Thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính là một vấn đề được các bạn trẻ quan tâm, trong đó có nhóm các bạn trẻ sinh viên đến từ Trường đại học Cần Thơ. Nhóm này đã có ý tưởng khởi nghiệp từ dự án EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa.
Khoa học - công nghệ

Sinh viên Đại học Cần Thơ và dự án EcoTraceTech thiết thực cho nông nghiệp, nông dân

Huyền Trân - Nhật Minh 22/06/2024 18:00

Thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính là một vấn đề được các bạn trẻ quan tâm, trong đó có nhóm các bạn trẻ sinh viên đến từ Trường đại học Cần Thơ. Nhóm này đã có ý tưởng khởi nghiệp từ dự án EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa.

Thiết bị này nhằm cung cấp hệ thống đo khí thải nhà kính để trở thành hệ thống kiểm chứng cho các phương thức canh tác lúa giảm khí phát thải hiệu quả cũng như phục vụ cho thị trường tín chỉ carbon trong tương lai.

dai-7.jpg
4 bạn trẻ (trong nhóm 6 bạn) có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo từ sáng chế thiết bị đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa - Ảnh: V.K.K

Đây là một ý tưởng đến từ nhóm 3 bạn trẻ khóa 48 của Trường đại học Cần Thơ là Lê Lư Huyền Trân, Mai Nhật Minh cùng học chuyên ngành kỹ thuật phần mềm, Lê Nguyễn Anh Thư chuyên ngành tài chính ngân hàng, cùng Thạch Đức Trọng, Nguyễn Đặng Tiến Bảo chuyên ngành điều khiển và tự động hóa phát minh, Trần Xuân Khoa chuyên ngành cơ điện tử.

Khơi nguồn ý tưởng

Bạn Lê Lư Huyền Trân trưởng nhóm dự án cho biết ý tưởng khởi nghiệp này được hình thành từ một bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), trong đó lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh hướng đến Net Zero vào năm 2050.

Tại Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực có ưu thế vượt trội về nông nghiệp, là vựa lúa chủ lực của Việt Nam với sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây ổn định khoảng 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất, trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên lượng khí thải nhà kính đến từ sản xuất lúa trong nông nghiệp khá lớn.

dai-4.jpg
Sơ đồ sản phẩm mẫu - Ảnh: Lê Lư Huyền Trân

Ý tưởng được manh nha hình thành, cộng với những kiến thức tích lũy trong quá trình học tập, các bạn trẻ bắt đầu lên kế hoạch nghiên cứu, đưa ra giải pháp xây dựng mô hình hệ thống đo khí phát thải thông qua việc ứng dụng công nghệ phần mềm IoT.

“Nhóm dự án nhận thấy hiện nay tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, việc đo khí phát thải chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Mẫu được lấy từ đồng ruộng, sau đó gửi về phòng thí nghiệm để đo bằng máy đo sắc ký khí. Phương pháp này tốn nhiều công sức, chưa linh hoạt, phạm vi đo ngắn và bất tiện cho bà con nông dân. Vì thế nhóm đã đề xuất giải pháp là thiết bị IoT kết hợp sử dụng các loại cảm biến và đo trực tiếp trên đồng ruộng, sau đó gửi dữ liệu đo đạc được về trên điện thoại di động”, bạn Lê Lư Huyền Trân chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp của nhóm.

dai-3.jpg
Mô hình thiết bị IoT - Ảnh: Huyền Trân

Nhóm dự án đã trải qua 7 tháng nghiên cứu, tìm hiểu về quy trình thu thập số liệu từ sổ tay hướng dẫn đo phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa của Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), nghiên cứu phát thải khí CH4 và N2O trong lĩnh vực trồng trọt vùng đồng bằng sông Hồng của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên - Môi trường) và các tài liệu của các chuyên gia khác.

Vào khoảng cuối năm 2023, mô hình thử nghiệm với tên gọi EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa đã được nhóm phát triển. Đến nay, dự án đang trong giai đoạn đo thử nghiệm, so sánh số liệu của hệ thống với số liệu từ việc đo thủ công và dựa trên cơ sở tương quan của số liệu đã được kiểm chứng từ đó đưa ra những công thức, kết quả tính toán khí phát thải một cách chính xác, hiệu quả nhất.

Sau khi mô hình hệ thống đo đạc này được hoàn thiện, nhóm dự án sẽ triển khai thực nghiệm trên đồng ruộng và tiếp tục điều chỉnh số liệu cho phù hợp. Bên cạnh đó, dự án cũng tính toán thêm các yếu tố từ bên ngoài tác động đến cây lúa như nhiệt độ, độ ẩm, mực nước… ảnh hưởng đến khí phát thải.

