Nông dân và tài xế xe tải Romania tiếp tục biểu tình hôm 15.1 sau khi các cuộc đàm phán với chính phủ thất bại cuối tuần. Theo Politico, các cuộc biểu tình tương tự cũng được lên kế hoạch ở Ba Lan và Bulgaria.
Quốc tế

Nông dân châu Âu tiếp tục biểu tình về vấn đề ngũ cốc Ukraine

Hoàng Vũ (theo Politico) 16/01/2024 14:36

Nông dân và tài xế xe tải Romania tiếp tục biểu tình hôm 15.1 sau khi các cuộc đàm phán với chính phủ thất bại cuối tuần. Theo Politico, các cuộc biểu tình tương tự cũng được lên kế hoạch ở Ba Lan và Bulgaria.

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 10.1 đã làm gián đoạn giao thông ở một số thành phố, bao gồm cả thủ đô Bucharest (Romania), khi nông dân và tài xế xe tải bày tỏ sự bất bình về mức thuế cao và việc thanh toán tiền bồi thường chậm trễ. Cuối tuần qua, một nhóm người biểu tình khác cũng tập trung tại các khu vực biên giới, phong tỏa cửa khẩu phía đông bắc với Ukraine.

xe-keo-romania.png
Nông dân Romania đang yêu cầu chính phủ thanh toán trợ cấp và bồi thường nhanh hơn cho những người bị ảnh hưởng bởi hạn hán hoặc gián đoạn do nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine - Ảnh: AFP

Nông dân đang yêu cầu thanh toán trợ cấp và bồi thường nhanh hơn cho những người bị ảnh hưởng bởi hạn hán hoặc gián đoạn do tình trạng nhập khẩu ngũ cốc ồ ạt từ Ukraine gây ra. Trong khi đó, các tài xế xe tải lo ngại về việc tăng mức bảo hiểm và thuế cũng như phải chờ đợi lâu để qua biên giới. Theo các phương tiện truyền thông, một số người tham gia biểu tình ở Romania thừa nhận đã được truyền cảm hứng từ các cuộc tuần hành tương tự ở Đức.

Việc Nga phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine đã khiến Romania trở thành trung tâm trung chuyển quan trọng đối với ngũ cốc của Ukraine, đặc biệt là qua cảng Constanța. Tuy nhiên, động thái này khiến nông dân và các nhà vận tải Romania phản đối vì lo sợ bị các công ty Ukraine thay thế.

Làn sóng biểu tình ở Romania bùng phát từ hôm 9.1, khi hàng chục tài xế xe tải và máy kéo từ các thành phố khác nhau di chuyển về phía thủ đô Bucharest. Nhà chức trách cho biết đã bắt giữ một số người biểu tình.

“Chúng tôi đang ở thời điểm quan trọng. Các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục cho đến khi các nhà chức trách nhận thức được sự kém cỏi của họ trong việc điều hành đất nước”, nông dân Danut Andrus, người tham gia biểu tình nói với báo giới.

Tháng 4 năm ngoái, hàng nghìn nông dân Romania cũng đã tham gia các cuộc biểu tình trên cả nước nhằm phản đối tình trạng giá thu mua ngũ cốc giảm do nhập khẩu từ Ukraine.

nong-dan-romania-bieu-tinh-phan-doi-nhap-khau-ngu-coc-ukraine-abc-news.png
Nông dân Romania biểu tình phản đối việc nhập khẩu ngũ cốc Ukraine hồi tháng 4.2023 - Ảnh: ABC News

Những người biểu tình sử dụng máy kéo, xe tải chặn giao thông và cửa khẩu biên giới ở nhiều nơi, đồng thời kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) can thiệp giải quyết vấn đề.

Sự không hài lòng ngày càng tăng của nông dân ở Trung và Đông Âu đối với ngũ cốc giá rẻ của Ukraine, vốn được miễn thuế nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) đến tháng 6.2024, khiến giá ngũ cốc của các nông dân địa phương giảm mạnh.

Tình trạng bất ổn lan rộng hơn

Đáng chú ý, hàng nghìn nông dân Đức hôm 15.1 đã phong tỏa trung tâm thủ đô Berlin bằng máy kéo để phản đối chính sách cắt giảm trợ cấp đối với ngành nông nghiệp của chính phủ.

Cảnh sát địa phương cho biết, gần 10.000 nông dân cùng hơn 5.000 máy kéo và 2.000 xe tải đã chặn các đường phố của thủ đô Berlin với các biểu ngữ phản đối chính phủ đương nhiệm. Thậm chí, một số người biểu tình đã bị bắt vì hành vi đốt pháo gây nguy hiểm nơi công cộng. Đây là hành động đáp trả của Hiệp hội nông dân Đức trước quyết định cắt giảm một số trợ cấp dầu diesel cho nông dân và tài xế xe tải của chính phủ nước này hồi cuối tháng 12.2023.

“Nông dân sẽ chết đói hết. Chính phủ cần hiểu rằng thực phẩm nhập khẩu sẽ tràn lan nếu họ không khôi phục chính sách trợ giá trong nước”, nông dân Karl-Wilhelm Kempner nói với báo chí khi đến tham gia biểu tình.

cac-nong-dan-duc-xep-hang-may-keo-truoc-cong-brandenburg-de-chuan-bi-cho-cuoc-bieu-tinh-quy-mo-lon-phan-doi-chinh-sach-thue-reuters.png
Các nông dân Đức xếp hàng máy kéo để chuẩn bị cho cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính sách nông nghiệp của chính phủ - Ảnh: Reuters

Politico nhận định, cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng ngân sách và sự trỗi dậy của phe cực hữu. Về phần mình, Thủ tướng Scholz khẳng định chính phủ đã lắng nghe yêu cầu của nông dân và đồng ý thỏa hiệp.

Trước đó, ở Ba Lan, nông dân và tài xế xe tải đã chặn các cửa khẩu biên giới với Ukraine và phàn nàn về "sự cạnh tranh không công bằng" từ các đối tác Ukraine, cũng như việc nới lỏng các quy định tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU) đối với các doanh nghiệp Ukraine – quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá.

Nông dân Ba Lan đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa biên giới vào tuần trước. Tuy nhiên, vào hôm 15.1, họ lại công bố kế hoạch biểu tình trên toàn quốc vào cuối tháng này. Nông dân ở Bulgaria đã công bố kế hoạch tương tự.

Bài liên quan
Tiền Giang: Nông dân trồng sầu riêng hữu cơ trúng mùa, trúng giá
Trong khi nhiều vườn sầu riêng ở ấp Hiệp Ninh, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) mất mùa thì vườn cây sầu riêng của ông Trần Văn Nhựt lại có năng suất cao, trúng giá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân châu Âu tiếp tục biểu tình về vấn đề ngũ cốc Ukraine