Họ vẫn đêm ngày dãi nắng, dầm mưa vất vả bán từng tờ vé số lẻ, ngồi cả ngày chỉ để chờ một cuốc xe ôm để có tiền đổi gạo sống lây lất qua ngày.

Nỗi lo của những phận đời mưu sinh giữa mùa dịch

Kim Cương | 22/06/2021, 14:34

Họ vẫn đêm ngày dãi nắng, dầm mưa vất vả bán từng tờ vé số lẻ, ngồi cả ngày chỉ để chờ một cuốc xe ôm để có tiền đổi gạo sống lây lất qua ngày.

“Ôm” vé số ế mỗi ngày

Đến thời điểm này, Cần Thơ chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào ngoài cộng đồng, nhưng chính quyền đã siết chặt kiểm soát và nâng cao mức độ phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL. Thế nên đường phố Cần Thơ đã không còn những dòng người xe tấp nập. Thay vào đó là khung cảnh vắng hơn trước, các quán ăn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh đa phần đều đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Không chỉ những cơ sở kinh doanh làm ăn lớn, mà cả những người lao động nghèo cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến cuộc sống mưu sinh của họ vốn đã khó nay càng khó khăn hơn.

a1.jpg
Trong những ngày này, đường phố Cần Thơ vắng hơn, tuy sắp đến giờ xổ nhưng trên tay cụ vẫn còn 2 cọc vé số - Ảnh: Kim Cương

Rảo quanh tuyến đường Quang Trung (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), chúng tôi bắt gặp hình ảnh cụ bà ngồi bên vệ đường cùng chiếc xe lăn, liên tục vẫy tay mời khách mua vé số. Lúc này đã 16 giờ, sắp đến giờ mở thưởng xổ số nhưng trên tay bà vẫn còn cầm 2 cọc vé số khá dày chưa bán hết. Những dòng người xe lưa thưa cứ chầm chậm lướt qua. Bà đưa ánh mắt buồn rười rượi, nói như mếu: “Chắc chiều nay phải “ôm” vé số nữa, cháu ơi”. Đó là bà Châu Thị Giàu năm nay đã 67 tuổi nhưng vẫn ngày ngày bán vé số kiến thiết dạo để mưu sinh, kiếm từng đồng lời còm cõi giữa đại dịch COVID-19 đang tiếp tục hoành hành.

Theo lời bà lão, chồng mất, người con gái đi làm thuê tại một công ty nhỏ ở tỉnh An Giang để lại 2 đứa cháu gái cho bà nuôi. “Con gái tôi cũng phải đi làm xa để kiếm tiền, thường thì tầm 2-3 ngày sẽ về một lần. Nhưng dạo này dịch bệnh khó khăn nên nó cũng hạn chế về. Bây giờ tôi ở đây với 2 đứa cháu, buổi sáng 2 đứa nó đi học còn tôi đẩy xe đi bán vé số, tới chiều tối bà cháu về nhà hủ hỉ với nhau”, bà Giàu bộc bạch.

Nói đoạn, bà lão lại mếu máo khi cuộc sống bình thường vốn dĩ đã khó khăn, lại thêm dịch bệnh nên lâm vào khốn đốn. “Trước đây tôi bán mỗi ngày được 200 tờ vé số, bỏ hết chi phí ăn uồng cũng kiếm được 150.000 đồng. Còn bây giờ, ngày chỉ bán được 100 tờ, giảm phân nửa, mà nhiều bữa bán ế phải “ôm”, coi như mất hết tiền lời ngày hôm đó, có khi lỗ vốn”, bà lão nói.

Cùng công việc mưu sinh nhưng đối với bà Nguyễn Thị Ánh (70 tuổi) là một hoàn cảnh khác. Bốn người con đều lập gia đình riêng và vì cuộc sống mưu sinh, họ phải bôn ba lên tận TP.HCM đi làm thuê, mỗi người một công việc. Nhắc về gia đình, ánh mắt bà Ánh lại rưng rưng: “Mấy đứa con tôi phải đi làm xa, mà bây giờ dịch bệnh nhiều quá nên bị cấm đi lại, lâu rồi tụi nó không về được”.

a2.jpg
Hàng ngày bà Ánh phải chạy đua với thời gian để bán từng tờ vé số- Ảnh: Kim Cương

Trong căn nhà nhỏ ở KV.5, P.Hưng Phú, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ, hàng ngày bà Ánh sống với người cháu trai 20 tuổi. Trước khi có dịch bệnh xảy ra, cháu của bà đi phụ hồ kiếm tiền phụ giúp gia đình, nhưng hiện tại thì đang thất nghiệp. Tiền chi tiêu của 2 bà cháu giờ đây phụ thuộc vào thu nhập từ việc bán vé số của bà. “Lúc trước bán về còn dư hơn 100.000 đồng mỗi ngày, nhưng giờ bán được có 80 vé thôi nên tiền lời chỉ đủ mua cá với gạo còn dư được 20.000-30.000 đồng hôm sau bỏ theo túi để làm tiền thối cho người ta”, bà Ánh tâm sự.

Không có khách đi xe, vẫn ngồi chờ

Không chỉ những người bán vé số chật vật mưu sinh mà những người chạy xe ôm truyền thống cũng phải vất vả chống chọi qua ngày. Tại Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ, mỗi ngày vẫn có hàng chục người hành nghề xe ôm ngồi chờ khách. Nhưng dường như vô vọng khi tâm lý của mọi người đều sợ đi lại với người lạ, đặc biệt là những người thường xuyên phải tiếp xúc nhiều như những “bác tài” này.

Hết ngồi rồi nằm vật ra yên chiếc xe máy cũ, ông Lê Hùng Dũng (70 tuổi, ngụ tại KV.4, P.Hưng Phú, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) ngao ngán, khi từ sáng đến chiều vẫn chưa có được lượt khách nào. Theo ông, đợt bùng phát dịch này là giai đoạn khó khăn nhất của những người nghèo khó mưu sinh. Nếu như trước đây bệnh viện là nơi các tài xế xe ôm dễ dàng đón khách thì bây giờ không còn được vậy, bệnh nhân và người nhà chủ yếu đi xe riêng vì lo sợ nguy cơ lây bệnh. “Dù không có khách đi xe nhưng ngày nào tôi cũng ngồi chờ”, “lái xe” 70 tuổi trải lòng.

Ông Dũng cho biết, ông có vợ và 1 người con trai. Vợ ông đã lớn tuổi nên cũng chỉ có thể đi lại trong nhà, nấu cơm, giặc giũ, còn người con trai đang làm bảo vệ trong một bệnh viện. Do cuộc sống khó khăn nên con ông cũng chỉ có thể phụ cho cha mẹ mỗi tháng 1 triệu đồng. Vì vậy, bao nhiêu gánh nặng phải đổ lên vai của người đàn ông lớn tuổi này. Ông Dũng tâm sự: “Gia đình tôi trước giờ cũng khó khăn nhưng lúc chưa có dịch bệnh còn đỡ khổ, bây giờ mỗi ngày thu nhập chưa tới 100.000 đồng, có nhiều khi ngồi chờ cả ngày mà không có 1 người khách. Cứ đà này đến cuối tháng còn không đủ đóng tiền ngân hàng nữa”.

a3.jpg
Ông Dũng ngao ngán khi từ sáng tới trưa vẫn không có lượt khách nào - Ảnh: Kim Cương

Chờ từ lúc 5 giờ sáng, đến gần chiều ông Lê Văn Phúc (53 tuổi, P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cũng chỉ đón được 1 lượt khách đi xe nhưng quãng đường lại khá gần, chỉ kiếm được 15.000 đồng. Ông Phúc kể, trước đây, chịu khó “cày” ngày, “cày” đêm” thì mỗi ngày cũng kiếm được 100.000-200.000 đồng. Nhưng từ khi có dịch bệnh bùng phát trở lại thì ngày nào chạy được nhiều nhất cũng chưa tới 100.000 đồng. Có ngày ông ngồi từ sáng đến chiều mà không có khách, không kiếm được đồng nào.

“Dù không có khách đi xe, tôi vẫn ngồi chờ mỗi ngày, bởi cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập chính từ chiếc xe ôm cà tàng này thôi”, ông Phúc nói trước khi chia tay chúng tôi, rồi trùm chiếc áo mưa vào người để chạy về nhà, sau 1 ngày chờ đón khách trong vô vọng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nỗi lo của những phận đời mưu sinh giữa mùa dịch