Huyền Trân cho biết thêm phần mềm của hệ thống này do nhóm tự thiết kế và hoạch định sẵn chiến lược kinh doanh với sự cố vấn chuyên môn từ các chuyên gia Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên và Trường Công nghệ thông tin và truyền thông (Trường đại học Cần Thơ), hướng đến mục tiêu phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp và mở rộng làm dịch vụ cho các HTX và bà con nông dân.

dai-5.jpg
Giao diện hệ thống - Ảnh: Huyền Trân

Từ ý tưởng đến đấu trường khởi nghiệp quốc tế

EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa hiện là một trong những ý tưởng khởi nghiệp đại diện cho Trường đại học Cần Thơ tham gia đấu trường Ý tưởng khởi nghiệp 2024 (UNIIC IDEATHON 2024) tại Palawan State University (Philippines). Với sự nổi bật và những cải tiến mới, dự án EcoTraceTech đã đạt giải khuyến khích tại lĩnh vực nông nghiệp thông minh và đổi mới sáng tạo trong công nghệ thực phẩm.

UNIIC IDEATHON 2024 do Hiệp hội Vườn ươm đại học (UNIIC) tổ chức nhằm cung cấp nền tảng cho các dự án khởi nghiệp ở giai đoạn đầu trình bày ý tưởng. Đồng thời mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội khám phá các dự án kinh doanh mới. UNIIC IDEATHON 2024 là cơ hội giúp các dự án mở rộng mạng lưới, tạo điều kiện kết nối với các đối tác, nhà đầu tư và tìm kiếm được các nguồn lực bổ sung cho ý tưởng.

Cuộc thi được triển khai ở 5 lĩnh vực gồm: thành phố thông minh, biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp thông minh, đổi mới sáng tạo trong công nghệ thực phẩm. Các nhóm dự án tham gia cuộc thi sẽ đề xuất các giải pháp tiềm năng nhằm giải quyết những thách thức trong các lĩnh vực trên.

Dự án EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa được triển khai với mong muốn thông qua việc sử dụng các thiết bị đo trực tiếp cho kết quả nhanh chóng và độ chính xác cao; từ đó đề xuất các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, thực hành canh tác bền vững.

dai-2.jpg
Huyền Trân trình bày ý tưởng và nguyên lý cấu tạo, hoạt động của Hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa với Hội đồng Khoa học Trường đại học Cần Thơ - Ảnh: H.T

Điểm độc đáo của hệ thống này là thu thập dữ liệu theo thời gian thực, ứng dụng công nghệ IoT trong đo lường và tính toán lượng khí thải. Đặc biệt, hệ thống được thiết kế đảm bảo đơn giản, giúp bà con nông dân dễ dàng tiếp cận từ xa.

Theo tính toán của nhóm phát minh dự án, dự kiến khi hoàn thành phần cứng, hệ thống sẽ được bán trực tiếp cho nông dân, cơ quan môi trường và nhà phân phối với mức cơ bản, tầm trung, đảm bảo tối đa hóa giá trị mà bà con nhận được.

Hoạch định chiến lược phát triển dự án trong thời gian tới, bạn Lê Lư Huyền Trân cho biết, trong năm đầu tiên, nhóm dự án sẽ tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, thu hút khách hàng. 2 - 3 năm tiếp theo sẽ dồn lực tăng doanh số bán hàng, điều chỉnh chiến lược giá và mở rộng dịch vụ cung cấp. Từ năm 4 - 5, khi đã đạt được lợi nhuận, nhóm dự án sẽ mở rộng quy mô hoạt động và tìm kiếm quan hệ đối tác để mở rộng thị trường.

dai-1.jpg
Hội đồng khoa học của trường nghề dự án khởi nghiệp sáng tạo từ nhóm của Huyền Trân - Ảnh: H.T

Hiện nay trên thị trường, các doanh nghiệp chuyên về thiết bị IoT có mặt phổ biến, nhất là các đơn vị cung cấp thiết bị đo đạc khí CH4 và CO2 tương tự mô hình mà nhóm dự án đang phát triển, đây là thách thức mà các bạn trẻ đã nhìn ra. Do đó, khi quyết tâm phát triển dự án EcoTraceTech, nhóm tập trung xây dựng nền tảng người dùng với thiết kế giao diện thân thiện, dữ liệu trực quan vì thế bà con nông dân có thể dễ dàng sử dụng và theo dõi trên điện thoại di động.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên Đại học Cần Thơ và dự án EcoTraceTech thiết thực cho nông nghiệp, nông dân