Miền Tây mùa này ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết cực đoan nên mỗi lần muốn vươn khơi đánh bắt thì ngư dân cũng phải cân nhắc để tránh thua lỗ nếu gặp thời tiết xấu, sóng to gió lớn.

Nỗi niềm mùa mưa bão của ngư dân miền Tây

Trần Khải | 28/08/2022, 19:09

Miền Tây mùa này ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết cực đoan nên mỗi lần muốn vươn khơi đánh bắt thì ngư dân cũng phải cân nhắc để tránh thua lỗ nếu gặp thời tiết xấu, sóng to gió lớn.

Trưa 27.8, ở cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh (Cà Mau) thời tiết dịu êm, nhiều ghe tàu vừa cập bến để bán thuỷ sản sau thời gian đánh bắt. Sóng nhấp nhô làm chiếc tàu biển lắc lư, đung đưa theo làn sóng. Ngồi trên tàu, anh Hùng – một ngư dân cho biết, thời tiết mùa này diễn biến cực đoan, không ai biết đâu mà lần. Nhờ nắm bắt thời tiết từ đài khí tượng thuỷ văn nên ngư dân miền biển Khánh Hội cũng bớt phần lo lắng.

bien.jpg
Mùa này, vùng biển ở miền Tây thường xuyên xuất hiện sóng to, gió lớn

Dẫu vậy, nếu cứ neo đậu ở đất liền mãi cũng chẳng phải là cách. Bởi nghề nghiệp của ngư dân là bám biển, chỉ có vươn khơi đánh bắt họ mới có được cái ăn, cái mặc và lo cho cuộc sống gia đình. “Tôi làm nghề biển đến nay ngót nghét 10 năm, nghề này dù không dư dã gì nhưng được cái có đồng ra, đồng vào đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, cho con cái đi học cái chữ”, anh Hùng nói.

Chia sẻ đến đây, anh Hùng vội vấn điếu thuốc bằng giấy quyến, bật lửa hút phì phèo rồi anh thở một hơi dài: “Chú mày biết rồi đó, cuộc sống của dân biển tụi anh vô cùng vất vả. Quanh năm đều phải lênh đênh trên biển để tìm kế sinh nhai chứ ở nhà được mấy khi. Cuộc sống nơi muôn trùng khơi vô cùng cơ cực, nhiều khi tắm nước biển rồi xả lại bằng rào nước ngọt. Mùa này, thời tiết cực đoan, nay biển êm, mai biển động, nhiều khi ở bờ nhiều quá nên các phương tiện cũng cố vươn khơi để mưu sinh. Gặp mưa dông thì phải nhanh chóng tìm nơi tránh trú”.

Tương tự, mùa này ở cửa biển Rạch Gốc, thuộc thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cũng có nhiều ghe tàu neo đậu. Lân la dò hỏi, PV mới biết họ vừa kết thúc chuyến biển dài. Giờ muốn vươn khơi nhưng cảm thấy lo lắng bởi thời tiết thất thường. Nỗi lo là vậy, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều phương tiện vẫn cố liều mình bám biển để đánh bắt. Với họ, từ lâu biển cả đã ngấm vào máu, vào từng hơi thở, thớ thịt của mỗi ngư dân. Và biển cũng đã nuôi sống họ từng ấy năm.

bien-1.jpg
Nhờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nên nhiều tàu cá chủ động được thời gian vươn khơi

Anh Dúng, ngư dân có phương tiện neo đậu ở cửa biển Rạch Gốc tâm tình: “Hiện nay, miền Tây nói chung, Cà Mau nói riêng đang bước vào mùa mưa bão. Mùa này, nắng ít mưa nhiều, nên ở biển cũng ít khi được yên lặng. Nhiều khi, mới êm đó, bỗng dưng đổ mưa, sóng lớn khiến cho ghe tàu phải tất tả vượt muôn trùng khơi để tìm nơi tránh trú. Khổ lắm!”.

