Ngày 29 Tết, khi nhà nhà đoàn viên, có một bệnh nhân được xuất viện trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình, các y bác sĩ.

Niềm vui vỡ òa của bệnh nhân COVID-19 xuất viện trước giao thừa

Phong Phạm | 31/01/2022, 18:54

Ngày 29 Tết, khi nhà nhà đoàn viên, có một bệnh nhân được xuất viện trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình, các y bác sĩ.

Đó là bệnh nhân P.M.T. (SN 1968, ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ), được xuất viện sau gần 2 tháng nằm tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Trong 2 tháng qua, ông M. không ít lần đối diện với tử thần, nhưng các bác sĩ đã chắt chiu từng cơ hội, giành giật từng khoảnh khắc với hy vọng cứu sống bệnh nhân đặc biệt nguy kịch, tưởng chừng như không thể qua khỏi.

benh-nhan-on-dinh-chuan-bi-ra-vien.jpg
Bác sĩ khám lại cho bệnh nhân trước khi xuất viện - Ảnh: Phong Phạm

Niềm vui trước thời khắc giao thừa

Ông M. là bệnh nhân mắc COVID-19 được tuyến trước chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực Quốc gia điều trị COVID-19 vào lúc 23 giờ 29 ngày 4.12.2021 trong tình trạng suy hô hấp nặng do tổn thương phổi lan tỏa hai bên. Ông còn có các bệnh lý nền là đái tháo đường týp 2 kiểm soát kém và tăng huyết áp có điều trị không liên tục.

Ngay từ ban đầu tiếp nhận, các bác sĩ điều trị nhận định đây là trường hợp bệnh nhân có nguy cơ chuyển độ nặng hơn, thậm chí có nguy cơ tử vong. Vì vậy, các bác sĩ đã hội chẩn với lãnh đạo trung tâm định hướng điều trị.

Sau đó, bệnh nhân được lên kế hoạch theo dõi chặt chẽ, xử trí bằng các biện pháp như thở máy oxy lưu lượng cao, lọc máu sử dụng quả lọc hấp phụ Cytokins, thuốc kháng virus và các phác đồ điều trị nội khoa tích cực khác.

Tuy nhiên, mức độ khó thở của bệnh nhân ngày càng nặng nề hơn, bắt buộc phải đặt nội khí quản và gắn máy trợ thở thông số cao mới có thể đảm bảo tính mạng của bệnh nhân.

Trước tình hình nguy kịch của bệnh nhân, các bác sĩ điều trị của trung tâm đã tiến hành hội chẩn thống nhất chẩn đoán: nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch; viêm phổi biến chứng ARDS mức độ nặng, bão Cytokine, đái tháo đường týp 2, tăng huyết áp thất bại với điều trị hiện tại.

Ngay sau đó, ê-kíp ECMO (oxy hoá máu bằng màng ngoài cơ thể) của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc lập tức được điều động để can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân.

Trong quá trình thực hiện ECMO ngày đêm cho bệnh nhân, các y bác sĩ phải luôn túc trực 24/24 và lên kế hoạch theo dõi cụ thể từng giờ các dấu hiệu sinh tồn, các kết quả xét nghiệm để thực hiện các điều chỉnh thích hợp nhằm đảm bảo kĩ thuật ECMO được tiến hành thuận lợi và chính xác nhất có thể.

1(1).jpg
Ê-kip thực hiện kỹ thuật ECMO vui mừng khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch - Ảnh: Phong Phạm

Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể phải đánh đổi bằng mạng sống của bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng phải được can thiệp lọc máu liên tục nhiều đợt, kháng sinh phổ rộng, thuốc an thần liều cao kết hợp với các phương pháp điều trị nội khoa tích cực khác theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế.

Đáp lại những nỗ lực không ngừng của y bác sĩ điều trị thì đến ngày thứ 25 của can thiệp ECMO (ngày 2.1.2022), bệnh nhân đã có thể mở mắt, gọi biết, cai được hệ thống ECMO. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn tổn thương phổi nặng vẫn cần phải thở máy và điều trị nội khoa tích cực.

Ngày 5.1.2022, sau gần 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm Realtime PCR SARS-CoV-2 âm tính, nhưng vẫn phải thở máy và điều trị nhiều thuốc kháng sinh phối hợp nên đã được tiếp tục chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để tiếp tục điều trị.

