Buổi sáng ngày này 42 năm trước, thằng bé 7 tuổi còm nhom là tôi chạy bộ 5 km lên gọi mẹ đang cấy lúa chiêm về nhà vì nội mất. Ngày nội mất, trời miền Bắc năm ấy, ban ngày nóng như rang, đêm thì sương lạnh cắt da, cắt thịt.

Nội tôi!

Vũ Trung Kiên | 06/01/2023, 11:23

Buổi sáng ngày này 42 năm trước, thằng bé 7 tuổi còm nhom là tôi chạy bộ 5 km lên gọi mẹ đang cấy lúa chiêm về nhà vì nội mất. Ngày nội mất, trời miền Bắc năm ấy, ban ngày nóng như rang, đêm thì sương lạnh cắt da, cắt thịt.

Nội sinh năm 1903 (tuổi Mão) và mất khi 78 tuổi (tính theo âm lịch).

Cả đời nội khổ. Mười mấy tuổi, nội đi lấy chồng. Ông nội mồ côi cả cha lẫn mẹ, anh ruột đi hỏi vợ cho em. Nhờ chắn vén làm ăn mà nên gia nghiệp. Nhưng rồi ông chê nội không sinh (sanh) được con trai vì đẻ liền tù tì cả chục người con gái.

Năm 1939, nội sinh cô tôi (cô vẫn còn khỏe). Ông nội tôi khi về tới đầu làng nghe nói nội sinh con gái đã bỏ đi luôn. Xin đừng lấy hệ quy chiếu hôm nay để phán xét người xưa, cái thời trước 1945 ấy, làng quê như một ao tù, “bùn lầy, nước đọng” (tên một tác phẩm của nhà văn Hoàng Đạo), nên chuyện này không có gì là lạ.

Ông nội buồn vì nội vì không sinh được con trai nên chơi bời và mắc nợ. Lúa gặt về, chủ nợ tới lấy hết sạch. Đã vậy, đích thân bà phải sàng sảy cho sạch cho người ta, xúc lúa trả nợ cho chồng xong lên võng đắp chiếu nằm khóc. Ông buồn nên sinh bệnh. Năm 1942, ông mù 2 mắt nhưng cũng trong năm ấy, bà sinh bác trai. Trước đó, thầy bói nói nếu ông có con trai thì phải chịu nạn lớn.

5 năm sau, năm 1947, bà sinh ra cha, dù không nhìn thấy, song ông vui vì cuối cùng có 2 con trai. Thuở ấy, ở làng quê, không có con trai thì giỗ chạp (giỗ quảy) không được ngồi mâm mà phải ngồi dưới đất, thật kinh sợ vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ” trong xã hội xưa.

noitoi.jpg
Cả đời nội chịu bao nhiêu đắng cay, đau khổ song đôi vai gầy ấy đã vững chãi gáng cả gia đình vượt qua bao sóng gió - Ảnh: Internet

Nội sinh mười mấy người con nhưng chỉ còn sống 7 người. Đời nội nhiều lần phải tự tay đào hố chôn con. Cô Hai (chúng tôi gọi là O) đi lấy chồng, nhà chồng hắt hủi, cô chạy về nhà cha mẹ đẻ, ông quát đuổi về nhà chồng và nói: đã gả cho người ta, sống làm dâu nhà người ta, chết thì làm ma ở đó, cấm về! Cô lại trở về nhà chồng, vừa đói, vừa dịch nên cả 2 mẹ con chết cả.

Cô Ba đi lấy chồng, nhà chồng cần người làm dâu để làm việc nên mẹ chồng bắt làm quần quật cả ngày lẫn đêm. Buổi tối, bà ngồi canh cửa cấm con trai không được vào với con dâu, vậy nên lấy nhau bao năm vẫn không có con. Một hôm gần tết, ông nói với vợ, xã hội như vầy không đi làm cách mạng đi thì sao sống nổi, vậy là ông đi làm cách mạng, hoạt động bí mật ở quê nhà.

