Sự gia tăng ô tô điện giá rẻ Trung Quốc làm tăng áp lực lên các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Thông qua việc hợp tác với các nhà cung ứng từ hãng sản xuất vật liệu pin đến công ty chip, họ muốn cắt giảm chi phí và phát triển ô tô điện giá phải chăng nhanh hơn kế hoạch trước đây.
Thế giới số

Nỗi lo ô tô điện Trung Quốc giá rẻ khiến các hãng phương Tây chạy đua sản xuất xe giá phải chăng

Sơn Vân 19:52 08/12/2023

Sự gia tăng ô tô điện giá rẻ Trung Quốc làm tăng áp lực lên các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Thông qua việc hợp tác với các nhà cung ứng từ hãng sản xuất vật liệu pin đến công ty chip, họ muốn cắt giảm chi phí và phát triển ô tô điện giá phải chăng nhanh hơn kế hoạch trước đây.

Andy Palmer, Chủ tịch công ty khởi nghiệp Brill Power (Anh), công ty đã phát triển phần cứng và phần mềm để tăng cường hệ thống quản lý pin ô tô điện, cho biết: “Các nhà sản xuất ô tô giờ đây thực sự tập trung chuyển sang những phương tiện giá phải chăng, bởi họ biết rằng phải làm như vậy nếu không sẽ thua các công ty Trung Quốc”.

Từng là Giám đốc điều hành Aston Martin (Anh), Andy Palmer cho biết các sản phẩm Brill Power có thể tăng phạm vi hoạt động của ô tô điện lên 60% và cho phép sử dụng pin nhỏ hơn. Pin là thành phần đắt tiền nhất của ô tô điện.

Lo ngại về nhu cầu chậm lại vì ô tô điện đắt tiền đã khiến việc giảm chi phí trở nên cấp thiết hơn. Sự cấp bách đó có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Vào tháng trước, Renault (Pháp) cho biết có kế hoạch giảm 40% chi phí cho ô tô điện của mình để đạt mức giá ngang bằng với các mẫu xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.

Stellantis (Ý) đang xây dựng một nhà máy ở châu Âu với CATL (nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới của Trung Quốc) để tạo ra pin LFP rẻ hơn và gần đây trình làng mẫu SUV chạy điện Citroen e-C3 có giá khởi điểm 23.300 euro (24.540 USD).

Volkswagen (Đức) và Tesla (Mỹ) đang phát triển ô tô điện trị giá 25.000 euro.

Vincent Pluvinage, Giám đốc điều hành hãng OneD Battery Sciences (Mỹ), cho biết trong những chuyến thăm gần đây của ông với các khách hàng sản xuất ô tô châu Âu, mọi cuộc gặp đều bắt đầu với một câu chuyện như nhau: "Giảm chi phí giờ đây quan trọng hơn bất cứ điều gì khác".

OneD Battery Sciences bổ sung dây nano silicon vào vật liệu cực dương của pin ô tô điện có thành phần than chì để tăng phạm vi hoạt động và giảm thời gian sạc, tiết kiệm 281 USD so với chỉ sử dụng than chì cho pin ô tô điện 100 kWh (kilowatt giờ).

Vincent Pluvinage cho biết điều này có thể giảm 20% trọng lượng pin ô tô điện trong cùng một phạm vi. General Motors (Mỹ) là nhà đầu tư và khách hàng của OneD Battery Sciences.

OneD Battery Sciences đã phát triển một quy trình sản xuất trên máy móc tương đối rẻ tiền được sử dụng trong ngành công nghiệp pin mặt trời, vì Vincent Pluvinage cho biết những nhà sản xuất ô tô không thích các quy trình mới phức tạp và tốn kém. Nhà máy thử nghiệm đầu tiên của OneD Battery Sciences sẽ khai trương vào đầu năm 2024.

Veekim (Đức) đã phát triển một động cơ ô tô điện có nam châm sử dụng dạng ferit (hoặc bột sắt) thay vì đất hiếm, mà 5 nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp đang thử nghiệm cho các dự án ô tô điện giá cả phải chăng.

Các nhà sản xuất ô tô truyền thống muốn cắt giảm việc sử dụng đất hiếm vì Trung Quốc thống trị hoạt động khai thác và chế biến.

Peter Siegle, Giám đốc điều hành Veekim, nói việc sử dụng nam châm ferit giá rẻ và các quy trình chi phí thấp, gồm cả dây đồng được in 3D, có thể giảm giá động cơ ô tô điện điều khiển được khoảng 20%. Giá của động cơ có thể lên đến hơn 500 euro.

noi-lo-o-to-dien-trung-quoc-gia-re-khien-cac-hang-phuong-tay-chay-dua-san-xuat-xe-gia-phai-chang.jpg
Bernadett Vejkey, Giám đốc tiếp thị tại Addionics, giơ một tấm vật liệu pin điện cực bằng đồng và nhôm có kết cấu rỗng, 3D mà công ty phát triển cho pin ô tô điện - Ảnh: Reuters

"Tất cả đều nói về chi phí"

Không chỉ các công ty khởi nghiệp đang tìm cách giảm chi phí ô tô điện.

