Chiều tối 15.9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình chủ trì buổi họp báo thông tin về các biện pháp thực hiện giãn cách để phòng chống COVID-19 từ ngày 16.9.

Nhiều thay đổi trong việc thực hiện giãn cách ở TP.HCM từ ngày 16.9

Lam Thanh | 15/09/2021, 20:10

Chiều tối 15.9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình chủ trì buổi họp báo thông tin về các biện pháp thực hiện giãn cách để phòng chống COVID-19 từ ngày 16.9.

Ông Lê Hòa Bình cho biết thành phố sẽ tiếp tục giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch trên toàn địa bàn theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ ngày 16.9 đến ngày 30.9. Theo đó, các giấy đi đường công an đã cấp cho 17 nhóm công việc được ra đường tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30.9.

Trong văn bản mới ban hành, UBND TP.HCM cho phép shipper hoạt động liên quận, huyện và TP.Thủ Đức từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày (bắt đầu từ ngày mai 16.9) với điều kiện phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần. Ngân sách thành phố chi trả chi phí xét nghiệm cho lực lượng này đến hết ngày 30.9.

gian-cach.png
Lãnh đạo TP.HCM họp báo thông tin về công tác phòng chống COVID-19

TP.HCM cho phép các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày.

Cụ thể là dịch vụ bưu chính, viễn thông; thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ bán hàng thông qua đặt hàng trực tuyến; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y; dịch vụ bảo trì, sửa chữa; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm.

Đối với nhân viên giao nhận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh: chỉ được phép hoạt động trên địa bàn 1 quận, huyện; phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/1 lần; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.

Người lao động trực tiếp tại nơi làm việc phải được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin phòng chống COVID-19 và thực hiện xét nghiệm với tần suất 5 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lĩnh vực phải đăng ký với chính quyền địa phương để được cấp giấy đi đường.

Theo ông Bình, các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch như quận 7, Củ Chi, Cần Giờ, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn các quận này thí điểm người dân được đi chợ một lần mỗi tuần.
Tại các công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc "vùng xanh" thì chính quyền địa phương xem xét quyết định, cho phép người dân đến tập thể dục nếu đảm bảo an toàn, tuân thủ 5K.

Ông Bình cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện "đi chợ hộ" cho người dân. Sắp tới thành phố sẽ thí điểm "thẻ xanh COVID" cấp mã QR, cùng với thực hiện 5K và xét nghiệm kháng nguyên. Trước mắt thí điểm ở quận 7, Củ Chi, Cần Giờ hai tuần trước khi áp dụng toàn thành phố.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết việc thí điểm thẻ xanh không phải triển khai trên toàn bộ địa bàn các quận, huyện này. Ví dụ quận 7 chỉ thí điểm cho 150 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; còn Củ Chi, Cần Giờ chỉ thí điểm cho các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm...

Theo ông Thắng, sau khi rà soát tình hình hiện nay đang có nhiều ứng dụng gây bất tiện và cũng để giúp giảm giấy tờ cho người dân, thành phố đã xin ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông và thống nhất chọn "Y tế HCM" làm ứng dụng thống nhất trên địa bàn. Ứng dụng này do thành phố phát triển và đáp ứng được các yêu cầu thí điểm ở một số lĩnh vực. Sau này, khi địa phương trở về trạng thái bình thường mới, thành phố sẽ phát triển thành ứng dụng của công dân TP.HCM.

Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM cho biết TP quyết tâm đảm bảo những giải pháp an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Khi thực hiện giãn cách xã hội phải xác định được phạm vi giãn cách. Phạm vi giãn cách hẹp nhất, nhỏ nhất có thể như thôn, xóm, tổ ấp, khu phố.

Thành phố xác định mục tiêu giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể trong vòng 14 ngày. Thần tốc xét nghiệm, đối với vùng nguy cơ cao phải xét nghiệm 3 lần/7 ngày, ưu tiên xét nghiệm kháng nguyên để bóc tách F0 nhanh; khi xét nghiệm PCR phải trả kết quả trong vòng 12 giờ, tránh lây nhiễm chéo.

Trước đó, tại buổi họp báo chiều 13.9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9. Việc này để đảm bảo việc chống dịch của thành phố bền vững hơn, từng bước nới lỏng, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.

Chiều 14.9, tại Hội nghị lần thứ 8 mở rộng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa 11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý cho TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 thêm 2 tuần. Đồng thời được mở cửa dần ở những địa bàn được kiểm soát với yêu cầu an toàn là trên hết.

Bài liên quan
TP.HCM: Hơn 3.000 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi
Chỉ hơn 1 tuần triển khai tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3.000 trẻ. Đây là biện pháp chống dịch tăng cường trước tình hình trẻ mắc sởi ở độ tuổi trên tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều thay đổi trong việc thực hiện giãn cách ở TP.HCM từ ngày 16.9