Trong quá trình điều trị hậu COVID-19, bệnh nhân vẫn phải thở máy, tổng trạng suy kiệt, phổi còn tổn thương và nhiều hình ảnh xơ hóa. Bệnh nhân sốt cao liên tục phải sử dụng nhiều kháng sinh phối hợp, dinh dưỡng tích cực và phải mở khí quản để đảm bảo an toàn đường hô hấp cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, qua bao nỗ lực của nhân viên y tế thì tin vui mừng đã đến, tổng trạng bệnh nhân khá dần, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sức cơ hồi phục và bệnh nhân đã có thể tự thở qua mở khí quản mà không cần đến máy trợ thở.

Ngày 20.1.2022, bệnh nhân ổn định, được chuyển Khoa Nội Hô hấp theo dõi và điều trị. Lần đầu tiên, ông M. được đón nhận sự chăm sóc của người thân, được nắm bàn tay gầy gò sau những ngày dài cùng nhân viên y tế đấu tranh với bệnh tật.

Với quyết tâm, tinh thần không bỏ cuộc của ê-kíp điều trị và sự cố gắng của bệnh nhân, ngày 31.1.2022 (nhằm ngày 29 Tết), sau gần 2 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân đã được xuất viện về với gia đình với tình trạng sức khỏe ổn định, thở đều, phổi thông khí tốt, tinh thần vui vẻ, phấn khởi.

Chia tay, ông bùi ngùi tỏ lòng biết ơn chân thành đối với đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Nỗ lực “quên” cả những ngày Tết

BS.CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện, phụ trách chuyên môn Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương Cần Thơ cho biết: “Đồng hành cùng bệnh nhân trong một giai đoạn sinh tử, thực sự mỗi bệnh nhân là một bài học lớn.

Mỗi sự thay đổi dù nhỏ trên bệnh nhân cũng được đánh giá chặt chẽ, chúng tôi liên tục hội chẩn các chuyên khoa, mục tiêu là phải đánh giá đúng, chính xác trong từng giai đoạn của người bệnh để kịp thời lựa chọn phương pháp xử trí tốt nhất cho bệnh nhân.

Điều trị một bệnh nhân nặng, nguy kịch đòi hòi sự bình tĩnh, vững chuyên môn, dựa trên y học chứng cứ, trang thiết bị hiện đại và đặc biệt lòng quyết tâm đến cùng của đội ngũ y bác sĩ. Sự hồi phục của bệnh nhân là niềm vui rất lớn của toàn thể ê-kíp điều trị, chăm sóc. Mỗi dấu hiệu cải thiện của người bệnh là niềm phấn khởi trong tiến trình cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân viên y tế”.

cac-bac-si-cham-soc-benh-nhan-ecmo-.jpg
Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật ECMO cho bệnh nhân - Ảnh: Phong Phạm

BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, cũng giống như bệnh nhân trên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở ĐBSCL, đã có hàng trăm ca COVID-19 nguy kịch từ các tỉnh, thành trong khu vực chuyển về được các bác sĩ của bệnh viện nỗ lực cứu sống.

Tính đến nay đã có 12 ca được điều trị bằng kỹ thuật ECMO, trong đó, phần lớn là những trường hợp sản khoa rất nặng. Trước đó, kỹ thuật ECMO - tuần hoàn ngoài cơ thể hay ô xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể vốn mới thực hiện ở các trung tâm y tế lớn của cả nước thì nay đã trở thành một kỹ thuật thường quy ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Ngay những ngày Tết này, bệnh viện vẫn đang cùng lúc điều trị bằng kỹ thuật ECMO cho 3 bệnh nhân, trong đó có 2 ca sản khoa nặng.

“Một năm đầy giông bão sắp qua đi, vài giờ nữa một năm mới sẽ đến mang theo bao hy vọng về sự hồi sinh. Chúng tôi tin rằng, khi vượt qua khó khăn, nghịch cảnh nhất cũng là lúc sức mạnh của mỗi người được phát huy nhất. Mỗi người, mỗi gia đình sẽ lại tiếp tục vươn lên với tình yêu thương và chia sẻ.

Riêng ở bệnh viện, cuộc chiến với COVID-19 là một thử thách chưa từng có, nhưng chắc chắn những thử thách ấy đã giúp cho nội lực của đội ngũ y bác sĩ vững vàng và hoàn thiện hơn. Trên hết là giúp cho công tác điều trị cho người dân trong khu vực ĐBSCL ngày một tốt hơn”, BS Phong bày tỏ.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm vui vỡ òa của bệnh nhân COVID-19 xuất viện trước giao thừa