Allan McAuslin, Giám đốc bộ phận kiểm soát phương tiện và điện khí hóa của nhà sản xuất chip NXP (Hà Lan), cho biết công ty đang hợp tác với các hãng ô tô để giảm số lượng bộ điều khiển điện tử (hoặc máy tính mini) trong xe điện, có thể số lượng từ 200 đến 300.

Siemens (Đức) đã phát triển phần mềm mô phỏng được gọi là bản sao kỹ thuật số để giảm một nửa thời gian phát triển ô tô điện đắt tiền.

Những nhà sản xuất ô tô châu Âu đang phản ứng trước sự xuất hiện của xe điện giá rẻ từ Trung Quốc, nơi các công ty đang lên kế hoạch cho những mẫu xe thậm chí còn rẻ hơn. Chẳng hạn, chiếc hatchback Dolphin của BYD (Trung Quốc) có giá khởi điểm ở Anh là 26.000 bảng Anh (33.000 USD), thấp hơn gần 30% so với giá khởi điểm của chiếc hatchback VW ID.3.

Hatchback là một biến thể của sedan hoặc coupe với kích thước khiêm tốn nhưng khoang hành lý lớn kèm một cửa phía sau mở ngược lên trên giúp sắp xếp đồ dễ dàng hơn. Trong tiếng Anh, hatch nghĩa là cửa sập, còn back nghĩa là phía sau. Thông thường một chiếc hatchback chỉ có 2 khoang, 1 khoang động cơ và 1 khoang hành khách cùng 3 trụ chính và gầm thấp dưới 200 mm như sedan.

Các nhà sản xuất ô tô Mỹ, phần nào được bảo vệ khỏi việc nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc nhờ các khoản trợ cấp trong Đạo luật Giảm lạm phát, cũng đang tìm kiếm những chiếc xe điện có giá cả phải chăng hơn.

General Motors cho biết đã tiết kiệm được hàng tỉ USD một phần bằng cách phát triển bộ pin rẻ tiền hơn với pin LFP cho chiếc ô tô điện Bolt cải tiến, sẽ ra mắt vào năm 2025, sớm hơn hai năm so với kế hoạch.

Ford (Mỹ) cắt giảm một phần chi phí thông qua việc tăng 50% nguồn cung ứng các bộ phận như pin và bộ biến tần.

Các nhà sản xuất ô tô cao cấp cũng muốn giảm chi phí cho xe điện.

Our Next Energy (Mỹ) đang phát triển bộ pin Ares với công nghệ LFP rẻ hơn nhằm cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô phạm vi lái xe điện tương tự với mức giá chỉ bằng một nửa và gói Gemini dành cho khách hàng, gồm cả BMW, cung cấp phạm vi mở rộng và sẽ có giá 75 USD/kWh so với mức trung bình hiện nay là 130 USD/kWh. Mujeeb Ijaz, Giám đốc điều hành Our Next Energy, vừa cho biết thông tin này.

Các nhà cung cấp cho biết những nhà sản xuất ô tô đặc biệt thích những bộ phận rẻ tiền hơn, giúp giảm chi phí sản xuất.

CelLink (Mỹ) đã phát triển một tấm laminate để thay thế bộ dây điện (vốn chế tạo và lắp đặt tốn nhiều công sức) có thể được lắp đặt bởi robot.

CelLink đã huy động được 250 triệu USD từ các nhà đầu tư vào năm ngoái và hồi tháng 5 đã công bố khoản vay 362 triệu USD từ chính phủ Mỹ cho nhà máy ở bang Texas.

Kevin Coakley, Giám đốc điều hành CelLink, nói kể từ khi mở nhà máy này, hãng đã nhận được một số đơn đặt hàng từ mọi nhà sản xuất ô tô lớn từng đến đó.

Công ty khởi nghiệp Addionics (Israel) đã phát triển vật liệu pin điện cực bằng đồng và nhôm có kết cấu rỗng, 3D giống như chiếc khăn lụa khi được giữ lên ánh sáng và sử dụng ít vật liệu hơn đáng kể, trong đó dùng ít đồng hơn 60%.

Moshiel Biton, Giám đốc điều hành Addionics, cho biết những điện cực này giúp sạc nhanh hơn và tăng phạm vi chạy ô tô điện thêm 30%. Thế nhưng, các nhà sản xuất ô tô quan tâm nhiều hơn đến mức tiết kiệm dự kiến lên tới 7,5 USD/kWh.

Moshiel Biton nói: “Những gì chúng tôi nghe được từ các nhà sản xuất ô tô ngày nay là: Không cần quãng đường dài hơn, muốn chi phí thấp hơn”.

Bài liên quan
Hãng ô tô điện cao cấp hàng đầu Trung Quốc: AI, robot thay thế 30% lực lượng lao động vào 2027
Nio, một trong ba nhà sản xuất ô tô điện cao cấp hàng đầu Trung Quốc, đặt mục tiêu giảm 1/3 lực lượng lao động vào năm 2027 khi thay thế họ bằng AI và robot.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo ô tô điện Trung Quốc giá rẻ khiến các hãng phương Tây chạy đua sản xuất xe giá phải chăng