Tại cuộc gặp gỡ báo chí đầu năm 2018 vào ngày 12.2, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết kể từ sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và đã có một số điều chỉnh quan trọng.

Nhiều thay đổi trong dự thảo luật đặc khu kinh tế

Trí Lâm | 13/02/2018, 18:05

Tại cuộc gặp gỡ báo chí đầu năm 2018 vào ngày 12.2, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết kể từ sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và đã có một số điều chỉnh quan trọng.

Theo ông Đông, dự thảo luật lần này đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội đối với phương án Trưởng đặc khu, và Bộ đã báo cáo Chính phủ về việc thay đổi một số vấn đề trong dự thảo trước đó. Theo đó, Hội đồng đặc khu do Thủ tướng thành lập, có cơ chế khác với Hội đồng nhân dân hiện nay.

Hội đồng có 3 chức năng chính, đó là tư vấn phản biện bắt buộc đối với các vấn đề lớn của đặc khu như: quy hoạch, chiến lược phát triển, phê duyệt kinh tế xã hội, ban hành văn bản pháp quy...

“Đây là những vấn đề lớn, bắt buộc phải xin ý kiến Hội đồng đặc khu. Tất nhiên thẩm quyền quyết định vẫn là Trưởng đặc khu. Hội đồng này gồm tối đa 11 người, gồm đại diện nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà đầu tư chiến lược và cộng đồng doanh nghiệp”, ông Đông nói.

Chức năng thứ hai là kịp thời cảnh báo cho Trưởng đặc khu trong các quyết định. “Trưởng đặc khu có quyền ra quyết định, nhưng nếu thấy sai, Hội đồng đặc khu có thể báo cáo để cảnh báo, nhằm kip thời tránh sai lầm”.

Chức năng thứ ba là độc lập báo cáo, đánh giá hoạt động quản lý của Trưởng đặc khu.

“Hội đồng do Thủ tướng lập và báo cáo trực tiếp với Thủ tướng. Nếu Trưởng đặc khu có những quyết định chưa phù hợp, Thủ tướng có thể cách chức”, ông Đông cho hay.

Cũng theo ông Đông, Bộ đã quy định rất rõ trong dự thảo cơ chế giám sát: hàng năm tiếp dân như thế nào, bao nhiêu ngày để đăng tải các quyết định của Trưởng đặc khu lên các phương tiện thông tin đại chúng…

“Ví dụ quyết định về đấu thầu, chỉ định thầu… sau 1 - 2 ngày là phải gửi lên. Cơ chế giám sát này thực chất hơn, kịp thời hơn. Hiện Bộ đã báo cáo Chính phủ làm theo phương án này”, ông Đông thông tin.

Về phương án giao đất và cho thuê đất đến 99 năm, ông Đông cho biết Chính phủ hiện vẫn mong muốn thời hạn giao và cho thuê đất đến 99 năm. Tuy nhiên thời hạn này chỉ áp dụng với các dự án đáp ứng về quy mô, phù hợp với chiến lược phát triển từng đặc khu và do Thủ tướng quyết định.

“Lý do là để đảm bảo cạnh tranh và quan trọng hơn là thông điệp. Khi chúng ta đưa ra cái này, báo chí quốc tế đã tiếp cận với chúng tôi, vì vậy nếu chúng ta thay đổi thì nó không còn tính đặc thù nữa”, ông Đông nhấn mạnh.

Bộ này cũng bổ sung mô hình khu thương mại tự do. “Hiện nay chúng ta có khu phi thuế quan rồi nhưng chính sách chưa rõ nên trong luật sẽ bổ sung khu thương mại tự do, gắn với cảng biển và sân bay để cạnh tranh với quốc tế”, ông Đông nêu.

“Ngoài ra chúng tôi bổ sung thêm một số cơ chế về đất đai. Chính sách đất đai trong đặc khu là thấp hơn so với hiện hành. Cái này chúng tôi trước đây đã làm rồi nhưng hiện đang tiếp tục rà soát.

“Việc miễn tiền thuê đất, chúng tôi đã điều chỉnh, kể cả nhà đầu tư chiến lược cũng được miễn không quá 30 năm, nhưng không quá 1/2 thời gian hoạt động của nhà đầu tư để đảm bảo chúng ta có nguồn thu cho đặc khu”, lãnh đạo Bộ KH-ĐT nói.

Liên quan đến chính sách ưu đãi về đất đai cho Phú Quốc sẽ giảm hơn so với Vân Đồn hay Bắc Vân Phong, ông Đông lý giải vì đất đai tại đây không còn nhiều. Ngoài ra hoàn thiện hơn cơ chế nhà đầu tư được hưởng ưu đãi nhưng mà phải thực hiện dự án.

Dự thảo Luật đặc khu đã bổ sung rõ hơn về công chức hợp đồng. Theo đó chỉ có Trưởng đặc khu, Trưởng cơ quan chuyên môn, Trưởng khu hành chính là công chức như hiện hành, còn tất cả các cấp khác là công chức hợp đồng.

“Công chức hợp đồng là những người được Trưởng đặc khu kýhợp đồng để thực hiện các nhiệm vụ theo vị trí được giao và được trả lương trên cơ sở kết quả công việc. Nếu không làm được thì có thể bị thay thế”, ông Đông nói.

3 phương án cho Trưởng đặc khu

Tại phiên họp lần thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra vào 11.1), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu hiện nay có 3 phương án. Trong đó, có 2 phương án do Chính phủ trình và 1 phương án do Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất.

Phương án 1 thực hiện thiết chế Trưởng đặc khu. Phương án này có ưu điểm tinh gọn bộ máy, đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, năng động, linh hoạt. Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là không bảo đảm quyền đại diện của nhân dân, nguyên tắc nhân dân lập ra chính quyền, cơ quan quyền lực bầu cơ quan hành chính, dễ dẫn đến nguy cơ lạm quyền.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật băn khoăn về tính hợp hiến của phương án này. Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó quy định cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính của đất nước, bao gồm cả ở đặc khu do Quốc hội thành lập.

Phương án 2, chính quyền đặc khu gồm có HĐND, UBND tương tự như ở các đơn vị hành chính hiện nay. Ưu điểm của phương án này là phù hợp với Hiến pháp, thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thể hiện tính nhất quán về tổ chức của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương.

Nhiều ý kiến ĐBQH, chuyên gia và Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành với phương án này vì chưa thực sự đổi mới, cải cách, chưa mang tính đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy.

Phương án 3 do nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề xuất, kết hợp các ưu điểm, khắc phục nhược điểm của phương án 1 và phương án 2.

Theo đó, chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND (gọi tắt là Hội đồng đặc khu) và UBND (gọi tắt là Ủy ban đặc khu) được tổ chức tinh gọn, chỉ quyết định một số vấn đề quan trọng, mang tính định hướng lớn, còn chủ yếu tập trung phân quyền, phân cấp thẩm quyền quản lý, điều hành ở đặc khu cho Chủ tịch Ủy ban đặc khu.

Phương án này có ưu điểm: Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm của đơn vị đặc khu, thể hiện được chính quyền gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ, quyền giám sát của Nhân dân. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hành chính của đặc khu…

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều thay đổi trong dự thảo luật đặc khu kinh tế