Trang Android Authority giới thiệu về công nghệ giao tiếp trường gần (NFC) và ứng dụng của công nghệ này trong đời sống hiện đại.
Khoa học - công nghệ

Những điều cần biết về công nghệ NFC

Cẩm Bình 27/06/2024 11:55

Trang Android Authority giới thiệu về công nghệ giao tiếp trường gần (NFC) và ứng dụng của công nghệ này trong đời sống hiện đại.

NFC không hoàn toàn mới mà là cải tiến từ công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) đã có hàng chục năm nay. RFID sử dụng sóng vô tuyến tự động phát hiện vật thể mục tiêu, ví dụ tiêu biểu chính là chiếc thẻ quét để vào phòng khách sạn.

Cả hai đều hoạt động dựa trên nguyên tắc ghép cảm ứng khoảng cách ngắn. Đầu đọc truyền dòng điện qua cuộn dây tạo ra từ trường. Khi đặt chip đến gần, dữ liệu được lưu trữ trên thẻ truyền không dây đến đầu đọc khác.

Khác biệt chính giữa NFC với RFID nằm ở phạm vi truyền, phạm vi của RFID xa hơn. Nếu chip RFID được trang bị nguồn điện thì có thể tăng phạm vi lên khoảng 30 mét, chẳng hạn như thẻ thu phí không dừng dán trên kính chắn gió ô tô.

NFC có phạm vi tối đa chỉ khoảng vài cm. Hầu hết ứng dụng điện thoại cần dùng công nghệ này đều phải thực hiện tiếp xúc vật lý rất gần. Khoảng cách ngắn giúp ngăn chặn tình huống liên kết ngẫu nhiên (đặc biệt quan trọng khi ngày nay NFC thường được dùng để truyền dữ liệu nhạy cảm).

Đặc biệt tất cả thiết bị đều có thể hoạt động như đầu đọc lẫn chip. Khả năng hai chiều cho phép 1 phần cứng - điện thoại thông minh - dùng được mọi ứng dụng.

nhung.jpg

Tất cả điện thoại thông minh đều có NFC?

Tại thị trường phương Tây, NFC đã trở thành tính năng không thể thiếu trên điện thoại trong vài năm gần đây. Google Nexus S là thiết bị Android đầu tiên tích hợp công nghệ này vào năm 2010. Năm 2014 đến lượt Apple đưa NFC vào iPhone (từ iPhone 6 trở về sau). Ngày nay loạt thiết bị đeo thông minh như Mi Band hay Apple Watch cũng có NFC.

Chỉ thiết bị cấp thấp mới không sở hữu NFC, ngoài ra còn tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng công nghệ này ở các thị trường khác nhau. Xiaomi không đưa NFC vào sản phẩm bán tại Ấn Độ do nhu cầu sử dụng thấp.

Ứng dụng của NFC

Sau khi phát hành Android 4, Google ra mắt tính năng Android Beam cho phép truyền dữ liệu hoặc nội dung sang thiết bị hỗ trợ NFC khác. Chỉ cần áp mặt sau 2 thiết bị vào nhau rồi chấp nhận truyền là được. Gần đây Android Beam bị loại bỏ để nhường chỗ cho tính năng Nearby Share dùng Bluetooth hoặc Wi-Fi.

Apple Pay, Google Pay, Samsung Pay đều dùng NFC để tiến hành thanh toán không tiếp xúc. Hầu hết thẻ ngân hàng ngày nay đều tích hợp chip NFC. Ta chỉ cần đưa điện thoại thông minh, thiết bị đeo hay thẻ của mình vào đầu đọc là có thể thanh toán.

NFC còn phổ biến ở thiết bị không màn hình. Nhiều loa hoặc tai nghe không dây dùng công nghệ này kết nối với điện thoại. Một số máy ảnh cũng sử dụng nó để nhanh chóng bắt đầu kết nối Wi-Fi giúp truyền ảnh hoặc video dễ dàng hơn.

Phương tiện giao thông công cộng ở nhiều nơi như Hồng Kông, Singapore, London sử dụng thẻ tích hợp NFC. Thậm chí vài hệ thống thanh toán khi đi phương tiện còn tương thích với ứng dụng như Google Pay nên người dân chẳng cần mang thẻ.

Ở lĩnh vực trò chơi điện tử, Nitendo dùng NFC kết nối công cụ vật lý với trò chơi trên máy.

Một số tính năng nhà thông minh như Home Assistant hay HomeKit của Apple cũng hỗ trợ NFC. Bằng ứng dụng trên cả Android lẫn iOS, ta có thể thiết lập cài đặt NFC để điều khiển vật dụng trong nhà.

Khác biệt giữa NFC, Bluetooth với băng thông rộng (UWB)

Thiết bị sở hữu NFC thường cũng tích hợp cả Bluetooth cùng UWB. Một trong những ưu điểm hàng đầu của NFC là không yêu cầu ghép hay nhập thủ công thiết lập kết nối, thao tác chạm mất chưa đến 1 giây. Trong khi đó Bluetooth đòi hỏi dò thiết bị rồi gửi yêu cầu kết nối.

NFC cũng tiết kiệm năng lượng đáng kể so với Bluetooth và UWB vì phạm vi truyền cực ngắn. Hầu hết điện thoại thông minh đều có bật NFC mặc định, còn Bluetooth thường bị tắt nhằm tiết kiệm pin.

Một số ô tô bắt đầu triển khai UWB mở cửa không cần chìa khóa. Tuy nhiên hiện tại công nghệ này chưa hiệu quả bằng NFC. UWB cũng đắt đỏ hơn, hơn nữa hầu hết ứng dụng hỗ trợ NFC đều không cần thông tin vị trí.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những điều cần biết về công nghệ NFC