"Đầu tư ngoài ngành tràn lan, kém hiệu quả, buông lỏng quản lý trong đầu tư kinh doanh chuyên ngành, là hàng loạt sai phạm đã đẩy Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), đơn vị 100% vốn nhà nước lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, có khả năng mất vốn".

Nhiều sai phạm tại Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị

Một Thế Giới | 26/05/2015, 06:02

"Đầu tư ngoài ngành tràn lan, kém hiệu quả, buông lỏng quản lý trong đầu tư kinh doanh chuyên ngành, là hàng loạt sai phạm đã đẩy Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), đơn vị 100% vốn nhà nước lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, có khả năng mất vốn".

Đây là đánh giá của Thanh tra Chính phủ (TTCP) tại kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại HUD đượccông bố chiều 25.5.

Buông lỏng quản lý

Theo TTCP, trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, HUD đã đầu tư các dự án (DA) vượt xa năng lực tài chính và quản trị dẫn đến việc triển khai các DA, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn đẩy HUD và các đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn hiện nay. Nợ phải trả lớn, khả năng thanh toán khó khăn, nợ phải thu chậm thu hồi, phát sinh quá hạn. 
Bên cạnh đó, TTCP phát hiện HUD đã làm trái và buông lỏng quản lý trong hoạt động ủy quyền kinh doanh cho các công ty thành viên với quy mô lớn. Cụ thể, các DA đô thị sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật, HUD không tiếp tục đầu tư công trình trên đất hoặc chuyển nhượng đất có hạ tầng cho nhà đầu tư thứ cấp mà ủy quyền đầu tư kinh doanh cho các công ty thành viên, trái điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế quản lý tài chính của HUD. 
Chưa hết, theo nội dung hợp đồng ủy quyền, các công ty thành viên phải thanh toán tiền đầu tư hạ tầng kỹ thuật và tiền sử dụng đất cho HUD, HUD có quyền thông qua các phương án đầu tư kinh doanh, điều tiết lợi nhuận các DA ủy quyền. Nhưng thực tế HUD và các đơn vị thành viên không thực hiện đúng những nội dung hợp đồng ủy quyền, đặc biệt là thanh toán không đầy đủ, không đúng hạn.

Thông qua hoạt động ủy quyền đầu tư kinh doanh, HUD đã chuyển giao cho các công ty thành viên cả những diện tích đã được nhà nước miễn không thu tiền để đầu tư kinh doanh nhà theo giá thị trường. Không thực hiện đúng nghĩa vụ xây dựng căn hộ chung cư cao tầng để bán và cho thuê đối với đối tượng gặp khó khăn về nhà ở, không giao tầng 1 các chung cư cho TP theo quy định.

Một sai phạm khác của HUD là thiếu trách nhiệm đối với việc trích trước chi phí trọng yếu trong kinh doanh bất động sản vào giá vốn kinh doanh. HUD đã hạch toán trích trước chi phí phải trả vào giá vốn kinh doanh hàng kỳ theo suất đầu tư mét vuông đất, mét vuông nhà phân bổ trên cơ sở tổng mức đầu tư các DA sai với quy định phải căn cứ chi phí phát sinh và dự toán công trình.

Nguy cơ mất vốn nhà nước

Theo TTCP, trong việc quản lý tài chính, tài sản khác, HUD đã để xảy ra nhiều vi phạm như: bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận kinh doanh DA Văn Quán khi chưa quyết toán không đúng chỉ đạo của Thủ tướng; đầu tư xây dựng sai quy hoạch chi tiết được phê duyệt, xây dựng tăng căn hộ và tăng diện tích sàn chung cư để kinh doanh thu lợi.

Mặt khác, HUD đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhiều khoản nhưng hiệu quả kém và có nguy cơ mất vốn. Cụ thể đầu tư vào DA xây dựng nhà máy xi măng của Công ty CP xi măng Sông Thao hơn 516 tỉ đồng nhưng tính đến năm 2012, lỗ lũy kế hơn 300 tỉ đồng (bằng 34% vốn đầu tư của chủ sở hữu); đầu tư vào Công ty CP phát triển nhà xã hội HUD VN hơn 161 tỉ đồng nhưng công ty con này thực hiện nhiều DA sai quy định dẫn đến tài chính khó khăn, kém hiệu quả, lãng phí vốn; HUD đầu tư ngoài ngành vào Quỹ đầu tư VN 72 tỉ đồng từ năm 2006 nhưng đến tháng 8.2013 chưa thu được hiệu quả. HUD còn góp vốn vào Công ty CP thép Sông Hồng hơn 46 tỉ đồng từ 2005, đến 2007 quyết định thoái vốn nhưng đến nay vẫn không thu hồi được.

Theo TTCP, đến nay các khoản nợ phải trả của HUD hơn 6.600 tỉ đồng, khả năng thanh toán nợ khó khăn do mất cân đối dòng tiền, tồn kho nhiều (hơn 4.300 tỉ đồng) thanh khoản chậm; nợ công trình hạ tầng chưa xây dựng và quá hạn bàn giao cho địa phương khối lượng lớn, trị giá hơn 4.500 tỉ đồng; hạch toán kinh doanh không chính xác, ghi nhận thiếu chi phí trước và chi phí dự phòng hơn 1.200 tỉ đồng dẫn đến phản ánh kết quả kinh doanh sai lệch. Kết quả thanh tra cho thấy, việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản và hoạt động kinh doanh của HUD đang trong tình trạng hết sức khó khăn, nhiều việc có khả năng mất vốn.

Thái Sơn/ Theo thanh niên

Kiến nghị xử lý cá nhân, tập thể liên quan

Từ những sai phạm trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan. Trong đó, xử lý trách nhiệm cá nhân cần lưu ý trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc và các bộ phận chuyên môn qua các thời kỳ. Về kinh tế, TTCP kiến nghị các bộ ngành chức năng xử lý số tiền hơn 1.000 tỉ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều sai phạm tại Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị