Chỉ sau một tuần kể từ khi ứng dụng Threads ra mắt, đã xuất hiện danh sách dài các tùy chọn về số lượt theo dõi (follow) mà bạn có thể mua.

Nở rộ việc rao bán số lượt follow trên Threads

Sơn Vân | 14/07/2023, 23:45

Chỉ sau một tuần kể từ khi ứng dụng Threads ra mắt, đã xuất hiện danh sách dài các tùy chọn về số lượt theo dõi (follow) mà bạn có thể mua.

Từ gói giá 7,5 USD để mua 100 lượt theo dõi, 1.900 USD cho 50.000 lượt theo dõi trên Threads, các dịch vụ tương tác trả phí và trang trại bot đang nắm bắt cơ hội mới này, theo trang Insider.

Trang trại bot là những tổ chức hoặc hệ thống mà sử dụng các bot (chương trình máy tính tự động) để thực hiện các hoạt động trên mạng xã hội.

Instagram từ lâu đã chiến đấu chống lại các bot và tương tác giả mạo trên ứng dụng. Nền tảng này đã xóa bỏ người theo dõi và lượt thích giả trong nhiều năm qua. Thậm chí Instagram có một phần về hành vi này trong trang cộng đồng của mình.

"Hãy giúp chúng tôi giữ cho Instagram không bị spam bằng cách không thu thập lượt thích, người theo dõi hoặc lượt chia sẻ một cách giả tạo, không đăng nội dung hoặc nhận xét lặp đi lặp lại hoặc liên tục gửi tin nhắn cho người khác vì mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của họ", trang nguyên tắc cộng đồng Instagram viết.

Theo nền tảng tiếp thị có ảnh hưởng HypeAuditor, trung bình khoảng 13,8% lượt theo dõi tài khoản Instagram của những người có ảnh hưởng bị phân loại là tài khoản "đáng ngờ". HypeAuditor định nghĩa các tài khoản "đáng ngờ" là bất kỳ trang Instagram nào có vẻ là bot hoặc "sử dụng các dịch vụ cụ thể để tự thích, bình luận và theo dõi", HypeAuditor nói với Insider.

Số lượng người theo dõi mang đến một số ý nghĩa, đặc biệt là khi người có ảnh hưởng đàm phán các thỏa thuận với các thương hiệu. Thế nhưng, hiện vẫn chưa rõ về mức độ quan trọng của số người theo dõi trên Threads.

Đầu tiên, số người theo dõi trên Threads không được hiển thị một cách nổi bật như Instagram hoặc Twitter. Số lượng người theo dõi Threads nằm ở cuối trang giới thiệu và xuất hiện mờ nhạt khi xếp chồng với các nút và văn bản sống động khác. Khi nói đến thuật toán, sự xếp hạng trên Threads phụ thuộc nhiều hơn vào nội dung mà ai đó tương tác.

"Chúng tôi xếp hạng các bài đăng một cách nhẹ nhàng (không đặt quá nhiều trọng số vào số người theo dõi) và hiển thị các đề xuất (bài đăng từ các tài khoản bạn không theo dõi) trong nguồn cấp dữ liệu, điều này đặc biệt quan trọng với một ứng dụng mới trước khi người dùng theo dõi đủ tài khoản", Adam Mosseri, Giám đốc điều hành Instagram, viết trong một câu trả lời Threads gần đây.

Việc mua lượng lớn người theo dõi rác trên Threads có thể không giúp tài khoản phát triển hoặc đạt được thành công như nhà sáng tạo.

Meta Platforms không đưa ra phản hồi khi được đề nghị bình luận về chủ đề này.

rao-ban-so-luot-follow-tren-threads.jpg
Việc mua lượng lớn người theo dõi rác trên Threads có thể không giúp tài khoản phát triển - Ảnh: Internet

Threads đang trên đà phát triển rất nhanh với hơn 10 triệu người dùng trong 7 giờ đầu tiên và hơn 100 triệu người dùng sau 5 ngày, vượt qua ChatGPT để trở thành dịch vụ internet phát triển nhanh nhất lịch sử. ChatGPT cần 2 tháng để đạt mốc 100 triệu người dùng kể sau khi được OpenAI trình làng cuối tháng 11.2022.

"Đó chủ yếu là nhu cầu tự nhiên. Chúng tôi chưa kích hoạt nhiều chương trình quảng cáo", Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, cho biết trong một bài đăng trên Threads về cột mốc quan trọng này.

Lập kỷ lục về tốc độ tăng trưởng người dùng với sự tham gia của những người nổi tiếng, chính trị gia và hãng tin, Threads được coi là mối đe dọa thực sự đầu tiên cho Twitter.

Giống như các đối thủ tiềm năng khác, Threads có nhiều điểm giống Twitter, cho phép các bài đăng dài tối đa 500 ký tự, hỗ trợ chia sẻ liên kết, ảnh và video dài tối đa 5 phút.

Threads chưa có chức năng nhắn tin trực tiếp như Twitter và thiếu phiên bản dành cho PC. Ngoài ra, Threads cũng thiếu hashtag và chức năng tìm kiếm từ khóa, làm hạn chế sức hấp dẫn với các nhà quảng cáo và khả năng sử dụng nó như nơi theo dõi các sự kiện diễn ra trong thời gian thực như người dùng thường làm trên Twitter.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết tình trạng hỗn loạn tại Twitter, gồm cả việc giới hạn số lượng tweet được xem mỗi ngày, có thể giúp Threads thu hút thêm người dùng.

Hiện tại, không có quảng cáo nào trên Threads và Mark Zuckerberg  cho biết công ty sẽ chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền khi có lộ trình rõ ràng để đạt được 1 tỉ người dùng.

"Threads dễ gây nhàm chán"

Theo Nathan McAlone - biên tập viên trang Insider, Threads có một khiếm khuyết lớn sẽ khiến nó bị đánh giá thấp: Dễ gây nhàm chán.

Bạn có thể biết Threads sẽ nhàm chán như thế nào qua cách Meta Platforms mô tả tầm nhìn của nó: “Mang những điều tốt nhất mà Instagram có và mở rộng thành văn bản, tạo ra không gian tích cực và sáng tạo để thể hiện ý tưởng của bạn”.

Một câu hỏi dành cho Meta Platforms: Instagram làm tốt những gì? Nền tảng này dường như đang suy giảm sức mạnh kể từ khi TikTok nổi lên và không còn truyền cảm hứng cho người dùng hàng ngày cũng như những người có ảnh hưởng trong thời gian dài.

Nathan McAlone nhận định: “Tôi nghĩ về những gì Instagram vẫn làm tốt nhất là mang đến cho người sáng tạo và người nổi tiếng cơ hội để kiếm tiền từ nội dung được tài trợ. Đó không phải là điểm khởi đầu tuyệt vời cho Threads”.

Rõ ràng Meta Platforms muốn Threads giống Twitter, nhưng tích cực hơn và thân thiện với nhà quảng cáo hơn – một nơi tốt để mọi người kiếm tiền.

Adam Mosseri cho biết Threads không cố gắng thay thế Twitter mà tập trung vào các chủ đề nhẹ nhàng như thể thao, âm nhạc, thời trang, thiết kế. Ông thừa nhận rằng chính trị và hard news chắc chắn sẽ xuất hiện trên Threads, song công ty sẽ không làm "bất cứ điều gì để khuyến khích những lĩnh vực đó”.

Nathan McAlone hiểu tại sao Meta Platforms lại sợ chính trị, xét đến sự phân cực ở Mỹ và chủ đề này đã ảnh hưởng xấu đến Facebook như thế nào. Thế nhưng, bình luận từ Adam Mosseri cho thấy chiến lược của công ty không chỉ là tránh xa sự phẫn nộ chính trị mà còn hơn thế.

Hard news có thể khó định nghĩa, nhưng thông thường là loại tin tức mang tính chất nghiêm túc và trung thực, tập trung vào việc báo cáo các sự kiện quan trọng, đáng chú ý và có ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội. Hard news có xu hướng nghiêng về "tiêu cực" và thường không thân thiện với nhà quảng cáo. Đó là một phần lý do khiến các nhà quảng cáo đưa các chủ đề hard news như khủng hoảng khí hậu và cuộc chiến Nga - Ukraine vào danh sách chặn.

Nathan McAlone nhận xét: “Tôi hiểu mong muốn tạo ra một môi trường ít chứa đựng sự quấy rối và thù ghét hơn so với Twitter. Thế nhưng, ý tưởng làm điều đó bằng cách tránh các chủ đề được coi là tiêu cực dường như là công thức tạo ra một bữa tiệc rất nhàm chán. Bao nhiêu cuộc trò chuyện thú vị nhất mà bạn từng có lại thân thiện với nhà quảng cáo?

Nó làm tôi nhớ đến một câu nói của Đặc vụ Smith trong bộ phim Ma trận. ‘Bạn có biết rằng ma trận đầu tiên được thiết kế để trở thành một thế giới hoàn hảo của con người?’, anh ấy nói, đề cập đến thế giới ảo mà các cỗ máy trong phim sử dụng để giữ cho tâm trí con người hoạt động trong khi thu năng lượng từ cơ thể họ. Nơi không ai phải chịu đựng, nơi mọi người sẽ hạnh phúc, đó là một thảm họa. Con người không tin điều đó bởi nó không mang đến cảm giác thật”.

Chưa hết, Nathan McAlone tin rằng Threads, nền tảng trò chuyện được thiết kế với tư duy tích cực, sẽ tạo ra cảm giác giống như một thế giới được làm sạch và không thành công trong việc thu hút người dùng về lâu dài. Instagram không tạo ra điểm khác lạ vì đây là thiên đường thân thiện với thương hiệu, nơi người dùng lựa chọn cách muốn thể hiện cuộc sống của mình với người khác. Thế còn Threads sẽ mang đến điều gì mới lạ?

Theo Nathan McAlone, dù phát triển mạnh mẽ ban đầu, Threads giống Instagram cuối cùng có thể sẽ tốt hơn cho thương hiệu hơn là người dùng cá nhân.​

Bài liên quan
Meta mất 1/3 số nhà nghiên cứu AI vào 2022, Mark Zuckerberg lạc quan nói về sự đột phá
Khi lãnh đạo Meta Platforms, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg từng đầu tư rất nhiều vào sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng gã khổng lồ công nghệ này đang tụt lại so với các đối thủ sau khi sa thải nhân viên và các nhà nghiên cứu rời công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nở rộ việc rao bán số lượt follow trên Threads