Tự ngàn xưa, khi cha ông chúng ta làm gì có điện thoại mà sao các cụ vẫn biết cách huy động dân cứu đê khi vỡ và chạy lũ khi bất ngờ đổ về. Tất cả chỉ bằng chiếc kẻng, chiếc chiêng, chiếc trống có trong mỗi thôn, bản của mình? Làng nọ khua chiêng, làng kia nối tiếp âm thanh bằng đánh trống, gõ kẻng... Cớ gì trong thế kỷ 21 này, chúng ta lại chịu thua các cụ .

Xưa đê vỡ, dân khua chiêng báo động, giờ mạng phủ đầy trời mà bất lực sao?

16/11/2016, 18:49

Tự ngàn xưa, khi cha ông chúng ta làm gì có điện thoại mà sao các cụ vẫn biết cách huy động dân cứu đê khi vỡ và chạy lũ khi bất ngờ đổ về. Tất cả chỉ bằng chiếc kẻng, chiếc chiêng, chiếc trống có trong mỗi thôn, bản của mình? Làng nọ khua chiêng, làng kia nối tiếp âm thanh bằng đánh trống, gõ kẻng... Cớ gì trong thế kỷ 21 này, chúng ta lại chịu thua các cụ .

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng qua (15.11) của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đang có những cách đánh giá khác nhau, cũng có nhiều cử tri cho rằng ông Tuấn Anh đã trả lời trôi chảy, lưu loát. Ông đã thể hiện được rằng mình nắm khá chắc vấn đề và không có ý "câu giờ" như đã từng có với các bộ trưởng của khoá trước. Song, ông cũng vẫn chưa thể làm cử tri thoả mãn với những điểm nóng mà trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về ngành mà ông đảm trách. Dẫu rằng, hầu như tất cả những sai phạm hoặc thiếu sót này có thể bắt nguồn từ thời ông Vũ Huy Hoàng làm bộ trưởng và để lại hậu quả đến giờ. Nay ông Tuấn Anh đang phải đứng ra "thừa kế di sản" đáng buồn đó. Bởi vậy, cử tri chia sẻ và chờ đợi ngành ông khắc phục, tất nhiên không thể trong một sớm một chiều.

