Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ rằng những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay đang dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là ở thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém.

Những yếu kém của nền kinh tế tích tụ đến nay dần lộ rõ, nhất là BĐS, trái phiếu…

Hoài Lam | 22/05/2023, 11:07

Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ rằng những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay đang dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là ở thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém.

Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 khai mạc sáng 22.5, rằng trong bối cảnh rất khó khăn, Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục giảm và trong giới hạn an toàn (tỷ lệ nợ công là 38% GDP, nợ Chính phủ là 34,7% GDP, nợ nước ngoài là 36,8% GDP).

Ngoài ra, giá trị thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (tăng 74%), năm 2022 đạt 431 tỉ USD, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong "bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.

ptt-1.jpg
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 khai mạc sáng 22.5

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn; trong đó có 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu; công tác lập quy hoạch còn chậm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp; những bất cập tích tụ kéo dài của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý thực sự hiệu quả.

“Việc tháo gỡ vướng mắc trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, ách tắc trong thực thi công vụ cần phải nỗ lực hơn nữa; kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi chưa nghiêm. Phản ứng chính sách, công tác phối hợp trong một số trường hợp còn chậm, thiếu quyết liệt, bị động, lúng túng, hiệu quả chưa cao...”, báo cáo nêu.

Báo cáo cũng chỉ rõ, tăng trưởng GDP quý 1/2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ; các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng; vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.

Do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền; số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng; vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội; tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng diễn biến tinh vi, phức tạp…

“Những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách ở một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...”, báo cáo nhận định.

ptt-2.jpg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo

Chính phủ cho rằng thời gian tới, dự báo khó khăn, thách thức còn rất lớn, nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động kép" từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm, do đó cần nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngoài ra, cần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; tập trung chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỉ đồng.

Chính phủ cũng nghiên cứu, đề xuất Quốc hội về phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả; tập trung phát triển mạnh và phát huy vai trò của thị trường trong nước; mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

“Khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ”, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh.

Song song đó, Chính phủ cũng cho biết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

“Tích cực tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; triển khai hiệu quả Quy hoạch điện 8; khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn”, báo cáo nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những yếu kém của nền kinh tế tích tụ đến nay dần lộ rõ, nhất là BĐS, trái phiếu…