màn ảnh, Jennifer-48-tuổi đối diện bản thân bà trong độ tuổi 13, cố cảnh báo chính mình về mối nguy sắp xảy ra.
Có trường đoạn phim khi nhân vật thầy giáo Bill và cô G, những người tấn công bà, chủ động nhìn thẳng vào máy quay, với gương mặt kẻ thủ ác sẵn sàng hành động.
‘The Tale’ lôi cuốn tới ngỡ ngàng bằng thủ pháp dựng phim như thế. Người xem luôn được nhắc rằng họ đang tham gia vào ‘chuyến đi’ lần giỡ nỗi đau quá khứ, diễn ra trong đầu nhân vật chính.
Truyện phim hệt như cuộc thẩm vấn của một Jennifer ở hiện tại, hòng mong muốn tháo gỡ từng khúc mắc còn bị che đậy.
Jennifer hình dung về một thế giới nơi bà có thể làm điều rất nhiều người trong số chúng ta vẫn mơ ước được làm: để đối đầu với đau thương, và tìm ra ý nghĩa của chúng.
Ở một cảnh phim, Jenny nói, “Chúng ta dệt nên những câu chuyện cho bản thân, nhằm tự mình sống sót". Đây có lẽ là thông điệp sâu sắc nhất trong ‘The Tale".
Mặt khác, tác phẩm không cố ‘bi kịch hóa’ cốt truyện. Jennifer không hề chuẩn bị thứ ‘vũ khí’ nào nhằm chống chọi quá khứ, không có sẵn bài chất vấn đanh thép nào dành đến kẻ đồi bại.
Cũng như rất nhiều nạn nhân chịu đựng xâm hại tình dục trong đời thực, dẫu giận dữ, bối rối, Jenny khao khát tìm kiếm một lời lý giải đúng nghĩa hơn là sự trả đũa tinh thần.
Tương tự những phim cùng đề tài, ‘The Tale’ không phải một trãi nghiệm dễ dàng với tất cả người xem. Tuy nhiên, phim vẫn đáng thưởng thức vì nhiều lý do.
Giữa thời điểm khi đấu tranh lên án nạn quấy rối tình dục diễn ra liên tiếp như hiện nay, vô số nạn nhân đã can đảm thuật lại câu chuyện của họ.
Và trong số này không thiếu những diễn viên, biên kịch, nhà làm phim. Duy ‘The Tale,’ ẩn chứa giá trị lan tỏa đặc biệt, không đơn thuần là một tác phẩm hưởng ứng làn sóng #MeToo. Mỗi chúng ta, như Jennifer, đều có những câu chuyện riêng đã hay chưa từng chia sẻ cùng ai.
Như Ý (theo Decider)