Một nhóm các nhà sinh vật học nổi tiếng nói rằng cần phải có một “không gian an toàn” để đặt câu hỏi rằng liệu coronavirus có thoát ra từ phòng thí nghiệm hay không?

Những nhà nghiên cứu hàng đầu kêu gọi cuộc điều tra thực sự về nguồn gốc COVID-19

Ngô Văn Tuyền | 16/05/2021, 11:27

Một nhóm các nhà sinh vật học nổi tiếng nói rằng cần phải có một “không gian an toàn” để đặt câu hỏi rằng liệu coronavirus có thoát ra từ phòng thí nghiệm hay không?

Một năm trước, ý tưởng cho rằng đại dịch COVID-19 có thể là do tai nạn từ phòng thí nghiệm đã bị các tạp chí, các nhà khoa học và các hãng thông tấn hàng đầu thế giới lên án là thuyết âm mưu. Thế nhưng, nguồn gốc của loại virus đã giết chết hàng triệu người vẫn còn là một bí ẩn và khả năng nó đến từ một phòng thí nghiệm đã trở thành một giả thuyết không thể bị bỏ qua.

Giờ đây, trong một bức thư trên tạp chí Science (Khoa học), 18 nhà sinh vật học nổi tiếng - bao gồm cả nhà nghiên cứu coronavirus hàng đầu thế giới - đang có một sức nặng khi kêu gọi một cuộc điều tra mới về tất cả các khả năng có thể của nguồn gốc virus, đồng thời kêu gọi các phòng thí nghiệm và các cơ quan Trung Quốc “mở hồ sơ” để phân tích độc lập. “Chúng ta phải xem xét cả hai giả thuyết về sự lây nhiễm trong tự nhiên và từ phòng thí nghiệm một cách nghiêm túc cho đến khi chúng ta có đủ dữ liệu”, các nhà khoa học đã viết.

Bức thư được khởi tạo bởi nhà vi sinh vật học David Relman của Đại học Stanford và nhà virus học Jesse Bloom của Đại học Washington, nhằm vào một nghiên cứu chung gần đây về nguồn gốc COVID-19 do WHO và Trung Quốc thực hiện, kết luận rằng một loại virus từ dơi có khả năng lây nhiễm sang con người thông qua một động vật trung gian và rằng một sự cố từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra."

Kết luận đó không được cân nhắc một cách khoa học, theo các tác giả của bức thư mới, vì không có dấu vết nào chứng tỏ vi rút lần đầu tiên nhiễm sang người như thế nào và khả năng xảy ra tai nạn trong phòng thí nghiệm chỉ được xem xét sơ qua. Chỉ rất ít trong số 313 trang của báo cáo nguồn gốc của WHO và các phụ lục của nó là dành cho chủ đề này.

Marc Lipsitch, một nhà nghiên cứu bệnh dịch nổi tiếng của Đại học Harvard, một trong những người ký tên trong bức thư, nói cho đến gần đây ông đã không bày tỏ quan điểm về nguồn gốc virus, mà tập trung vào việc cải thiện thiết kế các nghiên cứu bệnh dịch và thử nghiệm vắc xin - một phần vì cuộc tranh luận về giả thuyết tai nạn phòng thí nghiệm đã trở nên quá gây tranh cãi. “Tôi đã đứng ngoài bởi vì tôi bận đối phó với hậu quả của đại dịch thay vì nguồn gốc”, ông nói. “Nhưng khi WHO đưa ra một báo cáo mà chỉ tuyên bố hời hợt về một chủ đề quan trọng… thì điều đó đáng để lên tiếng.”

Một số người ký tên trong lá thư, bao gồm Lipsitch và Relman, đã từng kêu gọi xem xét kỹ lưỡng về nghiên cứu “chức năng đạt được” (GoFR) mà ở đó virus được biến đổi gen để làm cho chúng lây nhiễm hoặc hiểm độc hơn. Các thí nghiệm để tạo ra mầm bệnh cũng đang được tiến hành tại Viện Virus học Vũ Hán, trung tâm hàng đầu của Trung Quốc về nghiên cứu virus dơi tương tự như SARS-CoV-2. Một số nhìn nhận thực tế rằng COVID-19 xuất hiện đầu tiên tại cùng thành phố nơi có phòng thí nghiệm như một bằng chứng gián tiếp cho thấy rất có thể là một sự cố phòng thí nghiệm.

