Con gái đầu Phan Thúy Anh của NSƯT Hạnh Thúy bị điếc bẩm sinh do di chứng của bệnh Rubella mà chị mắc phải khi mang thai. Với tỉ lệ cứu chữa 0.01%, thế nhưng với tình cảm của một người mẹ, với quyết tâm “chiến đấu đến cùng” chị đã giúp con gái mình phát triển như một đứa trẻ bình thường khác.
Gần đây, khi con gái Phan Thúy Anh của NSƯT Hạnh Thúy tham gia một cuộc thi Viết tiếng Anh ở trại hè đã bất ngờ chia sẻ câu chuyện của mình và mẹ. Câu chuyện về việc cô bé đã thoát khỏi việc bị điếc, phát triển bình thường nhờ tình cảm to lớn của mẹ. Và câu chuyện đặc biệt này đã nhận được giải “Bài viết được yêu thích nhất”.
Khi con gái mình không ngại thổ lộ việc mình phải mang máy trợ thính từ khi sinh ra đã giúp nghệ sĩ Hạnh Thúy cởi mở hơn, lần đầu tiên chị chia sẻ câu chuyện đặc biệt của mình và con.
Chị đã viết: “Đây là điều hệ trọng nhất mẹ giữ kín cho mẹ con mình, có thể coi nó như một nỗi buồn lớn nhất cuộc đời mình. Đây là lần đầu tiên mẹ nói với mọi người con là một đứa bé sinh ra bị khiếm khuyết về chức năng nghe, mà con tự gọi mình là điếc. Điếc độ 4 bên phải và bên trái bị điếc sâu-do di chứng của bệnh Rubella do mẹ mắc phải trong lúc mang thai con”.
Chị không xem đó là nỗi buồn, mà là nỗi đau của một người mẹ. Thậm chí chị còn nghĩ đến những điều không hay: “Có lẽ đó là nỗi đau lớn nhất với mẹ, lớn đến nỗi đã định ôm con nhảy lầu tự tử”.
Nhưng rồi, nhìn con gái xinh xắn, thơ ngây đáng yêu của mình, chị đã quên đi ý nghĩ “điên khùng” đó. Chị nói: “Mẹ phải quyết chiến đấu cùng con để giành lại âm thanh, tiếng nói dù bác sĩ đã cảnh báo: chỉ có thể đặt ốc tai- rất đắt tiền mà mẹ biết chắc không thể nào có tiền đáp ứng - chứ con bị nặng như vậy sẽ không có khả năng tiếp nhận máy trợ thính và lại càng không thể nghe hay nói... Mẹ đã thề với lòng: nếu con không thể nghe nói, sinh hoạt như một đứa trẻ bình thường thì cả cuộc đời này mẹ sẽ không sinh thêm bất cứ đứa con nào, mẹ sẽ chỉ tập trung mọi thứ, sống và bên cạnh con suốt đời...”.
Và cách đây hơn 10 năm, chị đã tìm mọi cách để có được số tiền 150 triệu để mua máy trợ thính cho con. Thời điểm đó, số tiền này gần như cả một gia tài.
Chị cũng không thể quên ngày đầu tiên con chị đeo máy, với chị “là một ngày trọng đại”. “Ba mở một bản nhạc giao hưởng và đặt con ngồi giữa phòng, đeo máy rồi mở nhạc, con mở mắt to đón nhận âm thanh - có lẽ đầu tiên trong đời - rồi mỉm cười, và khóc khi ba tắt nhạc, con ngồi nghe nhạc đến hơn 30 phút mới chịu thôi... phản ứng của con khiến mẹ rộn lên một niềm hi vọng và tin rằng mẹ con mình sẽ thành công. Và từ đó, cuộc đời con gắn với cái máy trợ thính”, chị chia sẻ với niềm hạnh phúc.
Con gái chị cũng làm quen với máy rất tự nhiên, “như một bộ phận của cơ thể mình”, con chị không vứt máy hay khó chịu như nhiều em bé khác. Chị nói: “Chỉ có mẹ và ba là cứ sợ: sợ người ta dòm ngó con mình, sợ người ta tội nghiệp con, sợ đứa trẻ khác giật mất máy của con... Chắc phải mất cả năm mẹ mới có thể thoải mái nói về cái "tai giả" của con- nhưng không phải với bất cứ ai, và bất cứ lúc nào...”
Chị chia sẻ thêm, con đường “chiến đấu” để tìm tiếng nói cho con thật vất vả. “Đeo máy lúc con 18 tháng. 25 tháng con mới kêu tiếng đầu tiên: ba, và mỉm cười khi ba đáp lời. Rồi sau đó, đến 32 tháng con mới nói thêm từ mới, 5 tuổi con vẫn chỉ nói được 4, 5 từ mà cũng không được tròn trịa, có những từ mẹ con mình đã mất đến 7 tháng để con nói chính xác... Thời gian đó, nhờ nhiều người thương con, chơi cùng con, nói với con nên càng ngày con càng nói tốt hơn”.
Thế nhưng, gạt bỏ đi lời khuyên của mọi người xung quanh, chị không cho con vào trường chuyên biệt mà cho con vào trường học bình thường như bao đứa trẻ khác. Chị chia sẻ: “Mẹ thà con học 2 năm một lớp chứ không để con mất cơ hội thử thách mình với môi trường lớp học bình thường”.
