Liên hoan sân khấu kịch TP.HCM sẽ chính thức khai diễn vào ngày 12.11.2024. Theo NSND Mỹ Uyên, đây là dịp các nghệ sĩ thưởng thức tài năng của nhau.
Văn hóa

NSND Mỹ Uyên: Liên hoan sân khấu TP.HCM 2024 là dịp nghệ sĩ thưởng thức tài năng của nhau

Tam Anh (thực hiện) 10/09/2024 16:11

Liên hoan sân khấu kịch TP.HCM sẽ chính thức khai diễn vào ngày 12.11.2024. Theo NSND Mỹ Uyên, đây là dịp các nghệ sĩ thưởng thức tài năng của nhau.

Liên hoan sân khấu kịch (LHSKK) TP.HCM do UBND TP.HCM kết hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, cùng với sự điều hành của Sở VH-TT TP.HCM và Hội sân khấu TP.HCM. NSND Mỹ Uyên (NSND) là một trong những “bà bầu” sân khấu rất ủng hộ hoạt động này. Motthegioi.vn đã có dịp trò chuyện với chị về những giá trị mà LHSKK phía nam mang đến.

PV: Xin chị cho biết những thông tin căn bản mà chị nhận được thông qua buổi họp báo do Sở VH-TT TP.HCM tổ chức?

NSND Mỹ Uyên: Chúng tôi được đại diện Sở VH-TT TP.HCM thông báo, vào tháng 11.2024, TP sẽ tổ chức LHSKK với tính chất mở rộng. Tức là ngoài các đơn vị hoạt động tại địa bàn TP.HCM, ban tổ chức mời thêm các đơn vị sân khấu tại phía bắc. Dù quy mô tổ chức cấp thành phố nhưng huy chương đạt được sẽ được Bộ VH-TT công nhận giá trị và đủ tiêu chuẩn xét phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Về tiêu chí nội dung, không giới hạn đề tài tham gia và khuyến khích các vở diễn có nội dung ca ngợi truyền thống cách mạng vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước.

image0.jpeg
NSND Mỹ Uyên, Giám đốc sân khấu 5B nêu lên nhiều ích lợi của liên hoan với nghệ sĩ đang làm nghề - Ảnh: NVCC

Là một nghệ sĩ sân khấu hoạt động thâm niên và tham dự rất nhiều LHSK toàn quốc, theo chị, vì sao TP.HCM là trung tâm kịch nghệ mà đến giờ mới tổ chức liên hoan?

- Tôi không thực sự rõ lý do. Nhưng nhìn lại nhiều năm trước, TP.HCM đã từng tổ chức vài kỳ LHSK mùa thu với nhiều thể loại là kịch, cải lương, ca múa nhạc, xiếc... Thế nhưng, những kỳ liên hoan này đã không duy trì lâu. Theo nhiều người am hiểu, có thể nguyên nhân chính xuất phát từ việc các huy chương không có giá trị cấp quốc gia nên không có sức hút với các đơn vị nghệ thuật. Giờ đây, đời sống nghệ thuật và giải trí của TP phát triển nhanh về số lượng. TP liên xuất hiện các sân khấu kịch mới và hoạt động nhộn nhịp. Đây là lý do mà UBND TP.HCM thấy cần thiết có một liên hoan nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cho kịch nghệ và công nhận tài năng của anh chị em nghệ sĩ.

Mỗi khi nhắc đến LHSK nói chung, một bộ phận công chúng thường nhắc đến mục tiêu huy chương để được xét duyệt danh hiệu hơn là tạo ra buổi diễn có sức hút, mang tính giải trí sát nhu cầu thưởng thức đại chúng. Chị nghĩ gì về điều này?

- Trong suy nghĩ cá nhân tôi, hầu hết anh chị em nghệ sĩ đang hoạt động nghệ thuật đều xem trọng việc được Nhà nước vinh danh, song song với việc được tình cảm thương yêu của khán giả. Xem ra, đó là mong muốn và nhu cầu chính đáng. Hơn nữa, liên hoan tạo sân chơi nghệ thuật được chấm điểm bởi hội đồng chuyên môn, có tác động tích cực đến kỹ năng của anh chị em nghệ sĩ.