Lipsitch trước đây đã ước tính nguy cơ đại dịch gây ra do sự cố rò rỉ từ một thí nghiệm sinh học an toàn cao là từ 1/1.000 đến 1/10.000 mỗi năm và ông đã cảnh báo rằng sự gia tăng của các phòng thí nghiệm như vậy trên toàn cầu là một mối quan tâm lớn.

Mặc dù các nhà khoa học Trung Quốc đã nói rằng không có vụ rò rỉ nào như vậy trong trường hợp này, nhưng các tác giả bức thư nói rằng điều đó chỉ có thể được xác minh thông qua một cuộc điều tra độc lập hơn. “Một cuộc điều tra thích hợp phải minh bạch, khách quan, dựa trên dữ liệu, có chuyên môn sâu rộng, chịu sự giám sát độc lập và được quản lý có trách nhiệm để giảm thiểu ảnh hưởng của xung đột lợi ích”, họ viết. “Các cơ quan y tế công cộng và các phòng thí nghiệm nghiên cứu đều phải cần công khai hồ sơ của họ. Các nhà điều tra cần dẫn chứng tính xác thực và nguồn gốc của dữ liệu dùng cho phân tích và kết luận”.

Nhà khoa học đứng đầu về các bệnh mới phát sinh tại Viện Virus học Vũ Hán, Shi Zhengli (Thạch Chính Lệ) nói trong một email rằng những nghi ngờ trong bức thư là không đúng chỗ và sẽ làm hỏng khả năng ứng phó với đại dịch của thế giới. “Điều đó dứt khoát là không thể chấp nhận,” Shi nói về lời kêu gọi của nhóm tác giả bức thư về yêu cầu xem hồ sơ phòng thí nghiệm của bà. "Ai có thể cung cấp một bằng chứng không tồn tại?".

sourcecovid.gif

Bìa tạp chí Science đăng bức thư của 18 nhà khoa học kêu gọi điều tra thực sự về nguồn gốc COVID-19

“Thật sự rất buồn khi đọc ‘Bức thư’ được viết bởi 18 nhà khoa học hàng đầu này.” Shi đã viết trong email của mình. “Giả thuyết về một vụ rò rỉ phòng thí nghiệm chỉ dựa trên ý kiến chuyên môn về một phòng thí nghiệm từ lâu đã nghiên cứu về các coronavirus dơi có quan hệ thân chủng với SARS-CoV-2. Loại tuyên bố này chắc chắn sẽ làm tổn hại đến danh tiếng và sự nhiệt tình của các nhà khoa học đang cống hiến cho việc nghiên cứu về các loại virus động vật mới lạ có nguy cơ lây lan sang cộng đồng người và cuối cùng làm suy yếu khả năng của con người trong việc ngăn chặn đại dịch tiếp theo.”

Cuộc thảo luận xoay quanh giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm đã trở thành có tính chính trị. Ở Mỹ, nó đang được tận dụng mạnh mẽ bởi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và các nhân vật truyền thông bảo thủ, bao gồm người dẫn chương trình Tucker Carlson của Fox News. “Kết quả sự phân cực đã tác động kinh khủng đối với các nhà khoa học, một số người trong đó đã miễn cưỡng bày tỏ mối quan tâm của mình”, Relman nói.

Ông nói: “Chúng tôi cảm thấy có động lực để nói điều gì đó bởi vì khoa học đang không đúng với khả năng nó có thể, đó là nỗ lực công bằng, nghiêm khắc và cởi mở để đạt được sự rõ ràng hơn về một điều gì đó. Đối với tôi, một phần của mục đích là tạo ra một không gian an toàn cho các nhà khoa học khác để nói điều gì đó của riêng họ.”

