Nhìn những chỗ bị đào xới, băm nát, lở lói khắp núi Cấm (xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang), phần lớn do các công trình không phép, nhiều người yêu vẻ đẹp tự nhiên đầy hoang sơ của vùng đất này không khỏi xót xa.
Các công trình không phép chỉ bị nộp phạt
Theo UBND thị xã Tịnh Biên, các công trình không phép trên núi Cấm hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2019. Khi đó, UBND xã An Hảo đã có kiểm tra, nhắc nhở đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch theo quy định.
Trong các năm 2022 - 2023, chính quyền xã An Hảo tiếp tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình không phép do chuyển đất rừng phòng hộ là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp. Các chủ công trình này đã chấp hành quyết định xử phạt nhưng không khôi phục tình trạng ban đầu của đất.
Gần đây, núi Cấm xảy ra một số vụ sạt lở sườn núi, trong khi các công trình đều được xây dựng tại các vị trí có địa hình lồi lõm, cheo leo trên các mỏm đồi có độ dốc cao với kết cấu tạm bợ, không đồng bộ nên UBND xã An Hảo tiếp tục buộc dừng hoạt động.
Chính vì lý do này, đồng loạt các chủ công trình này bắt đầu “kêu cứu”. Họ cho rằng việc dừng đột ngột gây ảnh hưởng đến kinh doanh, phải hoàn trả tiền đặt cọc cho khách, đồng thời bày tỏ nguyện vọng được hướng dẫn làm thủ tục pháp lý.
Sau đó, Sở Xây dựng An Giang đã có buổi khảo sát trên núi Cấm, cùng tham gia có lãnh đạo UBND thị xã Tịnh Biên và các ngành chức năng tỉnh.
Việc khảo sát cho thấy các công trình ấy hoàn toàn sai, xây cất trên đất rừng nhưng không có giấy phép. Địa phương đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhưng chủ các công trình không chịu tháo dỡ mà vẫn hoạt động.
UBND thị xã Tịnh Biên xác định có 10 công trình (7 cũ, 3 mới) xây dựng, hoạt động tự phát trên núi Cấm. Địa phương vẫn giữ quan điểm buộc tháo dỡ.
Sau đó, UBND tỉnh An Giang đã họp các sở ngành và chính quyền thị xã Tịnh Biên để có hướng xử lý dứt điểm vụ việc.
Vết thương tàn phá cảnh quan núi đồi
Những năm gần đây núi Cấm được nhiều người biết đến với điểm du lịch “săn mây”, thu hút nhiều du khách khắp nơi đổ về.
Nhưng, thật đáng buồn và không khỏi xót xa, chỉ trong thời gian ngắn, một vùng đất tuyệt đẹp đã xuất hiện nhiều công trình không phép mọc lên.
Những công trình sai phạm, xây dựng không phép đang tồn tại, ảnh hưởng xấu đến đời sống dân sinh, quản lý nhà nước về tài nguyên đất đai, đặc biệt công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường tài nguyên…
Đến “Thiên đường mây” Núi Cấm vào thời điểm này không khó nhận ra hàng loạt các công trình không phép đã được xây dựng, đi vào hoạt động.
Người dân địa phương nói rằng nhìn những “vết thương” của rừng, đồi, núi do bị các công trình trái phép băm nát, những người yêu vẻ đẹp tự nhiên đầy hoang sơ của vùng đất này không khỏi xót xa.
Hủy kết luận giữ nguyên hiện trạng
Để làm rõ những thông tin về tình trạng xây dựng không phép, xâm lấn đất rừng tại “Thiên đường săn mây”, ngày 23.10, phóng viên Một Thế Giới đã trao đổi qua điện thoại với ông Phạm Thành Nhơn - Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên thì được ông cho biết địa phương đang chờ kết luận bằng văn bản của Ban Cán sự đảng, khi nào có sẽ cung cấp cho báo chí.
Trước đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã ký quyết định số 1684 về việc hủy bỏ nội dung nêu ở mục 9, thông báo số 276 ngày 12.10.2022 của Văn phòng UBND tỉnh An Giang về kết luận của cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư (đã bị bắt giam về vụ án khác) tại buổi họp về tình hình quản lý, định hướng phát triển núi Cấm và xây dựng loại hình lưu trú các công trình không phép trên địa bàn núi Cấm.
Theo đó, nội dung bị hủy bỏ là: “Đối với các công trình xây dựng tự phát, trước mắt giao UBND thị xã Tịnh Biên quản lý, yêu cầu các chủ công trình không phép giữ nguyên hiện trạng; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phát sinh xây cất mới không đảm bảo quy định”.
Núi Cấm từng xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng
Vào khoảng 8 giờ ngày 5.5.2012, vụ tai nạn khủng khiếp bất ngờ xảy ra tại núi Cấm. Hòn đá lớn từ trên núi bất ngờ lăn xuống đè trúng chiếc xe của Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang.
Theo thông tin ban đầu, ngọn núi này cao khoảng 700m và tai nạn xảy ra ở khoảng lưng chừng núi. Chiếc xe du lịch 7 chỗ gặp nạn đang chạy hướng từ trên đỉnh xuống chân núi thì bất ngờ bị một hòn đá lớn và cùng nhiều đá nhỏ lăn xuống đè bẹp.
Tại hiện trường, chiếc xe du lịch lữ hành An Giang hoàn toàn bị bẹp dúm dưới tảng đá khổng lồ khiến 6 người thiệt mạng.
Rạng sáng 3.10.2023, cũng trên tuyến đường chính lên núi Cấm đã xảy ra trận sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể trận sạt lở xảy ra tại khu vực dốc Gió (thuộc tổ 7, ấp Thiên Tuế, xã An Hảo).
Ngay khi vụ việc xảy ra, UBND thị xã đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Tịnh Biên, UBND xã An Hảo phối hợp cùng Ban Quản lý khu du lịch núi Cấm khảo sát thực tế để đánh giá mức độ thiệt hại ban đầu.
Đoàn công tác phát hiện vụ sạt lở đã gây thiệt hại mái ta luy đường, hộ lan cứng và sập rào chắn lưới chắn B40, diện tích ảnh hưởng ngang 20m, dài theo mái dốc khoảng 40m, khối lượng đất đá khoảng 40 - 60m3, ảnh hưởng giao thông 1/2 mặt đường và chỗ liền kề tại vị trí sạt lở thì phát hiện có 1 khu vực khoảng 20 m2 có nguy cao sẽ sạt lở tiếp.
Hơn thế nữa, địa phương và các đơn vị tư vấn khảo sát dọc sườn núi được 2 lần trong 5 ngày, đã phát hiện và xác định 397 vị trí có nguy cơ và nguy cơ cao sạt lở đá.