Mấy ngày vừa qua, khi có ý kiến của bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề xuất cấm hát karaoke bằng loa gây tiếng ồn, dư luận được một phen bàn tán sôi nổi. Người đồng tình, người phản đối. Nhưng dù sao thì sự phản ứng của xã hội đã cho thấy từ lâu, cái loa kẹo kéo đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Niềm vui người này, nỗi buồn kẻ khác

28/07/2020, 10:33

Mấy ngày vừa qua, khi có ý kiến của bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đề xuất cấm hát karaoke bằng loa gây tiếng ồn, dư luận được một phen bàn tán sôi nổi. Người đồng tình, người phản đối. Nhưng dù sao thì sự phản ứng của xã hội đã cho thấy từ lâu, cái loa kẹo kéo đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Thích ca hát nên đến sân khấu, phòng karaoke... để đừng ảnh hưởng tới cộng đồng - Ảnh: Minh Trung

Qua rồi thời “đói” âm thanh

Tôi còn nhớ trước đây, vào khoảng cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà nào ở miền Tây Nam Bộ mà sắm được cái máy cát sét (còn gọi là máy thu băng) là coi như quý hơn vàng. Cứ chiều chiều, các ông bà trong xóm thường tụ họp lại, pha mấy bình trà nóng, vừa uống vừa nghe Chế Linh, Duy Khánh, Thanh Tuyền hát nhạc trữ tình. Những ai không tới nhà gia chủ nghe được cũng không sao, vì gia chủ thường mở nhạc rất lớn, đầu xóm cuối xóm nhiều khi còn nghe. Những buổi tối muộn, thỉnh thoảng người ta bắt mấy băng cải lương, giọng Minh Cảnh, Mỹ Châu, Lệ Thủy thắm thiết dặt dìu trong đêm thanh vắng, gợi bao nỗi niềm trắc ẩn cho những mảnh hồn quê.

Sáng sớm, các nhà này thường bắt băng sấm giảng, cả xóm lại cùng thức giấc, thắp nhang lên bàn thờ gia tiên rồi chuẩn bị cho 1 ngày đồng áng. Cứ như thế, chiếc máy cát sét ở nhà nào không biết, nhưng cả xóm được nghe chung. Ai cũng hoan hỉ. Nhà nào có đám cưới đám hỏi thì phải mượn cho bằng được cái máy để mở nhạc Hùng Cường Mai Lệ Huyền sôi động. Đàng trai đàng gái qua, làm lễ xong thì phải mở nhạc lên mới chứng tỏ đám cưới ấy sành điệu tân thời.

Trước đây dân miền Tây toàn đưa rước dâu bằng ghe tàu chạy dọc các con sông. Cứ thế, hễ nghe tiếng nhạc vọng lên từ dưới sông là tụi con nít lại rủ nhau chạy ra coi đám cưới, coi cô dâu chú rể. Và cũng để nghe nhạc phát ra từ cát sét có thùng loa đặt trên mui tàu ghe. Những lúc đưa dâu về, khi các thanh niên đã ngà ngà say sau một trận “chiến đấu” với hai họ, thậm chí mấy anh còn leo lên mui ghe, nhún nhảy theo điệu nhạc. Đám con nít hai bờ sông cũng reo cười, rồi nhảy múa theo.

Có thể nói, khi ấy cái máy cát sét chính là món ăn tinh thần của bà con trong xóm. Chủ máy có khi bận công chuyện quên bắt đúng giờ là có người hàng xóm qua nhà nhắc liền. Bởi lẽ, ở những xóm làng heo hút, quanh năm suốt tháng bà con chỉ lầm lũi làm lụng mưu sinh, thì những thanh âm vọng lên từ cái máy tân tiến ấy đã khuấy động trong tâm hồn của người dân rất nhiều cảm xúc.

Có khi là những lắng đọng ngọt ngào cùng câu vọng cổ cải lương, có khi thổn thức cùng những điệu bolero dìu dặt, khi rộn rã hân hoan với những giai điệu rumba, chachacha sội động. Người ta nghe khi đi làm ruộng, khi giăng câu giăng lưới trên cánh đồng mùa nước nổi, khi sắp chìm vào giấc ngủ sau một ngày mệt nhọc. Nó là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người bình dân.

Sau này, khi máy cát sét đã trở nên phổ biến, nhiều nhà đã có thể sắm được, thì người ta không còn mở máy với âm thanh lớn như trước kia nữa. Nhiều nhà cũng tự trang bị cho mình chừng chục cuốn băng với những nội dung mình yêu thích. Có nhà chọn vọng cổ cải lương, có nhà chọn băng nhạc trữ tình, có nhà chỉ chuyên về sấm giảng. Người ta không còn nghe chung nữa mà bắt đầu nghe theo thị hiếu từng nhà. Có thể nói, lúc này người quê không còn “đói” âm thanh nữa. Trái lại, họ đã quá đủ đầy và có xu hướng chọn những “món ngon” để thưởng thức.

