Làm ăn thua lỗ tại doanh nghiệp được luân chuyển về công tác tại Bộ Công Thương; bổ nhiệm một người chưa một ngày làm tại doanh nghiệp làm Chủ tịch Sabeco….

Những quyết định bổ nhiệm lãnh đạo lạ lùng ở Bộ Công Thương

bizlive | 14/06/2016, 12:16

Làm ăn thua lỗ tại doanh nghiệp được luân chuyển về công tác tại Bộ Công Thương; bổ nhiệm một người chưa một ngày làm tại doanh nghiệp làm Chủ tịch Sabeco….

Cùng điểm lại những quyết định bổ nhiệm lãnh đạo có thể coi là lạ lùng tại Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua.

Thua lỗ trăm tỷ tại PVFI về làm sếp Sabeco

Ở tuổi 25, ông Vũ Quang Hải đã là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí (PVFI) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Tại vị trí này 2 năm PVFI lỗ trên 220 tỷ đồng (năm 2011 lỗ 155 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỷ đồng), ông Hải được luân chuyển về Bộ Công Thương làm Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại.

Trong khi trước thời điểm ông Hải về PVFI, doanh nghiệp được thành lập từ năm 2007 và cả 3 năm sau đó (2008-2010) PVFI đều có lãi.

Sau khoảng hơn 1 năm công tác tại Bộ Công Thương, tại tờ trình về việc đề cử nhân sự để bầu bổ sung thành viên HĐQT do ông Chủ tịch Sabeco, ông Phan Đăng Tuất (khi ấy) ký cho biết, nhằm tăng cường nhân sự trẻ, có năng lực và kinh nghiệm quản lý, điều hành doanh nghiệp làm tiền đề cho việc trẻ hoá nguồn cán bộ lãnh đạo của Tổng công ty, HĐQT kính trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc bầu bổ sung ông Vũ Quang Hải (sinh năm 1986), hiện là cán bộ đang công tác tại Bộ Công Thương hàm Phó vụ trưởng làm thành viên HĐQT Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Trong văn bản gửi đích thân nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ngày 13.6, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đặt hàng loạt câu hỏi: “việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi làm Tổng giám đốc PVFI là đúng hay sai, ai chịu trách nhiệm gánh hậu quả làm mất vốn nhà nước và vốn của 4.700 cổ đông?”.

VAFI cũng đặt câu hỏi: “cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải lên chức danh Phó vụ trưởng, người mới chỉ làm công chức được 1 năm, không biết hoạch định chính sách lại đang chịu án kỷ luật tại PVFI vì theo quy định Tổng giám đốc làm thua lỗ 2 năm sẽ bị cách chức?”.

Ngoài ra, VAFI cũng đặt câu hỏi, cơ sở pháp lý nào để bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm thành viên HĐTQ và Phó tổng giám đốc của Sabeco. Thậm chí, đặt giả thiết, nếu ông Vũ Huy Hoàng chuyển giao Sabeco về SCIC thì sẽ không có chuyện bổ nhiệm con ruột của mình vào vị trí quyền lực nhất tại Sabeco.

Cử người chưa một ngày làm doanh nghiệp làm Chủ tịch Sabeco

Tại Sabeco, VAFI cũng chỉ ra một trường hợp khác là ông Võ Thanh Hà, tháng 9.2015, Bộ Công Thương đã trao quyết định uỷ quyền đại diện đối với phần vốn Nhà nước tại Sabeco cho ông Võ Thanh Hà thay cho ông Phan Đăng Tuất, người đã có quyết định thôi quản lý phần vốn Nhà nước Sabeco vào giữa tháng 8.

Ông Hà sinh năm 1974. Trước khi về Sabeco, ông Võ Thanh Hà giữ vị trí Chánh Văn phòng Bộ Công Thương từ tháng 2.2015. Trước đó, ông đảm nhiệm vị trí Phó Chánh văn phòng kiêm Thư ký nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

VAFI trong một văn bản gửi Bộ Công Thương mới đây cũng cho biết, Chủ tịch Sabeco về năng lực ít nhất phải bằng 20% năng lực của những người như ông Trương Gia Bình (FPT), bà Mai Kiều Liên (Vinamilk)… chứ không thể chọn một người lơ mơ về quản trị doanh nghiệp như ông Võ Thanh Hà.