Và con của chị đã được học suốt những năm học sinh như bao đứa trẻ bình thường khác với sự yêu thương của thầy cô, bạn bè.
Và chị chia sẻ một điều không phải bà mẹ nào cũng làm được: “Mẹ nhớ hoài, ngày con thi chuyển cấp vào lớp 10, cô giáo chủ nhiệm vì lo lắng cho con đã tư vấn mẹ nên làm hồ sơ và khai con bị khiếm thính để lấy 2 điểm ưu tiên dành cho người khuyết tật. Nhưng mẹ vẫn quyết tâm: “thà con thi rớt, thi lại vài lần chứ không lấy 2 điểm thương hại đó”. Và kết quả là con đã thi vào cấp 3 với số điểm đầy kiêu hãnh 27,5.”
“Và bây giờ con gái mẹ là nữ sinh lớp 10 tròn tròn, cận thị, nhưng mạnh mẽ, độc lập và nhiều tình thương, đặc biệt mặc áo dài nhìn cưng ghê nơi, bắt đầu có con trai hỏi thăm, bắt đầu kể mẹ nghe "sóng gió" đầu đời của tuổi 15 mơ mộng...”, chị hạnh phúc khi được theo sát bên con gái mình trong mọi sự chuyển biến tâm lý và phát triển của con.
Chị chia sẻ với niềm hãnh diện và cũng đầy bất ngờ khi năm trước chị cho bé Thúy đi trại hè tiếng Anh 1 tuần. Chị khá lo sợ, sợ con không hòa nhập trong một môi trường giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh và toàn người lạ. Nhưng khá bất ngờ khi các thầy cô của trại cho biết con gái chị là cô gái năng động và mạnh mẽ bậc nhất của trại khi tham gia tất cả các trò chơi mạo hiểm, như: đu dây tử thần, bóng rổ, leo núi... và còn chơi rất tốt...
Năm nay, chị đã tiếp tục đăng kí cho con đi tiếp trại hè, thế nhưng cô bé quyết tâm chiến đấu để giành suất học bổng tiếng Anh và phiếu giảm giá cho trại hè. Thế nhưng, điều bất ngờ nhất chính là bài viết của bé Thúy Anh lại là nói về thiệt thòi lớn nhất của mình và tình yêu với mẹ... “Ừ! Con đã đối diện với nó thì sao mẹ lại không nhỉ? Trong khi con mẹ đã thành công đến vậy cơ mà!!!”, chị vô cùng xúc động khi con gái đã có thể mạnh mẽ đối diện với chuyện mà chị dường như giấu kín tất cả mọi người. Đó cũng chính là vì sao chị chia sẻ câu chuyện của con mình.
“Nếu hỏi bí quyết nào để mẹ cùng con đạt được những điều tuyệt vời này mẹ chỉ có thể nói một điều: Cố gắng đừng tuyệt vọng, đừng bao giờ bỏ qua bất cứ cơ hội nào để con khám phá, thử thách, thể hiện mình. Đừng bao giờ coi con mình là người khiếm khuyết mà phải coi nó như kì quan cần chế độ chăm sóc bảo trì đặc biệt, yêu con và bên cạnh con nhiều nhất có thể, chỉ có vậy mà thôi.
Mong mọi người ủng hộ con gái mẹ thật nhiều để con có được chiến thắng mà con luôn khát khao...”
15 năm ở canh con gái, NSƯT Hạnh Thúy rất thấu hiểu và cảm thông với những bậc làm cha mẹ mà có con như mình. Chị dự kiến trong khoảng thời gian sắp tới sẽ cho ra mắt một tập truyện - tài liệu để chia sẻ câu chuyện, đặc biệt là những kỹ năng mà chị có được khi giúp con mình vượt qua khiếm khuyết khả năng nghe - nói để giúp các phụ huynh khác có thể mạnh dạn và tự tin hơn khi giúp con mình phát triển thật bình thường.
Bài viết bằng tiếng Anh của bé Phan Thúy Anh về câu chuyện của mình và mẹ.
In everyone’s life always has a mother who always love us, take care of us, ready to sacrifice for everything for us, even her life. And so is my mom.
My mom is a famous actress in Vietnam, she has many fan from young children to old, and they always say that she is very talent, beautiful, and many thing more about her. But with me, in my look she is a very normal woman, not very prominent. Or I can say that with me she is a very normal mother, who always try her best to do anything for my life and my future.
From my childhood, I have heard many story about her life, even her childhood or her life after married. But in all the story she had told, I like the most is about the time with me when I was a baby and got deafness. My mom remembered after I was born, the doctor told her that I was deaf and I maybe would never could talking or hearing anymore. She was very sad but she still find some ways to help me to hear. Finally she found a way: hearing aids. At that time, a pair cost 150 million and she had to borrow money. After buying hearing aids, she tried to teach how to speaking and finally by the age 1 and a half years, I had spoken: “Mama”, she cried a lot and huge me. Thanks for all what she do for me so untill I can talk and hear by hearing aids like another people. I think I have contracted a very, very big debt that I can’t say how much is from my mom and Lord, and I also think that I am the luckiest child in the world, luckier than another people who are also deaf like me.
Thank you mom, I love you very much, a lot that you couldn’t image.