Hội thảo là cơ hội để người nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Nông dân còn thiếu thông tin về nhu cầu của từng thị trường tiêu thụ

Tô Văn | 01/10/2022, 14:50

Hội thảo là cơ hội để người nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Sáng 1.10, tại tỉnh An Giang, trong khuôn khổ Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ 5 năm 2022, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức hội thảo “Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản - vai trò và nhiệm vụ của Hội Nông dân”.

1-hoi-thao-.jpg
Quang cảnh buổi hội thảo - Ảnh: Tô Văn

Ông Lê Văn Diện (nông dân trồng nếp, lúa ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết gia đình ông là hội viên của hợp tác xã Nam Phú Bình, huyện Phú Tân.

Ông Diện chia sẻ tại hội thảo: “Vai trò của người nông dân khi sản xuất lúa, nếp thì phải bảo đảm sản phẩm sạch, chất lượng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất vẫn còn bất cập về giá cả do không phân biệt được đâu là lúa, nếp sạch hay bị ô nhiễm. Vì vậy, tôi đề nghị ngành nông nghiệp nên có biện pháp phân loại việc sản xuất lúa, nếp sạch để có mức ưu đãi đối với nông dân khi thực hiện sản xuất theo quy trình này”, ông Diện nói.

1-lua-cp.jpg
Trong quá trình sản xuất lúa, nếp vẫn còn bất cập về giá cả do không phân biệt được đâu là lúa, nếp sạch hay bị ô nhiễm - Ảnh: Tô Văn
1-xoai-dai-loan-rot.jpg
Khâu tiêu thụ đang gặp khó do các đơn vị tiêu thụ chưa thể hiện được sự uy tín hay năng lực tài chính - Ảnh: Tô Văn

Ông Lê Nghĩa Thuấn - Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang chia sẻ: “Chợ Mới là vùng sản xuất xoài tương đối lớn. Địa phương đã xây dựng được quy trình, dự án kết nối sản xuất, chế biến tiêu chuẩn. Còn khâu tiêu thụ thì hiện nay đang gặp khó do các đơn vị tiêu thụ chưa thể hiện được sự uy tín hay năng lực tài chính”.

“Hiện nay hợp tác xã gặp nhiều khó khăn về nguồn lực được đào tạo chuyên môn, khó về kỹ thuật xử lý các khâu trồng, sản xuất và chế biến. Chúng tôi rất cần thông tin chính thống về nhu cầu của từng thị trường, đơn vị tiêu thụ uy tín, thông tin về mùa vụ của vùng trồng lân cận để tự điều chỉnh mùa vụ của đơn vị đảm bảo chất lượng, tránh ùn ứ hàng”, ông Thuấn nói thêm.

3-hoi-thao.jpg
Ông Trần Thanh Tâm - Phó giám đốc Sở Công Thương, tỉnh An Giang phát biểu - Ảnh: Tô Văn

Trao đổi rõ hơn về vai trò của Sở Công Thương trong kết nối, tìm đầu ra và gắn kết với các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, ông Trần Thanh Tâm - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, ngành đã tích cực phối hợp với các sở, ban ngành liên quan triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản qua các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử... hướng tới phát triển đa dạng các phương thức tiêu thụ nông sản.

“Đơn vị đã tổ chức buổi làm việc giữa Công ty New Star với Hợp tác xã trái cây của huyện Châu Phú và huyện Chợ Mới. Qua đó, Công ty New Star đã tiếp nhận các mặt hàng mẫu của các doanh nghiệp để gửi đến đối tác tại thị trường các nước Đông Nam Á, trước tiên là thị trường Malaysia.

Các sản phẩm chưa phủ hợp nhu cầu tìm kiếm của doanh nghiệp đã được công ty góp ý để điều chỉnh cho phù hợp và được hỗ trợ giới thiệu cho đối tác thích hợp trong tương lai. Ngoài ra, đơn vị cũng thông tin đến Thương vụ Việt Nam tại Campuchia đề xuất hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp”, ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, hiện đơn vị đang phối hợp với Sở NN-PTNT, Cục Hải quan và doanh nghiệp hỗ trợ triển khai khảo sát về hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc; thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã... cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, thực hiện khảo sát một số doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nắm thêm thông tin để hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, kết nối cung cầu.

2-hoi-thao-.jpg
Bà Cao Xuân Thu Vân - Phó chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu - Ảnh: Tô Văn

Phát biểu hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân - Phó chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, đây là nhịp cầu kết nối để người nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các nhà quản lý để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, chuyển giao công nghệ hiện đại, ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong, ngoài nước.

Đồng thời, hướng tới mục tiêu thực hiện thành công số hóa nền nông nghiệp, đáp ứng xu thế nông nghiệp thế giới, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân thời hội nhập.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân còn thiếu thông tin về nhu cầu của từng thị trường tiêu thụ