Hôm trước, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM, có chia sẻ rằng nhiều sân khấu tại TP.HCM quá chú trọng đến tính giải trí mà lơ là tính học thuật của kịch nghệ. Tiêu chí của liên hoan bắt buộc các đơn vị sẽ chỉnh chu hơn về thông điệp, ý nghĩa và cách thể hiện. Có khi điều này sẽ giúp các sân khấu có hướng đi cân bằng giữa nghệ thuật hàn lâm và giải trí bình dân.

image3.jpeg
Vở "Ông già trong đoàn Lô Tô" của sân khấu Thế Giới Trẻ sẽ tham gia LHSKK TP.HCM

Theo chị, việc LHSK được tổ chức tại TP.HCM có điểm thuận lợi gì khác so với việc tổ chức ở các tỉnh thành khác ?

- Nhiều năm qua, các LHSK do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức, Bộ VH-TT công nhận giá trị giải thưởng được tổ chức ở các tỉnh thành khác rất xa TP.HCM. Điều này, vô tình khiến cho nhiều đơn vị tại TP muốn tham gia đành bỏ lỡ vì vấn đề kinh phí không đảm bảo. Vì vậy, liên hoan năm nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đoàn tại TP.HCM chưa từng có cơ hội tham gia. Việc tiết kiệm được chi phí đi lại sẽ hỗ trợ lớn cho các đơn vị đầu tư vào nội dung và hình thức của các vở.

Ngoài ra, anh chị em nghệ sĩ sẽ dễ dàng hơn trong việc thưởng thức tài nghệ của nhau, trao đổi học hỏi kinh nghiệm. Nếu liên hoan tổ chức ở tỉnh xa, anh chị em vì tiết kiệm chi phí ra thi xong là rút về liền. Bây giờ, cuộc thi diễn ra ngay sân nhà, việc dành thời gian xem vở diễn của nhau cũng thuận tiện hơn. Cụ thể, bình thường các sân khấu kịch Sài Gòn cùng sáng đèn lúc cuối tuần, anh chị em nghệ sĩ chạy show tất bật, tất cả tập trung phục vụ khán giả nên đâu thể xem nhau. Trong thời gian liên hoan, lịch thi không bị trùng vào giờ diễn của sân khấu, lịch quay nên chúng tôi có thể thưởng thức nhau trọn vẹn nhất.

Có ý kiến cho rằng nhiều đơn vị không có sân khấu, không biểu diễn kịch nghệ thường xuyên, cũng đăng ký tham gia liên quan sẽ làm giảm giá trị chuyên nghiệp, chị nghĩ gì về điều này?

Tôi ủng hộ các đơn vị này tham gia. Lý do đó là những công ty có giấy phép kinh doanh nghệ thuật, dù họ không có sân khấu riêng. Các đơn vị này tập hợp nhiều anh chị em nghệ sĩ rất khát khao được diễn kịch, nhưng chưa có cơ hội, hoặc đã từng diễn ở vài nơi giờ ngưng cộng tác. Thực ra thì một khi tham gia liên hoan, họ cũng mời các nghệ sĩ chuyên nghiệp, thậm chí là nghệ sĩ nổi tiếng tham dự. Trước khi dự thi, mỗi vở diễn phải được phúc khảo, vở nào kém sẽ bị loại.

Tại các kỳ LHSK toàn quốc, nhiều đơn vị mang đến vở cũ để diễn, liệu điều này có xảy ra tại liên hoan lần này?

- Sân khấu 5B của chúng tôi dựng vở mới hoàn toàn. Theo tìm hiểu của tôi, nhiều đơn vị khác cũng dựng mới. Còn nếu gọi là vở cũ thì cũng chỉ mới vừa ra mắt khán giả được 1, 2 suất. Kịch mục còn quá nhiều người chưa xem thì không thể gọi là cũ được. Tất cả anh em nghệ sĩ đều đang trong tinh thần háo hức thi tài trên sân nhà TP.HCM.

