Cà phê ở Đà Lạt không đồ sộ, hoành tráng, đông đúc như Sài Gòn, Hà Nội mà đơn sơ, bình lặng, huyền ảo và trầm tư. Ở những quán cà phê đặc trưng nhất của Đà Lạt, dường như người ta mở quán không đơn thuần vì mục đích kinh doanh mà còn vì một khát khao nào đó trong sâu thẳm tâm hồn...

Những quán cà phê ở Đà Lạt

Nguyễn Hồ Tấn Minh - CTV Bác Xuyên | 17/11/2016, 19:00

Cà phê ở Đà Lạt không đồ sộ, hoành tráng, đông đúc như Sài Gòn, Hà Nội mà đơn sơ, bình lặng, huyền ảo và trầm tư. Ở những quán cà phê đặc trưng nhất của Đà Lạt, dường như người ta mở quán không đơn thuần vì mục đích kinh doanh mà còn vì một khát khao nào đó trong sâu thẳm tâm hồn...

Đà Lạt, với vẻ đẹp tinh tế, thơ mộng và ảo diệu của nó có khả năng quyến rũ lòng người một cách kì lạ. Đến với thành phố cao nguyên này, hẳn không ai có thể quên được cảm giác được đắm mình trong cái màu xanh bất tận của những đồi thông quyện trong bảng lảng khói sương; được thả hồn theo dòng nước đa tình của hồ Xuân Hương hay được cùng người yêu say ngắm những ngọn đồi thơ mộng, những thung lũng duyên dáng với bao thứ hoa tỏa hương khoe sắc.

Nhưng ở Đà Lạt còn có một vẻ đẹp khác mà những lần trước đến đây có lẽ do vội quá nên tôi chưa kịp nhận ra. Đó là một vẻ đẹp rất riêng của những quán cà phê.

Cà phê ở Đà Lạt không đồ sộ, hoành tráng, đông đúc như Sài Gòn, Hà Nội mà đơn sơ, bình lặng, huyền ảo và trầm tư. Ở những quán cà phê đặc trưng nhất của Đà Lạt, dường như người ta mở quán không đơn thuần vì mục đích kinh doanh mà còn vì một khát khao nào đó trong sâu thẳm tâm hồn. Đến đây, bạn sẽ trực tiếp được nghe chủ quán chơi dương cầm, Tây Ban cầm, hát tình ca hay kể lại những huyền thoại về Đà Lạt. Hình như giữa cái thời mà Đà Lạt càng lúc càng mất dần vẻ đẹp nguyên sơ do sự xâm thực, bào mòn của những ồ ạt, xáo động trong cuộc sống hiện đại, những người yêu Đà Lạt muốn tạo nên ở những quán cà phê này một không gian riêng, thuần Đà Lạt như một sự hoài niệm về Đà Lạt của một thời xưa cũ.

Những câu chuyện về MPK – Phước “khùng”, một tấm lòng Đà Lạt thực thụ, một con người đã vì Đà Lạt mà bao nhiêu năm ròng rong ruổi khắp mọi ngõ ngách của thành phố để cố lục tìm trong lẫn lộn, xô bồ những gì còn lại của một Đà Lạt đúng chất, không pha trộn đã đưa bước chân tôi đến với Tùng – quán cà phê nhỏ do một người Bắc di cư vào Đà Lạt mở cách đây hơn 50 năm. Nơi ấy, Phước “khùng” và những người không muốn chấp nhận một Đà Lạt tấp nập, đông đúc thường lui tới để tìm lại chút dư ảnh của ngày xưa. Cà phê Tùng không nổi tiếng bởi sự sang trọng, quý phái mà lại níu lòng người bởi vẻ đẹp nhỏ bé, dung dị, cũ kĩ chừng như chẳng có gì thay đổi sau bao nhiêu biến thiên. Nó là một thế giới khác, đối lập hẳn với cuộc sống hối hả ngoài kia; một cõi bình yên, nơi con người lắng lòng lại để cảm xúc phiêu bồng về quá vãng.

Chọn cho mình một góc nhỏ, bên cốc cà phê và tiếng nhạc trầm buồn, sâu lắng; cảm giác như ta đang lãng quên tất cả mọi âu lo, phiền muộn trong cuộc đời trần thế; quên cả cái thế giới đang hiện hữu xung quanh “Vong thân, vong thế, dĩ đô vong” (Huyền Quang).

Quán cà phê Tùng hơn nửa thế kỷ ở Đà Lạt

Có một đặc trưng riêng thuộc về những quán cà phê ở Đà Lạt mà không mấy khó để nhận ra là ở đó âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trân trọng, nâng niu như là một trong những vẻ đẹp tinh tế và linh diệu nhất. Cuộc đời của người du ca tài hoa ấy đã từng phiêu lãng qua bao nhiêu vùng đất, nhạc của ông cũng được hâm mộ ở rất nhiều nơi nhưng có lẽ không có nơi nào Trịnh Công Sơn lại được say mê đến mức đắm đuối như ở Đà Lạt. Không phải ngẫu nhiên mà một người tài hoa xứ Bắc đã gọi Đà Lạt là “xứ Trịnh ca”.

Ở Đà Lạt có những quán cà phê thuần Trịnh. Ở đó nhạc Trịnh Công Sơn trở thành linh hồn của quán với một vẻ đẹp nguyên trinh, thuần khiết có sức mê hoặc lòng người đến kì lạ. Đến nhạc quán Diễm Xưa vào mỗi tối, bạn sẽ được dìu vào thế giới nhạc Trịnh qua những giọng ca bình dị, sáng trong của Đà Lạt. Ông chủ quán nói với tôi rằng dẫu chỉ có một khách, họ vẫn tổ chức hát như thường. Dường như họ mở quán không phải vì tiền mà đơn thuần chỉ là vì lòng yêu nhạc Trịnh. Cũng như Diễm Xưa, quán Dương Tùng do một người Sài Gòn lên đây từ 1988 mở để tạo cho mình một không gian riêng mà chạy trốn cái nhốn nháo của đời sống hiện đại cũng là một Trịnh quán nổi tiếng. Nhìn ông chủ quán ôm Tây Ban cầm say sưa hát Trịnh ca bên chân dung người nhạc sĩ tài hoa đủ để thấy nhạc Trịnh đã xuyên thấm vào trái tim ông đến độ nào.

Không gian mang màu sắc cũ kỹ của quán Diễm Xưa cùng với những bài hát nhạc Trịnh mang nét quyết rũ rất riêng của Đà Lạt

Một buổi chiều sương Đà Lạt, giữa một không gian cũ kĩ, rêu phong; bên cốc cà phê tí tách và những Trịnh khúc liêu trai, ma mị quyện trong tiếng hát Khánh Ly; tôi chợt nghĩ rằng những quán cà phê ấy cũng là một giá trị văn hóa, một nét đẹp riêng đầy quyến rũ của Đà Lạt. Nếu không biết nâng niu, gìn giữ thì lấy gì đảm bảo nó sẽ không bị cuốn vào trong cái vòng xoáy ngầu đục của dòng đời kia. Lấy gì đảm bảo trong tương lai sẽ không có những Phước “khùng” lại phải xót xa, nuối tiếc cho một thời vàng son của những quán cà phê Đà Lạt.

Hồ Tấn Nguyên Minh

(1) Tác giả Chu Văn Sơn trong “ Đà Lạt và tôi” đã gọi Đà Lạt là “ Xứ Trịnh ca”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những quán cà phê ở Đà Lạt