“Lý tưởng là tương đối không có tranh cãi về lời kêu gọi càng minh bạch càng tốt trong việc kiểm tra một số giả thuyết khả dĩ mà chúng ta chỉ có ít dữ liệu”, Megan Palmer, một chuyên gia an toàn sinh học tại Đại học Stanford, người không đứng cùng với nhóm viết thư nói. “Khi chính trị phức tạp và sự đặt cược là cao, thì lời nhắc nhở từ các chuyên gia nổi tiếng có thể là điều cần thiết để buộc những người khác phải cân nhắc kỹ lưỡng”.

Ý kiến ​​đó đã được ủng hộ bởi Chuẩn đô đốc Kenneth Bernard, một nhà nghiên cứu bệnh dịch và điều tra bệnh tật, người từng là chuyên gia về phòng vệ sinh học của Nhà Trắng thời Clinton và George W. Bush. Ông nói, bức thư là “cân bằng, được viết tốt và phản ánh chính xác ý kiến ​​của các nhà nghiên cứu bệnh dịch và các nhà khoa học rất uyên bác mà tôi biết. Nếu được yêu cầu, tôi đã ký tên”.

sourcecovid1.jpg

Thư của 18 nhà khoa học đăng trên tạp chí Science

Bức thư lặp lại một số lo ngại của lời kêu gọi trước đó về một cuộc điều tra mới được công bố trên Wall Street Journal bởi một tập hợp 26 nhà phân tích chính sách và nhà khoa học, những người yêu cầu khảo sát kỹ hơn phòng thí nghiệm Vũ Hán và biện luận rằng “nhóm [WHO] đã không có quyền hạn, sự độc lập hoặc các quyền tiếp cận cần thiết” để thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ và không hạn chế. Nhưng nhóm 26 người đó bao gồm phần lớn những người bên ngoài ngành và lá thư đã bị một số nhà virus học có uy tín bác bỏ với lý do những người ký tên thiếu chuyên môn phù hợp. “Thật khó để tìm thấy bất kỳ ai có kinh nghiệm liên quan đã ký tên”, Kristian Andersen, nhà nghiên cứu miễn dịch học và chuyên gia virus của Viện nghiên cứu Scripps đã tweet. Ông phản bác rằng bằng chứng có sẵn đã chỉ ra nguồn gốc tự nhiên.

Sẽ không có phản bác nào như vậy với lá thư mới này, mà những người ký tên bao gồm Akiko Iwasaki, một nhà miễn dịch học Đại học Yale, người đã dẫn đầu nghiên cứu về phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với SARS-CoV-2, và Ralph Baric, nhà virus học Đại học Bắc Carolina, người được coi là có uy tín nhất thế giới về coronavirus và là người đi tiên phong trong kỹ thuật điều khiển gen các virus này nên đã đưa nó trở thành hướng nghiên cứu chính tại Viện Virút học Vũ Hán.

Bức thư mới cũng đã có thêm trọng lượng khi xuất hiện trên Science, một trong những tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới. Relman nói rằng lựa chọn nơi gặp gỡ là rất quan trọng. “Một số đồng tác giả của chúng tôi đã nói với chúng tôi: “Tôi sẽ tham gia, nhưng tôi không muốn trở thành một phần của một bức thư ngỏ gửi đến thế giới hoặc thư độc giả (op-ed) trên New York Times. Đó không phải là cách tôi nhìn nhận vai trò của mình trong việc này. Tôi là một nhà khoa học. Tôi muốn bày tỏ với các nhà khoa học đồng nghiệp trên một tạp chí khoa học hơn”.

