Ngày 20.11 được mặc định là ngày vui đối với những ai làm nghề dạy học, là ngày tôn vinh các nhà giáo, ngày của thầy và trò. Nói đến nỗi buồn trong ngày này, dễ chạnh lòng, dễ bị coi là lạc loài, tị hiềm hay mặc cảm. Nhưng tôi nghe trực tiếp từ nhiều thầy cô và đọc được trên các diễn đàn giáo viên nỗi buồn này.

Những ‘đóa hoa lòng’ cho nhà giáo

19/11/2016, 17:25

Ngày 20.11 được mặc định là ngày vui đối với những ai làm nghề dạy học, là ngày tôn vinh các nhà giáo, ngày của thầy và trò. Nói đến nỗi buồn trong ngày này, dễ chạnh lòng, dễ bị coi là lạc loài, tị hiềm hay mặc cảm. Nhưng tôi nghe trực tiếp từ nhiều thầy cô và đọc được trên các diễn đàn giáo viên nỗi buồn này.

Ảnh minh họa

Là một người từng đi dạy học và bây giờ là phụ huynh, tôi cảm nhận những bối rối từ cả hai phía.

Người bạn cà phê làm công nhân, cũng là phụ huynh cùng trường với con tôi nói chưa đến kỳ lương, tôi cho anh vay tạm vài trăm để tặng quà 20.11 cho cô giáo. Anh không muốn lấy tiền từ vợ vì “bà xã tôi là giáo viên, bà xã nói giáo viên nữ thích quà hơn, còn tôi vẫn lo mình không có phong bì thì cô sẽ “đì” con cái mình”.

Đúng là cái phong bì dúi vội như một tâm thế xã hội quá nặng nề.

Tôi nhớ hồi còn dạy học ở Hóc Môn, ngày 20.11 còn được gọi là “ngày thuốc rê”, vì học trò chuyên đem thuốc rê đóng thành bánh mang tặng thầy cô. Năm về quận 12 dạy thì 20.11 lại là “ngày hoa lài” vì học sinh rinh nguyên cần xế hoa lài thu hoạch tại nhà vườn đem lên trường tặng thầy cô, không có hoa hồng vì các em không có tiền để mua.

Thầy cô không thể hút thuốc rê cũng không thể đem hoa lài đi bán…

Nhưng mà trong giai đoạn khó khăn ấy, ngày 20.11 vui lắm với cả thầy cô và học sinh, gánh nặng cơm áo không đi cùng “vấn nạn” phong bì, thế mới lạ.

Kinh tế phát triển, đời sống nói chung khá hơn nhưng ngày 20.11 thật sự trở thành nỗi trăn trở từ cả hai phía.

Phụ huynh lo lắng không biết cái phong bì mỏng manh như thế có bị thầy cô chê ít không khi mà nhiều phụ huynh khác công nhiên khoe những món quà xênh xang, đắt tiền và những phong bì dày cộm.

Có phụ huynh nói: Tốt hơn hết thầy cô đừng nhận quà gì của học sinh để những nhà nghèo như chúng tôi khỏi chạnh lòng, bây giờ nhà nghèo lo cho con cái ăn cái học hàng ngày đã kiệt sức rồi. Nói ra thì thật xấu hổ, ngày lễ 20.11 thật sự là gánh nặng của gia đình tôi vì có đến 3 con đi học.

Trên những diễn đàn giáo viên, tôi nghĩ ngày 20.11 chắc vui lắm, chộn rộn lắm nhưng vui cũng có mà buồn cũng có, tôi không có điều kiện kiểm chứng nhưng có trường ra thông báo đề nghị giáo viên không nhận quà, phụ huynh không tặng quà cho giáo viên vì không muốn vấn đề này trở thành gánh nặng cho những gia đình khó khăn.

Nhiều cô giáo trao đổi với nhau trên mạng xã hội: “Từ bao giờ, những món quà nhỏ của học trò trở thành gánh nặng cho gia đình, cho phụ huynh của các em?

Trong suốt cuộc đời dài, có không ít lần người ta tặng quà, được nhận quà từ người khác. Để cho con trẻ học được bài học về văn hóa của món quà, về “của cho không bằng cách cho”, chẳng ai khác ngoài chính các thầy cô phải dạy điều này ở trường, cha mẹ phải dạy điều này ở nhà.

Có phải vì người ta sẵn có trong lòng cái định kiến rằng nghề giáo nghèo, lương thấp, bổng lộc không có, nên trong câu chuyện về tặng quà nhân ngày Nhà giáo, đã có sẵn luôn cái hệ quả được suy ra dễ dàng rằng quà tặng đó là một hình thức bù đắp cho cái nghèo của nghề giáo? Nếu vậy thì chua chát quá, nếu vậy cái thanh bạch của nghề đã trở thành một mặc cảm chung, áp đặt và không thể thoát, không thể khác rồi”.

Năm nay cả nước có nhiều hoạt động mới chào mừng ngày Nhà giáo VN, tập trung là tinh thần ghi ơn và phản ánh cuộc sống cũng như tấm gương của các thầy cô khắp các miền đất nước.

Thôi thì thầy cô cũng đừng quá nặng lòng về việc tặng quà hay không tặng quà, hãy xem sự biết ơn của xã hội và kể cả sự biết ơn thầm lặng, không biết cách bày tỏ của nhiều học sinh và phụ huynh đối với thầy cô là những đóa hoa lòng đáng đón nhận cho nghề của mình.

Hoàng Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những ‘đóa hoa lòng’ cho nhà giáo