Nông dân bị ảnh hưởng nặng nề khi giá vật tư đầu vào tăng phi mã, trong khi đó đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn.

Nông dân gặp khó khi đầu vào tăng phi mã, đầu ra gặp khó khăn

Lam Thanh | 29/05/2022, 10:10

Nông dân bị ảnh hưởng nặng nề khi giá vật tư đầu vào tăng phi mã, trong khi đó đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn.

Đầu vào tăng phi mã, đầu ra gặp khó khăn

Phát biểu tại chương trình Thủ tướng đối thoại với nông dân, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế.

Theo ông Đoàn, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nông dân bị ảnh hưởng nặng nề khi giá vật tư đầu vào tăng phi mã (giá phân bón có loại tăng 250%), trong khi đó đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn. Nông dân cần được hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Đồng thời, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển, nhưng liên kết "4 nhà", trong đó liên kết trung tâm "nhà nông - doanh nghiệp" nhiều nơi gặp thử thách, thậm chí đứt gãy.

Ngoài ra, muốn có một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn hiện đại, thì cần có những người nông dân văn minh, nông dân có tri thức. Do vậy đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp để thực hiện vai trò chủ thể của mình và có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

dt1.jpg
Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Cũng theo ông Đoàn, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có cả một số doanh nghiệp nước ngoài, làm xuất hiện hình thức "gia công trong nông nghiệp". Điều này đem đến lợi ích lớn cho doanh nghiệp nhưng nông dân hưởng lợi ít và phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp.

Những năm qua, Việt Nam xuất khẩu nông sản trên 48 tỉ USD, tuy nhiên vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, chế biến tinh còn rất hạn chế, 70-80% là xuất khẩu tiểu ngạch, trong số đó trên 70% xuất khẩu lệ thuộc một thị trường lớn, rủi ro cao (đây chính là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp). Trong thời gian tới, cần có giải pháp, chính sách tăng tỷ lệ chế biến và xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và hạn chế lệ thuộc vào một thị trường.

Đại diện Trung ương Hội Nông dân cũng cho hay chủ trương và khẩu hiệu "sản xuất theo tín hiệu thị trường", nhưng hiện nay nông dân rất khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất.

Do vậy, cần thiết phải có một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân để không rơi vào tình trạng được mùa - rớt giá; nông sản hàng hóa thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương.

Ngoài ra, Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nêu chủ trương định hướng nông dân tham gia cổ phần hóa bằng đất, nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa trở thành một xu hướng hợp tác lớn như kỳ vọng của nông dân và doanh nghiệp.

“Nông dân góp đất có nguy cơ tăng rủi ro hoặc giảm cơ hội nhận được lợi ích tương xứng vì đất được doanh nghiệp định giá thấp, nông dân có cổ phần ít, lợi nhuận không đáng kể, không đảm bảo cuộc sống, cổ phần ngày càng nhỏ qua mỗi đợt huy động vốn mới. Người nông dân nhiều nơi mong muốn định giá quyền sử dụng đất sát với giá thị trường, được đảm bảo sinh kế, việc làm khi đất bị thu hồi…”, ông Đoàn nói.

Đề cập đến phong trào khởi nghiệp quốc gia, ông Đoàn cho rằng hiện nay các ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp do nông dân khởi xướng thực hiện còn rất ít, quy mô còn nhỏ, khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Thêm vào đó, một trong những khó khăn và thua kém về lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam là chưa làm chủ được nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực.

Không nêu ra vấn đề rồi để đấy

Thủ tướng nêu rõ, đại dịch để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng mà chúng ta phải hằng ngày giải quyết. Tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, liên quan tới cạnh tranh chiến lược; xung đột tại Ukraine; việc đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên liệu đầu vào; lạm phát tăng cao tại các đối tác lớn của Việt Nam; sức ép lạm phát gia tăng với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng; an ninh lương thực nổi lên...

“Tất cả những điều này tác động tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 200% GDP, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, các diễn biến trên thế giới tác động ngay tới Việt Nam”, Thủ tướng nêu.

dt2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc đối thoại

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tình hình luôn có những khó khăn, không có khó khăn này thì khó khăn khác, vấn đề là chúng ta tiếp cận, giải quyết thế nào.

“Chúng ta không mất bình tĩnh, không hoang mang, sợ sệt, cũng không chủ quan, mất cảnh giác mà luôn tự tin, giữ vững bản lĩnh trước các tác động từ bên ngoài, giữ vững đoàn kết, thống nhất”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử - văn hóa) là cơ bản, quyết định, chiến lược lâu dài, trong đó con người là yếu tố quan trọng nhất. Còn nguồn lực bên ngoài (năng lực quản trị, công nghệ, tri thức hóa nông dân, nguồn vốn, thị trường, chuỗi cung ứng…) là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Dựa vào nội lực là chính, nhưng không thể bỏ qua ngoại lực.

Trong điều kiện hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metal trong nông nghiệp…

Thủ tướng đề nghị tổ chức cuộc đối thoại với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, đổi mới, chân thành, tin cậy, trách nhiệm để xử lý các vấn đề, bảo đảm hiệu quả. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm phải làm hết mình, không phải nêu ra vấn đề rồi để đấy.

Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân gặp khó khi đầu vào tăng phi mã, đầu ra gặp khó khăn