Nếu Trung Quốc không đồng ý với một cuộc điều tra mới, không rõ sẽ phải tiến hành một cuộc điều tra nữa theo cách thức nào hoặc những quốc gia nào sẽ tham gia, Relman thừa nhận. Còn nữa, ông tin rằng bức thư mới có thể cung cấp lý do hữu ích cho những người Dân chủ và Nhà Trắng tham gia vào cuộc chất vấn về nguồn gốc của COVID-19. “Tôi nghĩ rằng có nhiều cách để tổ chức một cuộc điều tra có giá trị”, Relman nói. “Nó sẽ không được tốt như nó đã có thể nếu được thực hiện vào tuần đầu tiên của tháng 1.2020 và mọi thứ còn ở trên bàn, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng nó chưa quá muộn. Ngay cả khi chúng tôi không nhận được câu trả lời chắc chắn, việc đó vẫn đáng giá, bởi vì chúng tôi sẽ tiến xa hơn so với bây giờ”.

Cho dù một cuộc điều tra có tìm ra nguồn gốc của COVID-19 hay không, Lipsitch nói, ông tin rằng cần phải có sự giám sát công khai hơn đối với phòng thí nghiệm nghiên cứu liên quan đến các loại vi rút có khả năng phát tán ngoài tầm kiểm soát. “Đó không chỉ là liệu đã có một sự cố phòng thí nghiệm gây ra đại dịch cụ thể này hay không,” ông nói. “Tôi muốn thấy sự chú ý tập trung vào quy chế của các thí nghiệm nguy hiểm, bởi vì chúng ta đã thấy những gì một đại dịch có thể gây ra và chúng ta cần phải rất chắc chắn trước khi làm bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ đó dù chỉ là một chút."

Nội dung Bức thư của 18 nhà khoa học

Điều tra nguồn gốc COVID-19

Ngày 30 tháng 12 năm 2019, Chương trình Giám trắc các Bệnh tật Mới phát sinh đã thông báo cho thế giới biết về một bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân ở Vũ Hán, Trung Quốc (1).

Kể từ đó, các nhà khoa học đã đạt được những tiến bộ đáng kể về tìm hiểu tác nhân gây bệnh, hội chứng hô hấp cấp tính nặng coronavirus 2 (SARS-CoV-2), sự lây truyền của nó, cơ chế phát bệnh và ngăn chặn nó bằng vắc-xin, liệu pháp điều trị hay các can dự không dùng thuốc.

Tuy nhiên, vẫn cần có các điều tra tiếp tục để xác định nguồn gốc của đại dịch. Cả hai giả thuyết về sự phát tán vô tình từ phòng thí nghiệm hoặc lây truyền từ động vật vẫn còn nguyên giá trị. Biết được COVID-19 xuất hiện như thế nào là rất hệ trọng để định hình các chiến lược toàn cầu nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát trong tương lai.

Đại hội Y tế Thế giới đã yêu cầu Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hợp tác chặt chẽ với các đối tác để xác định nguồn gốc của SARS-CoV-2 (2). Vào tháng 11, phạm vi liên quan của một nghiên cứu chung giữa Trung Quốc và WHO đã được công bố (3).

Thông tin, dữ liệu và mẫu phẩm cho giai đoạn đầu tiên của nghiên cứu đã được thu thập, tổng kết bởi nửa nhóm là người TQ; nửa nhóm còn lại dựa vào phân tích này. Mặc dù không tìm thấy có bằng chứng chắc chắn nào về sự lây nhiễm tự nhiên hoặc sự cố từ phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đánh giá sự lây nhiễm từ động vật qua một vật chủ trung gian là “rất có thể” và sự cố từ phòng thí nghiệm là “rất khó có thể” [(4), p. 9].

Ngoài ra, hai giả thuyết không được xem xét một cách cân bằng. Chỉ 4 trong số 313 trang báo cáo và các phụ lục của nó có đề cập đến khả năng xảy ra do phòng thí nghiệm (4). Đặc biệt là, Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nhận xét rằng các đánh giá của báo cáo về bằng chứng của sự cố phòng thí nghiệm là không đủ và đề xuất cung cấp thêm các nguồn lực để đánh giá đầy đủ về khả năng này (5).

