Hiện nay, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao”, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nói.

'Nhức nhối' chuyện chuyển giá: Luật thiếu và yếu

20/07/2018, 12:26

Hiện nay, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao”, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nói.

Chuyển giá đang diễn ra ở cả doanh nghiệp nội lẫn FDI - Ảnh minh họa

Sabeco là điển hình của DN nội chuyển giá

Tại một hội thảo về chuyển giá và công tác quản lý Nhà nước vừa diễn ra, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết, các hình thức chuyển giá phổ biến hiện nay là đưa giá tài sản góp vốn cao hơn giá thị trường nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế trong tương lai; giá giao dịch không theo giá thị trường làm giảm nghĩa vụ thuế; các công ty có liên quan thỏa thuận giao dịch không theo giá thị trường nhằm làm đẹp giả tạo tình hình tài chính của nhau và làm thất thu thuế…

“Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco. Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành”, Tổng KTNN nói.

Theo PGS.TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, khi xảy ra hành vi chuyển giá mà không có quy định pháp luật để kiểm soát và xử lý hoặc không được xử lý theo quy định của pháp luật thì sẽ có hai hậu quả.

Thứ nhất là làm thất thu ngân sách nhà nước. Việc doanh nghiệp được lợi về thuế thì phần thuế lẽ ra có thể thu được theo luật đã không được nộp vào ngân sách nhà nước, và thực tế ở Việt Nam thì số thất thu này không nhỏ.

“Không phải ngẫu nhiên mà trong giai đoạn 2015 – 2017, có khoảng 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền. Tuy kê khai lỗ liên tục, song nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất”, ông Trường nói.

Thứ hai, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. Mặc nhiên, khi một doanh nghiệp được hưởng lợi về nghĩa vụ thuế thông qua hành vi chuyển giá, doanh nghiệp này sẽ thu lợi cao hơn những doanh nghiệp khác có cùng điều kiện nhưng không thực hiện hành vi chuyển giá.

“Một môi trường cạnh tranh lành mạnh phải tạo ra khả năng hưởng lợi chính đáng từ hoạt động kinh doanh chính đáng”, ông Trường cho hay.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, với việc được lợi nhờ chuyển giá, các doanh nghiệp này có thể mua nguyên liệu đầu vào với giá cao làm cho các doanh nghiệp khác không thể mua được nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy các doanh nghiệp khác vào tình trạng phá sản.

Cần có Luật Chống chuyển giá

Cũng theo ông Trường, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay chưa hoàn thiện, các văn bản luật chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng.

“Ví dụ như chưa có quy định rõ ràng về các khoản chi ngân sách phục vụ chống chuyển giá (chi phí để mua thông tin, chi phí điều tra, xác minh...). Chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan (công an, tham tán kinh tế) để giúp ngành thuế thu thập thông tin phục vụ công tác chống chuyển giá…”, ông Trường nói.

Bên cạnh đó, theo ông Trường, cơ quan thuế chưa được giao thẩm quyền điều tra về thuế nên rất khó khăn trong đấu tranh chống chuyển giá.

“Một trong những cơ sở quan trọng để xác định có hành vi chuyển giá hay không và áp dụng phương pháp nào để xác định giá chuyển giao trong trường hợp có hành vi chuyển giá là phải có thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về các người nộp thuế, song nếu không có quyền điều tra (với những thẩm quyền cụ thể như: kiểm tra đột xuất, khám xét, bắt giữ...) thì rất khó khăn trong thu thập thông tin”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Trường, Việt Nam cũng chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ về người nộp thuế nói chung và phục vụ cho hoạt động chống chuyển giá nói riêng.

Theo TS. Đặng Văn Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước, qua phân tích số liệu kê khai quyết toán thuế của các doanh nghiệp FDI, có thể thấy các doanh nghiệp kê khai lỗ đều có dấu hiệu chuyển giá.

Do đó, về lâu dài, cần xây dựng Luật Chống chuyển giá – đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động chống chuyển giá. Việc này không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên... đồng thời sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan.

Cùng với đó là hình thành cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp Trung ương nhằm chỉ đạo thực hiện thông suốt công tác chống chuyển giá ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề về thông tin ở tầm quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm thu đúng, thu đủ các khoản thu của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước.

Một điều quan trọng nữa là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá. Trước mắt cần bổ sung một điều luật về chống chuyển giá vào Luật Quản lý thuế, tạo cơ sở pháp lý ở cấp độ cao cho hoạt động chống chuyển giá.

Có quy định pháp lý cụ thể về các khoản chi từ ngân sách nhà nước phục vụ công tác chống chuyển giá (chi phí để mua thông tin, chi phí điều tra, xác minh...).

Quy định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá. Đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nhằm thu thập đầy đủ và kịp thời thông tin, dữ liệu về người nộp thuế.

“Thực tiễn cho thấy muốn xác định giá chuyển giao theo các nguyên tắc chống chuyển giá mà pháp luật quy định thì phải thu thập đầy đủ thông tin, nếu không có thông tin thì không thể xác định được giá chuyển giao”, ông Hải nêu.

Cùng với đó là phải có biện pháp, chế tài đủ mạnh để xử lý đối với hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế.

Pháp luật của các nước trong khu vực đều quy định các biện pháp, chế tài mạnh đối với hành vi chuyển giá, như: Singapore quy định mức phạt chung cho các vi phạm về thuế nằm từ khoảng 100% đến 400% khoản thuế phải trả; Indonesia áp dụng mức phạt từ 2% đến 48% một tháng tính trên số thuế nộp thiếu bị phát hiện do gian lận qua chuyển giá; Malaysia quy định mức phat dao động từ 100 - 300% số thuế bị phát hiện gian lận.

Đồng thời, ông Hải cho rằng cần công khai danh tính những doanh nghiệp thực hiện chuyển giá chiếm đoạt tiền thuế nhà nước.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Nhức nhối' chuyện chuyển giá: Luật thiếu và yếu