Những người nổi mụn nước, mụn mủ và đau đầu hoặc sốt, đau lưng, nổi hạch… nhưng không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác thì cần phải giám sát về căn bệnh đậu mùa khỉ.

Những người nào buộc phải giám sát bệnh đậu mùa khỉ?

Hồ Quang | 22/08/2022, 19:10

Những người nổi mụn nước, mụn mủ và đau đầu hoặc sốt, đau lưng, nổi hạch… nhưng không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác thì cần phải giám sát về căn bệnh đậu mùa khỉ.

nhung-nguoi-nhu-the-nao-buoc-phai-giam-sat-benh-dau-mua-khi-hinh-anh(1).png
Bệnh đậu mùa khỉ ở bệnh nhi - Ảnh: PV 

Ngày 22.8, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2265/QĐ-BYT hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

- Trường hợp bệnh nghi ngờ (trường hợp bệnh giám sát) có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...) và có một hoặc nhiều triệu chứng sau: đau đầu; sốt (>38,5℃); nổi hạch (sưng hạch bạch huyết); đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể; mệt mỏi.

Và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:

+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục) hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.

+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.

- Trường hợp bệnh xác định: bất cứ người nào có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật Real-time PCR hoặc giải trình tự gien.

- Trường hợp bệnh loại trừ: là trường hợp nghi ngờ nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật Real-time PCR hoặc giải trình tự gien.

Người tiếp xúc gần là người tiếp xúc trong vòng 1 mét với người bệnh trong khoảng thời gian từ khi người bệnh khởi phát triệu chứng đầu tiên đến khi người bệnh được cách ly y tế hoặc đến khi người bệnh khỏi bệnh (các ban đã khô cứng và bong vẩy).

- Tiếp xúc cơ thể trực tiếp với người bệnh bao gồm các tiếp xúc da kề da với người bệnh (như sờ, chạm, ôm hôn…) và quan hệ tình dục.

- Phơi nhiễm trực tiếp gần với người bệnh:

+ Nhân viên y tế không sử dụng trang phục phòng hộ (PPE) thích hợp khi trực tiếp thăm khám, chăm sóc, điều trị người bệnh mắc bệnh đậu mùa khỉ.

+ Người cùng làm việc trong khoảng cách gần hoặc ở cùng phòng làm việc, với không gian kín hoặc thông khí kém.

+ Người sống trong cùng nơi ở, nơi sinh hoạt.

- Tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng sinh hoạt/làm việc của người bệnh đậu mùa khỉ: quần áo, chăn, chiếu, gối…

- Một số tình huống tiếp xúc, phơi nhiễm đặc biệt khác do cán bộ dịch tễ trực tiếp điều tra xác định, bao gồm cả phơi nhiễm trong phòng xét nghiệm.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành các định nghĩa ổ dịch; các quy định về giám sát bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm giám sát nhập cảnh tại các cửa khẩu, giám sát cộng đồng và các cơ sở y tế;  hướng dẫn chi tiết các cơ sở y tế dự phòng và khám, chữa bệnh trên toàn quốc các biện pháp xử lý ổ dịch, đối với người bệnh (bao gồm trường hợp bệnh xác định hoặc trường bệnh nghi ngờ chưa có kết quả xét nghiệm); đối với người tiếp xúc gần, khử khuẩn và xử lý môi trường ổ dịch.

Bộ Y tế cũng khyến cáo người dân các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó, tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh tiếp xúc gần với người khác, bao gồm cả quan hệ tình dục.

Người đến các quốc gia, vùng lãnh thổ có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. Nhân viên y tế chăm sóc, điều trị cho người bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ cần sử dụng trang phục phòng hộ (PPE) thích hợp.

Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu là tiêm vắc xin đậu mùa. Hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vắc xin phòng bệnh đậu mùa, đậu mùa khỉ thế hệ mới (thế hệ 2, 3) để sử dụng phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, cloud, 5G và AI
8 phút trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người nào buộc phải giám sát bệnh đậu mùa khỉ?