Với tư cách là các nhà khoa học có chuyên môn liên quan, chúng tôi nhất trí với Tổng giám đốc WHO (5), Hoa Kỳ, 13 quốc gia khác (6) và Liên minh Châu Âu (7) rằng việc làm rõ hơn về nguồn gốc của đại dịch này là cần thiết và hoàn toàn có thể làm được.

Chúng ta phải xem xét các giả thuyết về sự lây nhiễm từ tự nhiên hay rò rỉ từ phòng thí nghiệm một cách nghiêm túc cho đến khi có đầy đủ dữ liệu. Một cuộc điều tra thích hợp phải minh bạch, khách quan, dựa trên dữ liệu, có chuyên môn sâu rộng, chịu sự giám sát độc lập và được quản lý có trách nhiệm để giảm thiểu ảnh hưởng của xung đột lợi ích.

Các cơ quan y tế công cộng và các phòng thí nghiệm nghiên cứu đều phải cần công khai hồ sơ của họ. Các nhà điều tra cần dẫn chứng tính xác thực và nguồn gốc của dữ liệu dùng cho phân tích và kết luận, sao cho các phân tích có thể được tiến hành bởi các chuyên gia độc lập.

Cuối cùng, vào lúc tình cảm bài châu Á đáng tiếc đang dâng lên trong lúc này ở một vài quốc gia, chúng tôi lưu ý rằng khi bắt đầu đại dịch, chính các bác sĩ, nhà khoa học, nhà báo và công dân Trung Quốc đã chia sẻ với thế giới thông tin quan trọng về sự lây lan của vi rút - thường với sự trả giá rất lớn về cá nhân (8, 9). Chúng tôi cũng cần thể hiện quyết tâm tương tự trong việc thúc đẩy có một sự thảo luận dựa trên khoa học khách quan về vấn đề khó khăn nhưng quan trọng này.

Các ghi chú liên quan:

1. “Viêm phổi chưa rõ nguyên nhân - TQ (Hồ Bắc): Yêu cầu thông tin,” ProMED post (2019); https://promedmail.org/promed-post/?id=6864153.

2. Nghị quyết Đại hội Y tế Thế giới 73.1: COVID-19 response (2020); https://apps.who.int/gb/ebwha/pdf_files/WHA73/A73_R1-en.pdf.

3. WHO, “Nghiên cứu toàn cầu của WHO về nguồn gốc SARS-CoV-2” (2020); www.who.int/publications/m/item/who-convened-global-study-of-the-origins-of-sars-cov-2.

4. WHO, “Nghiên cứu toàn cầu của WHO về nguồn gốc SARS-CoV-2: phần TQ” (2021); www.who.int/publications/i/item/who-convened-global-study-of-origins-of-sars-cov-2-china-part.

5. WHO, “Tổng giám đốc WHO phát biểu với các quốc gia thành viên tóm tắt báo cáo của nhóm nghiên cứu quốc tế về nguồn gốc SARS-CoV-2” (2021); www.who.int/director-general/speeches/detail/who-director-general-s-remarks-at-the-member-state-briefing-on-the-report-of-the-international-team-studying-the-origins-of-sars-cov-2.

6. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, “Tuyên bố chung về nghiên cứu nguồn gốc COVID-19 của WHO” (2021); www.state.gov/joint-statement-on-the-who-convened-covid-19-origins-study/

7. Đoàn đại diện Liên hiệp châu Âu tại LHQ và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva “Tuyên bố của EU về nghiên cứu nguồn gốc COVID-19 do WHO chủ trì” (2021); https://eeas.europa.eu/delegations/un-geneva/95960/eu-statement-who-led-covid-19-origins-study_en.

8. J. Hollingsworth, Y. Xiong, “Người kể sự thật: TQ đã tạo ra câu chuyện đại dịch. Những người tiết lộ những chi tiết Bắc Kinh bỏ ra ngoài,” CNN (2021). 9. A. Green, L. Wenliang, Lancet 395, 682 (2020).

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những nhà nghiên cứu hàng đầu kêu gọi cuộc điều tra thực sự về nguồn gốc COVID-19