Trong số những nội dung đã choán nhiều thời gian lúc đầu giờ phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, ví như 5 siêu dự án đang bị báo chí mổ xẻ đã ngốn đến hàng chục ngàn tỷ đồng và đang có nguy cơ gần như mất trắng vì càng sản xuất lại càng sa lầy...
Như "đại hoạ" phân bón giả và kém chất lượng tràn lan ngoài thị trường (với khoảng 9 ngàn tên sản phẩm các loại), rất khó nhận biết, kiểm soát, khiến 60 triệu nông dân vốn đã không khá giả gì càng thêm khốn đốn. Rồi chuyện Thuỷ điện Hố Hô (huyện Hương Khê , Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ khiến hàng ngàn gia đình điêu đứng, mất trắng cơ nghiệp chỉ vì cách làm việc tắc trách của ban quản lý đập thuộc nhà máy trên, trong khi họ vẫn khẳng định việc xả nước tại Hố Hô đã được báo trước và đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn kỹ thuật, đã làm "đúng quy trình" (!).
"Chưa bao giờ tính mạng người dân lại mỏng manh trước nhân tai và thiên tai đến thế. Chết người, trắng tay là hậu quả đau lòng của người dân vùng hạ lưu, từ những sai phạm trong quy trình vận hành các công trình thủy điện Hố Hô và thủy điện An Khê Kanak", ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) mở đầu câu hỏi chất vấn sáng qua. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì giải trình: "Trong trường hợp của Hố Hô vừa rồi, thủy điện báo cáo có gọi điện nhưng lại không ai nghe máy, vì vậy một số địa phương ở phía hạ lưu không đảm bảo thông tin xuyên suốt trong sự phối hợp"...
Được biết, việc thuỷ điện xả lũ bắt buộc phải thông báo tới chính quyền địa phương và người dân để chủ động đối phó. Trước khi xả, nhà máy phải thông báo bằng văn bản trước 2 ngày cho UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND huyện Hương Khê, UBND các xã có liên quan. Nếu trong quá trình xả lũ có tình huống bất thường, khẩn cấp thì đại diện lãnh đạo nhà máy sẽ thông báo trực tiếp cho trưởng, phó ban chỉ huy phòng, chống lụt bão các cấp bằng điện thoại để xin phương án xử lý. Thế nhưng, trong việc xả lũ của thủy điện Hố Hô ngày 14.10, UBND huyện không nhận được thông báo bằng văn bản nào của nhà máy để cảnh báo cho dân. Đến lúc 16 giờ, đại diện nhà máy mới thông báo qua điện thoại tới một phó chủ tịch huyện nên cả huyện hoàn toàn bị động” - ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết (theo báo Tuổi trẻ).
Không chỉ vậy, ông Lê Ngọc Huấn cũng đã trả lời báo Lao động, lúc 16 giờ ngày 14.10, cốt nước tại Hố Hô là 68m, lưu lượng nước vào 1.700m3/s, nhà máy mở 3 cửa xả lưu lượng 1.500 m3/s. Tới 17g39, cốt nước đã hạ xuống còn 67,3m, nước vào 1.400m3/s, nhưng lượng xả lại tăng lên 1.700m3/s. Tới 19g, lãnh đạo huyện Hương Khê trực tiếp lên kiểm tra thì lưu lượng xả lúc này đã 1.843 m3/s, dù cốt nước 67m. “Khi chưa mưa thì không xả, lại nhè lúc mưa lớn để xả. Nước trên đổ về, nước sông dâng lên, tôi đề nghị dừng lại từ 1- 2 tiếng cho nước rút bớt, điều kiện lúc đó có thể dừng xả 1 tiếng nhưng lãnh đạo nhà máy không chấp thuận”, ông Huấn bức xúc kể. Ngay trong sáng 15.10, khi trực tiếp thị sát mưa lũ tại huyện Hương Khê, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã nói rằng thủy điện không thể xả ồ ạt như vậy được. “Hộ nào cũng cho rằng lúc tối nước lên nhanh quá. Xả như thế không nhanh sao được” - ông Khánh nói .
Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Nhà máy thủy điện Hố Hô (Cty CP thuỷ điện Hồ Bốn) cho rằng, việc xả lũ tại Hương Khê là đúng quy trình. Theo ông Hùng, công ty đã xin lệnh xả và điều tiết từ 20g ngày 13.10. Từ 0g -14g ngày 14.10, nhà máy luôn điều tiết ở tình trạng nước xả đi ít hơn nước về. Đến 18g45, lượng nước đổ về hồ là 1.800m3/s, có lúc xấp xỉ gần 2.000m3/s. Ông Hùng còn cho rằng, công ty không có trách nhiệm thông báo tới chủ tịch UBND huyện. Trước trả lời của đại diện thủy điện Hố Hô, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch huyện Hương Khê nói: “Sau đợt này tôi sẽ mời làm việc lại đàng hoàng. Chứ bây giờ đang tập trung khắc phục lũ lụt nên chưa ngồi lại được…”.
Ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hôm qua đã bị ĐBQH "truy" nhiều về sự cố xả nước ở đập thuỷ điện Hố Hô gây thảm họa cho đồng bào huyện Hương Khê, các ĐBQH muốn biết quan điểm xử lý của bộ chủ quản ra sao? Liệu cái "quy trình" được nhà máy cho là đúng kia, bộ có xem là "đúng quy trình" không? Theo thông tin từ ông Tuấn Anh thì ông được cơ sở báo cáo nhà máy thuỷ điện cũng có điện thoại cho huyện "nhưng không ai nghe máy" để rồi tai hoạ ập tới với người dân chỉ vì trở tay không kịp...
Tôi có cảm giác lãnh đạo nhà máy này chưa thật nghiêm túc thừa nhận trách nhiệm về mình, còn chống chế và có phần hơi xem thường dư luận. Đề nghị bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt xử lý sai phạm nói trên. Bên cạnh đó, cũng cần xem lại quy trình thông báo xả lũ và cách thức báo động sao cho hiệu quả nếu như thực sự thông tin liên lạc bị ngắt vì mất sóng hoặc điện đóm không có do bão lũ. Nếu không chấn chỉnh việc này cũng như không có biện pháp dự phòng khi mất liên lạc bằng điện thoại thì phải tìm cách khác khắc phục chứ không thể chấp nhận cách giải thích thiếu trách nhiệm như vậy.
Theo tôi, nhà máy khi xả lũ chỉ cần báo cho một đầu mối, đó là ban chỉ đạo phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, của huyện có đường sông, suối đi qua.
Tự ngàn xưa, khi cha ông chúng ta làm gì có điện thoại mà sao các cụ vẫn biết cách huy động dân cứu đê khi vỡ và chạy lũ khi bất ngờ đổ về. Tất cả chỉ bằng chiếc kẻng, chiếc chiêng, chiếc trống có trong mỗi thôn, bản của mình? Làng nọ khua chiêng, làng kia nối tiếp âm thanh bằng đánh trống, gõ kẻng... Cứ thế, các thôn, bản lân cận đều được cấp báo và hiểu ra âm thanh của cái kiểu báo động chạy lũ, chạy vỡ đê hay cháy nhà... cần được chi viện sức người, sức của của thôn, bản bạn, xã bạn. Cớ gì trong thế kỷ 21 này, chúng ta lại chịu thua các cụ và người có trách nhiệm lại trả lời ráo hoảnh "nhà máy xả lũ không phải không báo trước mà do gọi nhưng không ai nghe máy (!)". Sao họ lại có thể báo cáo cấp trên của họ như vậy được nhỉ?

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xưa đê vỡ, dân khua chiêng báo động, giờ mạng phủ đầy trời mà bất lực sao?