Sau gần nửa thế kỷ, Roman Polanski vẫn là một trong những nhà làm phim gây tranh cãi nhiều nhất hiện nay.
Cách đây vài giờ, An Officer and a Spy – tác phẩm mới nhất của Roman Polanski – đã có buổi công chiếu tại LHP Venice – nơi nó tham gia tranh tài giải Sư tử vàng. Tất nhiên, vị đạo diễn 86 tuổi không thể tham dự do lệnh bắt giữ ông của chính phủ Mỹ từ năm 1977 vẫn còn hiệu lực. Ông không thể mạo hiểm rời khỏi Pháp.
Phim An Officer and a Spy của Roman được chọn tham gia tranh tài tại LHP Venice 2019
Sự phản đối của công chúng dành cho Roman sau nhiều năm dường như chỉ tăng chứ không giảm. Bằng chứng là quyết định chiếu An Officer and a Spy của Ban tổ chức LHP Venice đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt và lần nữa đưa quá khứ bị tố lạm dụng tình dục của Roman lên trang bìa của nhiều tờ báo.
Dưới đây là những cột mốc quan trọng trong 4 thập niên trốn chạy tòa án của nhà làm phim nổi tiếng này.
Tháng 3.1977
Ngày 11.3.1977, Roman Polanski (khi ấy 43 tuổi) bị bắt và bị buộc tội đánh thuốc mê và cưỡng hiếp Samantha Gailey (13 tuổi) trong một buổi chụp ảnh cho tạp chí Vogue vào đêm trước tại nhà của nam diễn viên Jack Nicholson ở thành phố Los Angeles. Samantha Gailey kể chuyện này với mẹ và bà ấy đã báo cảnh sát.
Roman được thả tại ngoại sau khi đóng số tiền 2.500 USD và đối mặt với hình phạt 50 năm tù giam. Ông bị buộc tội vào ngày 24.3 với 6 tội danh, trong đó cócưỡng hiếp bằng cách sử dụng ma túy và thực hiện hành vi dâm ô và mê hoặc đối với trẻ em dưới 14 tuổi.
Rất đông các nhà sản xuất phim Hollywood đã công khai ủng hộ Roman.
Tháng 8.1977
Samantha Gaileyvào năm 1977
Đầu tháng 8, nhằm tránh một phiên tòa công khai, Roman chấp nhận một thỏa thuận được đề xuất bởi luật sư đại diện. Theo đó, ông chỉ nhận duy nhất tội danh ít nghiêm trọng là quan hệ tình dục bất hợp pháp với trẻ vị thành niên với hình phạt là phục vụ công ích trong nhiều năm đi kèm quản chế.
Roman được lệnh phải trải qua 90 ngày đánh giá tâm thần tại Viện Nghiên cứu về đàn ông ở bang California. Kết quả phân tích cho thấy ông không phải là mối nguy hiểm cho xã hội và được thả ra sớm vì hành vi mẫu mực.
Mặc dù vậy, ngay sau khi rời khỏi viện nghiên cứu, Roman phát hiện thẩm phán Laurence J. Rittenband – người phụ trách vụ án - đã nói với vài người bạn rằng sẽ không chấp nhận thỏa thuận và quyết tâm đẩy ôngvào tù. Một trong số bạn đó là nhà biên kịch Howard E. Koch – bạn của Roman.
Rời khỏi nước Mỹ
Nghe theo lời luật sư đại diện, Roman quyết định không tin tưởng thẩm phán Laurence J. Rittenband và tẩu thoát. Ngày 31.1.1978, một ngày trước khi tuyên án, ông rời Mỹ đếnLondon (Anh) – nơi ông sở hữu một căn nhà – và sau đó bay sang Pháp. Là một công dân Pháp, Roman được bảo vệ khỏi việc dẫn độ và sống chủ yếu ở Pháp kể từ đó. Tuy nhiên, bản án dành cho ông tại Mỹ vẫn còn hiệu lực.
Sự tha thứ của nạn nhân
Samantha Gailey hiện nay đã kết hôn và có tên Samantha Gaimer
Năm 2003, Samantha Gailey nói: “Những gì Roman Polanski đã làm với tôi là sai trái nhưng tôi hyvọng ông ấy có thể trở về Mỹ để đặt dấu chấm hết cho chuyện này, cho cả hai chúng tôi”. Vài năm sau, cô thậm chí còn công khai tha thứ cho Roman và cho rằng “ông ấy không phải là mối nguy cho xã hội và không đáng để bị cầm tù mãi mãi”.
Bắt giữ tại nước ngoài
Trong khi Mỹ luôn cố gắng bắt giữ Roman trong các chuyến du lịch quốc tế, thì Pháp và Ba Lan – hai nơi ông có quốc tịch, lại từ chối dẫn độ.
Ngày 26.9.2009, Roman bị bắt tại Zurich, Thụy Sĩ, trong một lệnh bắt giữ quốc tế do Mỹ ban hành. Ông ở tù 2 tháng và bị quản thúc 8 tháng tại căn nhà gỗ ở Gstaad, thuộc dãy Alps. Hàng loạt ngôi sao nổi tiếng của Mỹ và châu Âu đã lên tiếng phản đối.
Roman Polanski rất được đồng nghiệp kính trọng
Sự kiện này lần nữa làm dấy lên sự quan tâm của công chúng dành cho Roman. Kết quả từ các cuộc khảo sát cho thấy, hầu hết người dân Mỹ và Thụy Sĩ ủng hộ dẫn độ vị đạo diễn này về Mỹ. Thế nhưng, vào tháng 7.2010, Thụy Sĩ cuối cùng đã từ chối yêu cầu dẫn độ của Mỹ.
Thêm cáo buộc
Tại LHP Cannes 2010, nữ diễn viên 42 tuổi người Anh Charlotte Lewis cáo buộc Roman lạm dụng tình dục mình khi cô 16 tuổi trong một buổi casting tại nhà riêng vào năm 1983.
Năm 2017, một người phụ nữ tên “Robin” đã cáo buộc Roman về hành vi xâm hại tình dục khi cô 16 tuổi vào năm 1973. Tháng 9 cùng năm, Renate Langer - một nữ diễn viên 61 tuổi - nộp đơn tố cáo Roman cho rằng cô bị hãm hiếp vào năm 1972 tại Gstaad khi vừa tròn 15 tuổi.
Hai tháng sau, các công tố viên Thụy Sĩ từ chối khởi kiện do thời gian dành cho những vụ tấn công kể trên đã hết hạn.
Bị Viện hàn lâm khai trừ
Cuối năm 2017 khi phong trào #Metoo đang lan mạnh, Roman bị buộc rời khỏi vị trí Chủ tịch của giải Ceaser – tương đương giải Oscar của Pháp – sau khi nhiều nhóm nhân quyền đe dọa sẽ tẩy chay lễ trao giải.
Năm 2018, Viện Hàn lâm khoa học và điện ảnh Mỹ (AMPAS) - đơn vị tổ chức giải Oscar – đã khai trừ Roman ra khỏi danh sách thành viên. Ông là thành viên của AMPAS từ năm 1968 và từng chiến thắng giải Oscar hạng mục “Đạo diễn xuất sắc nhất” cho phim The Pianist (2003).
Mai Thảo