Quy định mỗi đơn vị chỉ được tham gia một tác phẩm, theo chị, số lượng đó là đủ hay ít ?

- Tôi nghĩ nếu ban tổ chức cho phép tăng số lượng thì mới đáp ứng được mong muốn của các đơn vị.

Cảm ơn chị về buổi trò chuyện!

Ngay sau khi có buổi họp công bố LHSK, nhiều đơn vị công bố kế hoạch tham dự. sau đây là vài vở tiêu biểu.

Nhà hát Thanh Niên thuộc công ty Thái Dương gửi đến liên hoan vở Đại minh tinh (tác giả Nguyễn Duy Xăng – Nguyễn Hiếu Nghĩa – Đỗ Long Duy, đạo diễn Hồng Ngọc) với sự tham gia của dàn diễn viên giàu kinh ghiệm NSƯT Tú Sương, Khương Ngọc, Hải Triều cùng các diễn viên trẻ như: Lê Nghĩa, Huỳnh Thi, Tuấn Tú. Đây là vở diễn hướng tới đối tượng khán giả trẻ, nội dung nói về những cuộc chiến đằng sau hậu trường giữa các nghệ sĩ.

Một chất trẻ lâu năm và rất thành công là Sân khấu Thế Giới Trẻ dự thi với kịch mục mới Ông già trong đoàn lô tô (tác giả và đạo diễn Bùi Quốc Bảo). Đây là kịch bản được phóng tác từ truyện ngắn Cải ơi của Nguyễn Ngọc Tư. Lực lượng diễn viên gồm những cái tên được khán giả trẻ yêu thích hiện nay như: Khả Như, Quang Tuấn, Phương Lan, Hoàng Phi, Hồng Trang, Quỳnh Quý…

Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần dựng vở rất xác tiêu chí của liên quan tên Đồng chí (tác giả Lê Thu Hạnh, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu). Tuyến nhân vật chính trong vở diễn này là những người đã đi qua cuộc chiến tranh, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng. Ở đó, có thế hệ con cháu trở thành quan chức nhưng tha hóa biến chất, xen kẽ là thế hệ cháu lại tình nguyện vô quân đội phục vụ bằng lý tưởng như thế hệ ông của họ. Đây là một cuộc mâu thuẫn kịch tính giữa nhận thức thế hệ.

Vở diễn có sự tham gia của các gương mặt quen thuộc như Quốc Thịnh, Chánh Trực, Trung Hiếu.

image1.jpeg
NSND Trịnh Kim Chi, bà bầu sân khấu Trịnh Kim Chi , mong muốn ban tổ chức cho mỗi đơn vị tham gia từ 2 tác phẩm trở lên - Ảnh: NVCC

Sân khấu Trịnh Kim Chi sẽ tham dự vở rất sát với chủ đề tư tưởng của liên hoan, tên là Khát vọng ngày mai (tác giả Trần Văn Hưng, đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc). Vở diễn này kể về khát vọng và hành trình của những con người muốn phát triển tuyến metro của thành phố nhằm nối liền tuyến metro quốc gia. Công trình này chính là chỉ dấu cho sự phát triển của TP đầy năng động. Vở diễn có sự góp mặt của NSND Trịnh Kim Chi, Trung Dũng, Đào Vân Anh, Phương Bình, Nam Cường.

NSND Trịnh Kim Chi cho biết : “Nếu liên hoan cho phép mỗi đơn vị tham gia từ 2 vở trở lên, chúng tôi muốn gửi thêm vở Vịt chạy đồng có nội dung ngợi khen, trân trọng nhân nghĩa ở đời của những người dân miền quê chân chất. Đây là vở kịch tốt nghiệp của các bạn sinh viên nhưng có chất lượng nghệ thuật cao. Các sinh viên góp mặt trong vở, thực ra, đã tham gia các sân khấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi chờ xem tiêu chuẩn diễn viên tham gia thế nào. Chúng tôi rất mong muốn có cơ hội để thể hiện nhiều hơn”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NSND Mỹ Uyên: Liên hoan sân khấu TP.HCM 2024 là dịp nghệ sĩ thưởng thức tài năng của nhau