Dần dần, khi các máy cát sét dường như đã làm xong sứ mệnh của nó, nhường chỗ cho các đầu đĩa CD xuất hiện, người ta cũng không còn “phong trào” mở nhạc to cho cả xóm nghe như trước. Có chăng là các quán cà phê, buổi sáng họ thường bắt nhạc cho âm thanh bao trùm không gian quán, rồi bán cà phê cho mấy chú mấy bác tới uống. Đến khi khách vãn, chủ quán cũng vặn nhỏ âm thanh, ít để phiền lối xóm.

Đương đầu với cơn bão âm thanh

Nạn âm thanh công suất lớn gây ảnh hưởng đến cộng đồng bắt đầu nở rộ cách đây hơn chục năm. Khi đó, một vài đám cưới ở quê đã thuê dàn âm thanh khủng, với nhiều thùng loa cỡ bự, vừa phục vụ cho phần nghi lễ vừa để phục vụ cho nhu cầu hát hò của khách dự. Thường là đêm, người ta đã bắt đầu nhậu nhẹt hát hò cho đến tận khuya, có đám hát đến sáng hôm sau.

Ngày đãi chính cũng hát từ sáng đến xế chiều. Càng uống say thì thực khách càng hát dữ, thậm chí từ “hát” chuyển thành “hét”, từ các “nam nữ danh ca” trở thành các “nam nữ giành ca”. Những hộ gia đình nào ở gần đám cưới thì đương nhiên mất ăn mất ngủ trong suốt mấy ngày vui của hai họ. Đến nỗi, nhiều lúc hay tin nhà nào đó sắp có hỉ sự, thay vì vui mừng, nhiều người hàng xóm lại tỏ ra ngao ngán vì biết chắc rằng mình lại phải đương đầu với sự “tra tấn” bằng âm thanh mấy ngày liền!

Trước đây, người ta thường cảm thông vì cho rằng một đời người đám cưới có một lần, thôi thì cứ cam chịu để bà con hai họ được vui được hát hò thỏa thích. Nhưng rồi, không chỉ đám cưới người ta mới thuê âm thanh “khủng” về hát, kể cả đám hỏi, đám thôi nôi, đầy tháng, đám giỗ, đám tân gia..., đám nào người ta cũng đem âm thanh công suất lớn về “tra tấn” xóm giềng. Thậm chí hiện giờ, chỉ tiệc nhậu ngẫu nhiên dăm ba người cũng thuê dàn âm thanh về hát. Vài nhà còn sắm hẳn dàn karaoke, rồi ngày nào như ngày nấy, buồn cũng như vui, đều mở lên “đắp mộ cuộc tình” cho cả xóm cùng nghe.

Bà con chỉ còn biết cắn răng chịu đựng. Góp ý thì mất lòng nhau, sứt mẻ tình làng nghĩa xóm; không góp ý thì bực bội khó chịu. Cũng có những trường hợp vì góp ý chuyện hát hò của hàng xóm mà dẫn đến xung đột, rồi đâm chém nhau gây ra những điều thương tâm. Ai cũng nghĩ cái chuyện hát hò quá đỗi bình thường, nhưng thật ra tác động và hệ lụy của nó vô cùng to lớn.

Không còn chỗ cho những cuộc chuyện trò tâm sự

Thông thường, đám tiệc là dịp để những người thân quý cùng ngồi lại với nhau, cùng thăm hỏi nhau sau một thời gian dài không có dịp hội ngộ. Thế nhưng hiện nay, đi dự đám tiệc hầu như chúng ta không có cơ hội trò chuyện với nhau. Hoặc nếu có, thì chỉ là tranh thủ nói với nhau vài lời khi mới bắt đầu buổi tiệc, bởi lẽ chỉ dăm phút sau thôi, dàn âm thanh với những giọng ca “thượng vàng hạ cám” đủ loại sẽ át hết trên tinh thần “tiếng hát át tiếng nói”. Thế là, quan khách chung bàn phải ngồi đó chịu đựng, âm thầm... ăn uống.

