Dân gian ta thường gọi cách tận hưởng trong dịp lễ cổ truyền của dân tộc là "Ăn tết" chứ ít nói "chơi Tết" hay "nghỉ Tết", cho thấy ẩm thực đóng vai trò chính trong những câu chuyện về ngày Tết. Một năm mới nữa đã đến, hãy cùng thưởng thức hương vị và ý nghĩa của những món ngon phổ biến của người Việt trong dịp Tết.
Giò hoa (chả ngũ sắc)
Giò hoa ngũ sắc được làm chủ yếu bằng thủ công. Nguyên liệu chính của món ăn là thịt heo tươi được xay nhuyễn (hay còn gọi là giò sống, nhũ tương thịt). Bên cạnh đó, ở giữa là một hàng trứng vịt muối nhằm tăng giá trị cảm quan cho giò hoa . Ngoài ra món ăn còn được bổ sung thêm cà rốt, nấm mèo… bên cạnh việc tăng giá trị cảm quan còn có tác dụng cung cấp thêm những Vitamin cần thiết cho con người như: Beta Caroten có trong cà rốt hay những protit, các chất vitamin và chất khoáng tốt cho người bị bệnh cao huyết áp có trong nấm mèo. Giò hoa được bọc bên ngoài bởi một lớp trứng vịt chiên trông rất đẹp mắt. Với việc sử dụng phong phú các loại nguyên vật liệu vào giò hoa, cung cấp rất nhiều chất bổ cần thiết cho con người, đặc biệt là những acid amin thiết yếu có trong thịt, trứng và các loại củ… Giò hoa mềm mại, phù hợp với mọi lứa tuổi.
Thịt kho hột vịt
Còn gọi là thịt kho tàu hay thịt kho riệu, là một món ăn phổ biến tại miền Nam Việt Nam. Món ăn này đặc biệt thường được chế biến để dùng trong các ngày Tết Nguyên đán vì có thể làm sẵn, cất đi mà không chóng hư, nên tiện khi dùng bữa thì dọn ra ăn ngay với cơm và người nhà không phải bận công nấu nướng trong khi vui Tết.
Nước dùng để kho thịt và trứng vịt là nước dừa. Thịt lợn thường là thịt ba chỉ, hoặc thịt có cả nạc lẫn mỡ. Thịt được thái thành miếng vuông, to, trứng vịt được luộc, bóc vỏ và bỏ chung vào kho cùng thịt. Gia vị sử dụng gồm có: tiêu, nước mắm, ớt, đường ăn, và một số gia vị khác. Hỗn hợp thịt-trứng-nước dừa ngập vừa này được kho bằng lửa nhỏ cho đến khi thịt mềm. Món thịt kho hột vịt có thể dùng chung với cơm và dưa chua. Thay vì trứng vịt thì trứng gà cũng được dùng kho tàu.
Món ăn này thường được thấy trong các quán cơm tiệm bình dân vì cách làm dễ, giá thành rẻ và hương vị thơm ngon. Một vài tỉnh thuộc miền Trung và miền Nam, món thịt kho hột vịt được thêm nguyên liệu là măng tre (không phải măng non) để nấu ăn thành món: Thịt kho măng hột vịt.
Lạp xưởng
Còn gọi là lạp xường là một món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Lạp xưởng được làm từ thịt nạc và thịt mỡ lợn xay nhuyễn trộn với rượu, đường rồi nhồi vào ruột lợn khô để chín bằng cách lên men tự nhiên. Lạp xưởng phơi là "lạp xưởng khô", còn không phơi là "lạp xưởng tươi"[1]. Lạp xưởng màu hồng hoặc nâu sậm, vị ngọt. Có thể bảo quản lâu.
Ở Trung Quốc, lạp xưởng của Quảng Đông và Tứ Xuyên rất có tiếng. Ở Việt Nam có lạp xưởng Sóc Trăng và Cần Giuộc (Long An). Hiện tại, Lạp Xưởng tại Việt Nam được sản xuất nhiều nhất tại Sóc Trăng và gần như trở thành bộ đôi đặc sản đi chung cùng bánh Pía.
Giò lụa (chả lụa)
Giò lụa, giò chả hay chả lụa (phương ngữ Nam bộ) là tên gọi của món ăn được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt nạc thăn lợn giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín. Thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam từ Bắc xuống Nam như một món ăn vừa phổ thông vừa sang trọng, giò lụa giòn và thơm đậm mùi thịt tươi luộc cộng với mùi đặc trưng của lá chuối tươi được luộc chín.
Chân giò muối
Chân giò muối ăn rất mềm, thơm ngon, bổ dưỡng mà không hề ngấy. Vì thế, dù đã quen thuộc với các gia đình nhưng chân giò muối vẫn là món hấp dẫn và là gợi ý không tồi trong những bữa cỗ Tết.
Món này được muối mặn rồi hun khói nên đảm bảo thịt không hỏng, giữ nguyên được hương vị của chân giò. Muốn thưởng thức ngon nhất bạn nên để trong ngăn bảo ôn tủ lạnh, còn nếu muốn bảo quản lâu hơn bạn có thể cho vào ngăn đá, trước khi ăn thì giã đông, rồi thái lát mỏng.
Ngọc Trâm