Dịp ấy, có một vị quan tản cư về làng và không may qua đời, cả làng đi đưa đám trong đó có mẹ chồng cô, nhân dịp ấy, ông bà mới có dịp gần gũi nhau và sinh con gái đầu lòng. Đêm đêm, ông chong đèn dạy chữ cho cô để biết đọc, biết viết.

Cách mạng thành công, quê hương được giải phóng - dù vẫn trong tầm ngắm của pháo giặc Pháp vì thỉnh thoảng làng vẫn bị pháo kích và nhiều người đã chết, trong đó, có cả những gia đình chết trong lúc đang cùng gia đình ăn cơm.

Cô Tư đi lấy chồng. Chồng cô là chiến sĩ Điện Biên về phép sau chiến thắng, cưới cô Tư rồi ông đi biền biệt 6 – 7 năm không về, cũng không một lá thư thăm hỏi vợ. Sau nghe tin ông lấy vợ, cô mới về nhà ở với cha mẹ, rồi sau đó đi tái giá.

Nội sinh ba tôi vào năm 1947, mới được hơn 3 tháng, nội đi cày ruộng, con trâu ngửi thấy mùi con cọp gần đó nên vùng giật cày chạy, lưỡi cày cứa đứt cổ nội, may chỉ đứt phần mềm nên đi bệnh viện huyện 6 tháng sau thì nội về nhà. Ở nhà, cô Tư bồng ba đi khắp xóm, ai cho gì thì nhai nhỏ rồi đút cho ba ăn, có lẽ vì thiếu dinh dưỡng nên ba còi cọc, lớn lên còn bị bệnh đường ruột.

Năm 1971, ba cưới má, về nhà được 11 ngày thì người cô Năm (bệnh, không chồng) qua đời. Cả đời nội không bước ra khỏi lũy tre làng, chỉ một lần bị bệnh nên được đi bệnh viện huyện và năm 1972, nhờ chồng cô Ba làm cán bộ ở Hà Nội nên nội được con rể cho đi Hà Nội chơi. Hôm ấy, ông đưa bà đi thăm vài nơi đúng lúc bom Mỹ đánh phố Khâm Thiên, nội may mắn thoát nạn. Sau này, bác rể cứ nhắc mãi rằng nếu hôm ấy không đi, bà trúng bom Mỹ thì cả đời ân hận.

Đất nước thống nhất, nội mừng khi 2 con trai của nội làm cán bộ nhà nước, nhưng cái đói, cái nghèo đeo bám cả đất nước khi ấy.

Những năm 1979 -1980 là thời kỳ gian khó nhất. Nội già yếu, đã không có cơm ăn nhưng được hạt cơm nào cũng dành cho các cháu của nội, trong đó có con nên sức khỏe nội suy kiệt, thiếu chất, phù nề rồi ra đi. Ba tôi nói, cả đời nội thèm ly nước trà, đặc biệt là thèm ly nước đường, nhưng khi đó làm sao có được món xa xỉ ấy…

Vậy nên mỗi khi cúng giỗ nội, tôi pha một chén trà đặt trang trọng trên bàn thờ nội. Tôi không thể hiểu sức mạnh nào đã làm cho nội mạnh mẽ như vậy, sau bao nhiêu sóng gió đau khổ của cuộc đời mà nội vẫn vững như cây cối trước tuyết sương. Cả đời nội chịu bao nhiêu đắng cay, đau khổ song đôi vai gầy ấy đã vững chãi gáng cả gia đình vượt qua bao sóng gió. Cả đời, nội sống nhân đức, bao dung.

Hôm nay là ngày giỗ nội, con ghi lại mấy dòng này tưởng nhớ nội: “Nội ơi, con thương và nhớ nội vô cùng!”.

Bài liên quan
Đánh thức tiềm năng văn hóa của các dân tộc thiểu số
Là một bộ phận hữu cơ của văn hóa quốc gia nhưng văn hóa của các dân tộc thiểu số vẫn mang những bản sắc riêng có, mới lạ và đầy hấp dẫn.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nội tôi!