Đế chế Anh từng trải rộng khắp địa cầu, bao trùm hơn 1/4 diện tích và 1/5 dân số trái đất khiến cho rất nhiều quốc gia đến nay vẫn còn chịu ảnh huởng rất lớn từ các giá trị văn hoá Anh. Nhưng đáng tiếc là trong đó không có bóng đá một trong những sản phẩm mà người Anh tự hào nhất.

Nơi túc cầu không phải là 'Vua' và câu trả lời từ lịch sử

Một Thế Giới | 16/08/2015, 06:40

Đế chế Anh từng trải rộng khắp địa cầu, bao trùm hơn 1/4 diện tích và 1/5 dân số trái đất khiến cho rất nhiều quốc gia đến nay vẫn còn chịu ảnh huởng rất lớn từ các giá trị văn hoá Anh. Nhưng đáng tiếc là trong đó không có bóng đá một trong những sản phẩm mà người Anh tự hào nhất.

Xuất khẩu văn hoá, không xuất khẩu bóng đá

Premier League đã chính thức trở lại và nhanh chóng thu hút được sự chú ý của hàng tỷ tín đồ túc cầu giáo trên khắp hành tinh. Gần như mọi vùng đất trên quả địa cầu, từ Đông Nam Á đến Nam Mỹ, từ Bắc Phi đến Đông Âu, đều đã không thể kìm chế trước sức hấp dẫn quá lớn của ngành công nghiệp giải trí mang tên bóng đá. Nhưng nếu có nơi nào trên trái đất này mà môn thể thao vua ấy không thực sự là "Vua" mà bóng đá không thực sự chiếm được vị thế hàng đầu, mà đám đông công chúng không thực sự hứng thú với bóng đá, mà các VĐV tiềm năng không coi bóng đá là sự lựa chọn ưu tiên để theo đuổi.... thì đó, đáng ngạc nhiên thay, lại là (phần đông) các quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung, nơi từng là một phần của đế chế Anh trong quảng thời gian rất dài và thừa hưởng vô số di sản về văn hoá, ngôn ngữ, luật pháp, thể chế chính trị, ngoại giao... của Vương quốc Anh.

Lái xe bên trái đường, áp dụng hệ thống dân chủ nghị viện, sử dụng tiếng Anh rộng rãi và (khá nhiều nước) coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức, vận dụng thông luật kiểu Anh... chỉ là một vài ví dụ tiêu biểu nhất về những giá trị văn hoá Anh đã lan truyền đến các thành viên các của khối Thịnh vượng chung, những nơi từng là thuộc địa của Anh suốt từ thế kỷ 18 và mới chỉ tách ra như là một quốc gia độc lập từ đầu thế kỷ 20.

Hiện nay khối Thịnh vượng chung có tổng cộng 53 thành viên, trải dài trên toàn bộ 6 châu lục, trong đó những cái tên đáng kể nhất (không tính Vương quốc Anh, dĩ nhiên) xét về diện tích, dân số hay mức độ phát triển kinh tế là Canada, Australia, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nam Phi, New Zealand, Nigeria hay Malaysia. Ngoại trừ hai cái tên cuối cùng (thực ra mặt bằng trình độ bóng đá tại Nigeria hay Malaysia cũng đều đã chững lại, nếu không muốn nói là thụt lùi, trong khoảng gần 2 thập niên trở lại đây), những quốc gia nói trên đều không coi bóng đá là môn thể thao được ưa chuộng nhất. Sự thờ ơ với bóng đá của khối Thịnh vượng chung được thể hiện qua một chi tiết rất đơn giản: họ có hẳn một đại hội thể thao riêng của mình (Commonwealth Games) với rất nhiều môn thể thao Olympic, nhưng lại... không có bóng đá.

Nếu nhìn rộng ra, tức xét đến cả các đất nước đã từng là một phần của đế chế Anh nhưng không phải là thành viên của khối Thịnh vượng chung như Mỹ hay Ireland thì nhận định nêu trên vẫn chính xác. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho nước Anh không thể "xuất khẩu" thành công bóng đá - môn thể thao mà người Anh vẫn tự hào rằng mình là cha đẻ - sang các thuộc địa cũ, những nơi từng có quan hệ hết sức mật thiết trên nhiều lĩnh vực với Vương quốc Anh?

Cricket hay bóng bầu dục mới là số 1?

Trước hết hãy điểm qua một chút về thực trạng thể thao tại những quốc gia nằm trong khối Thịnh vượng chung. Tại Australia, bóng đá thậm chí còn không có mặt trong Top 3 môn thể thao phổ biến nhất: đó là nơi ganh đua của bóng bầu dục, cricket và bóng đá kiểu úc (một môn thể thao "lai" giữa bóng đá và bóng bầu dục, nơi các cầu thủ được phép dùng tay chơi bóng). Số lượng khán giả bình quân của các trận đấu bóng đá kiểu Úc lên đến 32.163 người/trận, tức cao gần gấp 3 lần bóng đá "kiểu Anh" truyền thống (12.347 người), gấp đôi bóng bầu dục (15.940 người) và gấp rưỡi cricket (19.629 người).