Nỗi niềm của ngư dân mùa mưa bão luôn chất chứa nhiều tâm tư, chen lẫn nỗi ưu tư, phiền muộn. Bởi thế, người bạn duy nhất giúp họ định hướng dược thời tiết đó là thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Nhờ thiết bị này, nó đã giúp cho ngư dân đánh bắt xa bờ có được thông tin về diễn biến khó lường của thời tiết. Từ đó, giúp họ chủ động hơn trong đánh bắt, khai thác thuỷ sản biển.

Xế chiều, hình ảnh ánh nắng lúc hoàng hôn cùng ông mặt trời dần khuất bóng quen thuộc lúc chiều tà ngày nào đã không xuất hiện ở ngày hôm nay (chiều 28.8) thay vào đó là những đám mây đen từ từ kéo đến, bất chợt những cơn mưa lất phất xuất hiện trên diện rộng ở cửa biển Rạch Gốc. Nhiều ngư dân cũng các phương tiện đang neo đậu ở đây bắt đầu nhìn xa xăm, có người than, nếu neo đậu hoài thì lấy gì có tiền mà mua sách vở lo cho con cái bước vào năm học mới đã cận kề.

Họ lo lắng, chất chứa những phiền muộn cũng vì cái nghèo. Vì cuộc sống mưu sinh và chính biển là nơi mang lại cho họ cuộc sống sung túc hơn. Vì vậy, mỗi khi mùa mưa bão đến là ngư dân miền biển này lại đau đáu nghĩ về biển cả, nghĩ về những tháng ngày lênh đênh trên biển để mưu sinh. Đổi lại, sau bao ngày khổ cực lênh đênh trên biển là họ có được nguồn thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống gia đình.

Họ chỉ mong, thời tiết êm dịu, biển đừng động để các phương tiện có điều kiện vươn khơi bám biển. Những đợt như vậy, trong lòng của các ngư dân đều rất hứng khởi. Tràn trề hi vọng có được chuyến biển trúng mùa, khoang tàu đầy ắp hải sản, bán được giá cao.

bien-2.jpg
Chỉ cần một ngày neo đậu là một ngày ngư dân mất nguồn thu nhập

Dẫu biết, nguồn lợi từ biển cả là phong phú, nhưng hằng năm, để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, ngành chức năng các địa phương ở miền Tây đều tổ chức thả xuống biển hàng triệu con giống các loại. Nhờ vậy, nguồn lợi thuỷ sản biển không ngừng sản sinh, phát triển để góp phần làm giàu cho ngư dân.

Sóng biển vẫn nhấp nhô, những con tàu đang neo đậu ở các cửa biển vẫn sáng đèn. Nhưng đó là nỗi niềm chất chứa, lắng đọng đầy tâm tư vì họ chưa thể nhổ neo vươn khơi vì mưa bão. Miền Tây mùa này luôn là nỗi ưu phiền của bao ngư dân vì ảnh hưởng của thời tiết cực đoạn. Có khi sáng đó đã thu xếp hành trang để chiều vươn khơi đánh bắt, nhưng trưa lại có thông tin xuất hiện cơn bão mới, gió mạnh, biển động nên họ phải nán lại.

Một lãnh đạo của thị trấn Rạch Gốc cho biết, mùa này thời tiết thất thường nên ghe tàu cũng gặp khó khăn trong đánh bắt. Dẫu vậy, nhờ việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nên nhiều phương tiện đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho ngư dân nên phần nào đã giúp họ chủ động hơn khi vươn khơi đánh bắt.

Với ngư dân, hễ một ngày tàu neo đậu là họ coi như mất nguồn thu nhập của ngày đó. Và khi mùa mưa bão đến, nỗi niềm của ngư dân miền biển vẫn chưa bao giờ vơi.

Bài liên quan
Miền Bắc sắp lạnh, siêu bão Man-yi gây biển động dữ dội
Chiều 16.11, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi niềm mùa mưa bão của ngư dân miền Tây