Thỉnh thoảng họ chờ hát xong bài, mọi người tranh thủ quãng thời gian trống ngắn ngủi để nói vội với nhau vài ba câu. Rồi lại phải im lặng, nhìn nhau, ăn và uống giữa một rừng thanh âm chát chúa. Nếu cố nói chuyện với nhau, phải hét lên thật lớn mới nghe được; trò chuyện tâm sự mà cứ như là đang cãi nhau, chửi nhau vì lớn tiếng quá. Bởi vậy nhiều người bây giờ đi dự đám tiệc chỉ ngồi chiếu lệ cho đẹp lòng với gia chủ, sau đó tìm cách rút lui hoặc đi “tăng 2” tìm một góc yên tĩnh nào đó có thể ngồi uống cà phê và chuyện trò với những bạn bè mình quý mến.

Ngồi các quán ăn, quán nhậu bây giờ cũng không hẳn được yên. Cứ chốc chốc lại có một thùng loa di động kéo tới, đặt ngay trước quán quay vào đám thực khách. Rồi các anh chị tự mệnh danh là “nghệ sĩ hát rong” bắt đầu mở nhạc nền từ chiếc điện thoại có kết nối với loa, hát say sưa bất chấp thái độ của những người trong quán như thế nào. Nhiều khi đi ăn với một nhóm bạn mà suốt buổi nói chuyện với nhau chẳng được mấy câu, bởi vừa nói một chút thì có 1 thùng loa kéo lại hát. Thùng loa ấy vừa kéo đi thì thùng loa khác đến thế chỗ.

Có khi các “nghệ sĩ hát rong” hét xong, tưởng chừng như được “giải thoát” khỏi mớ âm thanh ồn ã kia rồi, thì một bàn nào đó trong quán lại bắt đầu hát. Không phải một người hát, mà một nhóm người, hết người này đến người kia chuyền nhau hát. Cả quán phải trở thành khán thính giả bất đắc dĩ cho những giọng ca nhừa nhựa cơn say. Nghe họ hát xong thì chuyện ăn uống cũng hết hứng thú.

Có người cho rằng nghề hát rong bằng thùng loa kẹo kéo là sự mưu sinh của một nhóm người khó khăn bất hạnh, ta nên thông cảm chứ không nên phản đối. Đành là như thế, nhưng tôi quan sát thấy, đôi khi người ta mua mấy thanh kẹo kéo, mấy cây bánh ngọt của những người hát rong này không phải vì họ hát hay. Người ta mua vì cảm thông với cảnh ngộ khó khăn của họ. Như vậy, nếu không cần hát mà chỉ đi bán mấy mặt hàng đó tại quán ăn quán nhậu, thì chắc họ vẫn được mua ủng hộ như thường.

Bằng chứng cho thấy, nhiều người đi bán hàng rong mà không cần phải hát rong, vẫn có thể tiêu thụ tốt sản phẩm, có thể mưu sinh chân chính mà không phải phiền đến mọi người. Chúng ta luôn cổ súy cho lối sống nhân văn, nhưng sự thương cảm cho những người khó khăn thì cũng nên cân nhắc sao cho hợp lý. Việc ta ủng hộ những người hát rong hiện nay chính là hành động gián tiếp gây ô nhiễm tiếng ồn, gây phiền hà cho người dân mỗi ngày, kể cả thực khách lẫn những hộ gia đình xung quanh các quán ăn quán nhậu.

Ta thương cảm cho những người hát rong thì ai sẽ thương cảm cho những hộ gia đình năm này qua tháng nọ phải chịu sự “khủng bố” âm thanh từ các thùng loa kẹo kéo? Thiết nghĩ, cuộc sống ngày càng phát triển thì mỗi thành viên trong cộng đồng xã hội cần phải thượng tôn lối sống văn minh. Một trong những việc thể hiện lối sống văn minh chính là phải biết tôn trọng người khác.

Hiện nay, một bộ phận người dân hầu như không nghĩ đến điều này, nghĩa là họ sẵn sàng gây phiền hà cho người khác bất chấp mọi thứ. Chuyện sử dụng những dàn âm thanh công suất lớn ca hát vô tội vạ tại các đám tiệc, quán ăn quán nhậu hay chỉ là những phút cao hứng “đắp mộ cuộc tình” tại các hộ gia đình đã gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần của đa số người dân.

Đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến phương án chấm dứt tệ trạng này, trước khi nó gây ra những hậu quả đáng tiếc hơn nữa. Cách thức nào để chấm dứt hoặc hạn chế việc ca hát bằng các thùng loa gây ô nhiễm tiếng ồn là trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng. Còn về phía mỗi người, chúng ta cần chung tay góp sức tiết chế tệ trạng này, đừng để niềm vui của một số ít người thích ca hát lại trở thành nỗi buồn của cộng đồng.

Trương Chí Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Niềm vui người này, nỗi buồn kẻ khác