Tình hình ở nước láng giềng New Zealand cũng gần tương tự, có điều ngôi vị số 1 thuộc về bóng bầu dục (không phải ngẫu nhiên mà đội tuyển bóng bầu dục quốc gia New Zealand đang đứng đầu thế giới) và số 2 là cricket, còn bóng đá phải cố gắng cạnh tranh với đua ngựa cho một vị trí trong Top 3. Phía bên kia Thái Bình Dương, Canada xếp bóng vợt và khúc côn cầu trên băng vào nhóm 2 môn thể thao truyền thống, tiếp theo là bóng đá kiểu Canada (gần giống bóng bầu dục ở Mỹ nhưng có số người chơi, kích cỡ sân đấu và luật thi đấu hơi khác) và tất nhiên là bóng đá "kiểu Anh" vẫn không xuất hiện trong nhóm 3 môn thể thao hàng đầu.Tại Ấn Độ hay Pakistan thì vị thế của bóng đá có khá hơn đôi chút (ít ra là còn hiện diện trong Top 3), nhưng môn thể thao phổ biến nhất ở hai đất nước này đều là cricket. Giải vô địch cricket quốc gia của Ấn Độ (tên là Indian Premier League) cũng có được vị thế gần bằng English Premier League trong môn bóng đá. Indian Premier League có giá trị thương hiệu cực lớn (khoảng 7,2 tỷ USD), được nhiều người theo dõi nhất trong số các giải VĐ cricket và các cầu thủ cricket giỏi nhất thế giới đều đổ xô đến Ấn Độ y hệt cái cách mà những cầu thủ bóng đá lao tới English Premier League. Tương tự, bóng đá Pakistan hiện vẫn còn kém phát triển và đang đứng tận thứ 171 thế giới nhưng ĐT cricket của họ đã 2 lần vô địch thế giới vào các năm 1992 và 2009.

Ở Nam Phi mọi chuyện có hơi khác khi bóng đá đang là môn thể thao thu hút được nhiều người chơi nhất (chủ yếu là cộng đồng người da màu), tuy nhiên sự tăng trưởng về "lượng" chưa chắc đã kéo theo sự thay đổi về "chất". Trong khi ĐT bóng đá Nam Phi đang thi đấu nhạt nhoà và chìm trong hàng đống bê bối tham nhũng thì các ĐT bóng bầu dục (2 lần VĐTG các năm 1995, 2007, được bầu chọn là Đội thể thao của năm 2008) hay cricket (từng đứng đầu thế giới trong cả 3 thể loại cricket là Test, ODIs và T20ls) của họ đều giành được thành tích rất tốt trên đấu trường quốc tế.

Câu trả lời từ lịch sử

Tất nhiên trong khối Thịnh vượng chung cũng có một số đất nước yêu thích bóng đá như Malaysia, Nigeria, Cameroon hay Ghana. Chỉ có điều các nước này đều có một điểm chung: Họ trở thành thuộc địa của Anh tương đối muộn (vào giữa và cuối thế kỷ 19) so với nhóm thuộc địa "cũ" như Canada, Australia, New Zealand hay Ấn Độ. Nói cách khác, thời gian trở thành, một phần của đế chế Anh có ảnh hưởng quan trọng tới lịch sử phát triển các môn thể thao nói chung cũng như mức độ phổ biến của bóng đá nói riêng của các quốc gia. Để hiểu được nguyên nhân vì sao bóng đá không phổ biến và kém thành công ở phần lớn các nước thuộc khối Thịnh vượng chung, phải nắm được lịch sử hình thành và phát triển của bóng đá, quá trình lan toả của nó từ Anh sang các quốc gia khác và cấu trúc xã hội Anh nói riêng cũng như của các nước thuộc khối Thịnh vượng chung nói riêng. Và đó là chủ đề của bài viết tiếp theo...

Theo Thể thao 24h

Cho dù không nằm trong khối Thịnh vượng chung vì những lý do lịch sử và chính trị, Mỹ và Ireland vẫn là hai quốc gia chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn hoá Anh. Và, cũng giống như nhiều nước trong khối Thịnh vượng chung, bóng đá không phải là môn thể thao số một ở hai nước này. Bốn giải đấu thể thao có nhiều người theo dõi nhất tại Mỹ lần lượt là bóng chày (MLB), bóng rổ (NBA), bóng bầu dục (NFL) và hockey (NHL). Còn bóng đá (MLS) dù cũng có những sự tăng trưởng nhất định - chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của nhóm cư dân gốc Latin - vẫn chưa thể đạt tới tầm cỡ của các "ông anh" nói trên. Tại Ireland - một đảo quốc nằm sát bên hòn đảo Anh - môn thể thao hàng đầu là bóng đá kiểu Ireland (Gaelic football), với số khán giả đến sân từng đạt tới mốc 82.300 người trong trận chung kết toàn Ireland năm 2011.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi túc cầu không phải là 'Vua' và câu trả lời từ lịch sử