Nước mặn đang xâm nhập sớm vào các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… khiến hàng chục ha lúa mùa ở các vùng này bị chết la liệt. Có hộ gieo sạ lại tới 2-3 lần mà lúa vẫn chết, gây thiệt hại lớn.

Nông dân khóc ròng vì lúa chết hàng loạt

Một Thế Giới | 21/11/2015, 05:04

Nước mặn đang xâm nhập sớm vào các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… khiến hàng chục ha lúa mùa ở các vùng này bị chết la liệt. Có hộ gieo sạ lại tới 2-3 lần mà lúa vẫn chết, gây thiệt hại lớn.

Lúa chết khắp nơi
Trưa 20.11, PV Một Thế Giới về các xã Phong Đông, Vĩnh Phong… thuộc huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) chứng kiến nhiều nông dân mặt mày ủ rủ khi lúa chết trên diện rộng vì hạn hán và nước mặn tấn công.
Ông Nguyễn Văn Thể, chủ 5 ha lúa ở ấp Cái Chanh, xã Phong Đông, chua chát kể: “Hồi đầu tháng 10.2015, tui cũng như nhiều nông dân ở địa phương cùng xuống giống vụ lúa mùa trên đất nuôi tôm. Việc làm đất, gieo sạ… đều thực hiện như những vụ trước. Thế nhưng khi lúa từ 30-40 ngày tuổi trở đi thì bị khô héo và chết dần chết mòn, dù nông dân xử lý bằng nhiều cách nhưng không cứu vãn được. Sau khi lúa chết hết thì tui tiếp tục mua giống mới để sạ lại lần thứ 2, vậy mà lúa vẫn chết, mất trắng hàng chục triệu đồng”.
Xuôi theo ấp Cái Nhum (xã Phong Đông), hàng loạt ruộng lúa cũng bị chết la liệt. Ông Thái Văn Tửng, chủ 3 ha lúa mùa cho biết: “Mảnh ruộng này tui sạ tới 3 lần mà lúa cũng không thể sống được. Nguyên nhân là do năm nay hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm, trong khi lượng mưa ít nên lúa bị khô hạn dẫn tới thiệt hại”.
Theo thống kê mới nhất của UBND xã Phong Đông, toàn xã xuống giống vụ lúa mùa 2015-2016 được 950 ha thì tới nay bị thiệt hại trắng 100% diện tích. Tại xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận) tình hình cũng rất bi đát. Ông Chu Đức Thắng, cán bộ khuyến nông của xã này cho biết: “Nông dân các ấp đã xuống giống gần 3.300 ha lúa mùa trên đất nuôi tôm. Tuy nhiên, nước mặn về sớm khiến lúa không thể phát triển và chết dần chết mòn hơn 60% diện tích. Đối với số lúa còn lại cũng “èo uột” vì thiếu nước ngọt, nên trường hợp có giữ được thì năng suất cũng không bao nhiêu”.
Theo ông Trịnh Tài Mon, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thuận, tính đến giữa tháng 11.2015, nông dân các xã sản xuất lúa mùa trên nền đất nuôi tôm (tôm - lúa) được 13.862 ha trên tổng số 14.500 ha. Số còn lại chưa xuống giống được do không đủ nước để rửa mặn. Lo lắng nhất là những ngày qua hạn trên diện rộng và nước mặn tấn công đã làm hơn 3.142 ha lúa bị thiệt hại 100%, hàng chục ngàn ha lúa còn lại đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Bế tắc giải pháp?
Trong khi đó, ở các huyện U Minh Thượng, An Minh, An Biên (tỉnh Kiên Giang) và một số nơi ở Cà Mau; Bạc Liêu… nông dân trồng lúa mùa cũng lao đao vì hạn, mặn. Phòng NN&PTNT huyện An Minh cho biết, hiện tại bà con nông dân đã xuống giống hơn 26.778 ha lúa mùa, đứng đầu tỉnh Kiên Giang về diện tích. Tuy nhiên, nước mặn đang bao vây khắp nơi trong khi nắng nóng kéo dài nhiều ngày nên diện tích lúa bị khô héo cứ tăng dần. Nếu thời gian tới mà không có mưa thì thiệt hại sẽ không nhỏ.
Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho hay, theo kế hoạch vụ lúa mùa năm 2015-2016, diện tích gieo sạ là 63.000 ha và đến nay các huyện đã thực hiện được 58.157 ha, đạt 92,31%. Do năm nay mùa mưa dứt sớm, lượng mưa không nhiều trong khi hạn và mặn lại về sớm đã khiến ngành nông nghiệp và nông dân không trở tay kịp. Thống kê sơ bộ đã có hơn 15.860 ha lúa mùa bị thiệt hại từ 20-50%, trong đó có 3.248 ha mất trắng hoàn toàn. Đây là con số khá lớn so với các mùa vụ trước.
“Vùng này lâu nay sản xuất lúa mùa gần như phụ thuộc vào nước mưa, bởi điều kiện ở đây khó khăn, không chủ động được nguồn nước ngọt. Cứ năm nào mưa nhiều thì làm lúa tươi tốt, ngược lại mưa ít và hạn mặn sớm thì thiệt hại. Tuy nhiên năm nay là nghiêm trọng nhất”, ông Củi nói.
Những ngày qua dù lúa đã chết rất nhiều và sẽ tiếp tục chết, thế nhưng ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương không thể “cứu lúa” do tất cả các kênh mương đều bị mặn bao vây. Mọi việc lúc này đều trông vào trời mưa, nếu sắp tới đây không có mưa thì diện tích lúa chết sẽ còn tăng lên.
Về lâu dài, ông Trần Quang Củi cho biết, đã xây dựng kế hoạch thực hiện 21 công ngăn mặn, trong đó đang làm 6 cống. Một khi hoàn thành hệ thống cống ngăn mặn thì việc sản xuất lúa mới giảm thiểu được thiệt hại. Đối với những diện tích lúa mùa đã chết thì ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không nên sạ lúa nữa, mà vệ sinh đồng ruộng để chuyển sang nuôi tôm…
Huỳnh Uyên
Bài liên quan
Xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL: Triển vọng và thách thức
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỉ USD, song ngành này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân khóc ròng vì lúa chết hàng loạt