Phó chủ tịch tỉnh đi Lexus biển xanh từng giữ nhiều vị trí tại Bộ Công Thương

Ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, người đi chiếc xe Lexus biển xanh gây bức xúc trong dư luận trước đó cũng từng giữ nhiều vị trí tại Bộ Công Thương và từng lãnh đạo doanh nghiệp với khoản lỗ hợp nhất năm 2013 lên tới 3.200 tỷ đồng, trong đó lỗ của công ty mẹ là 2.325 tỷ đồng.

Cụ thể, ông Trịnh Xuân Thanh từng giữ chức vụ Phó giám đốc tại công ty Detesco của Trung ương Đoàn từ năm 1996-2000, năm 2000-2004 làm Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội của Tổng công ty Sông Hồng, Việt Trì, Phú Thọ, từ 2005-2007 là Phó tổng rồi Tổng giám đốc công ty Sông Hồng.

Cuối năm 2007 chuyển về Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Tại PVC, ông Thanh từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị, tháng 9.2013, ông Thanh được nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng Đại diện Bộ Công Thương tại Đà Nẵng.

Thời điểm ông Thanh luân chuyển về Bộ Công Thương khoản lỗ hợp nhất năm 2013 của PVC lên tới 3.200 tỷ đồng, trong đó lỗ của công ty mẹ là 2.325 tỷ đồng.

Thời điểm này ông Vũ Đức Thuận người nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc tại PVC cũng được bổ nhiệm làm Phó giám đốc sở Giao thông vận tải Thái Bình.

Trong khi chỉ 2 năm trước đó, PVC từng được phong danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”và được tặng Huân chương lao động hạng nhất.

Thông tin trên Tuổi trẻ mới đây cho biết, sau khi Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm để lỗ ở PVC, Tổng giám đốc PVC khi đó là ông Đỗ Văn Hậu đã có văn bản gửi Bộ Công Thương trong đó có đề cập đến trách nhiệm của ban lãnh đạo PVC như ông Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, báo cáo này không được Bộ Công Thương công khai cụ thể.

Trước khi được luân chuyển về Hậu Giang giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, ông Thanh là Vụ trưởng, Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương.

Bổ nhiệm 2 trưởng phòng chung một “ghế”

Cũng tại Bộ Công Thương, một sự việc chưa có tiền lệ đã diễn ra, 2 người cùng giữ chức vụ, cùng vị trí tại một cơ quan quản lý nhà nước là chức Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả tại Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương.

Ông Kiều Nghiệp được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả theo Quyết định 1268/QĐ-QLTT ngày 8.8.2013. Còn ông Thân Đức Công được bổ nhiệm cũng vào vị trí trên ngày 25.1.2014 theo Quyết định 116/QĐ-QLTT cũng của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường.

Đáng nói, thời điểm bổ nhiệm ông Thân Đức Công vào vị trí Trưởng phòng Phòng Chống hàng giả thì không có văn bản nào hủy bỏ Quyết định bổ nhiệm ông Kiều Nghiệp. Nghĩa là, cả hai Quyết định 1268 và Quyết định 166 đều cùng bổ nhiệm 2 người vào cùng một ví trí.

6 tháng sau, sự việc nêu trên mới được phát hiện, thời điểm này, lãnh đạo của Cục Quản lý thị trường cho biết, trong quá trình soạn thảo văn bản có những sai sót thuộc lỗi kỹ thuật nên dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: "Liên quan đến các nội dung về thi tuyển, cũng như một số nội dung khác của Cục Quản lý thị trường mà báo chí, dư luận đã phản ánh, Hội đồng kỷ luật của Bộ cũng sẽ họp để xem xét, xử lý”.


Theo BizLive

Ảnh:Nguyên Chánh văn phòng Bộ Công Thương làm Chủ tịch Sabeco

Bài liên quan
Tổng cục Hải quan điều động, bổ nhiệm nhiều cục trưởng
Tổng cục Hải quan vừa công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục trưởng hải quan các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, Nghệ An.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những quyết định bổ nhiệm lãnh đạo lạ lùng ở Bộ Công Thương